Hậu COVID-19 - Bài 5: Các nhà tư tưởng hàng đầu nói gì về tương lai thế giới?

Nhàđầutư
Một năm sau khi COVID-19 lan rộng không ngừng, các đường nét của trật tự toàn cầu được định hình lại do đại dịch đang bắt đầu xuất hiện. Virus đã dẫn đến sự thay đổi quyền lực chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia.
MINH TIỆP
25, Tháng 04, 2021 | 07:21

Nhàđầutư
Một năm sau khi COVID-19 lan rộng không ngừng, các đường nét của trật tự toàn cầu được định hình lại do đại dịch đang bắt đầu xuất hiện. Virus đã dẫn đến sự thay đổi quyền lực chính trị và kinh tế ở nhiều quốc gia.

Foreign Policy đã phỏng vấn 12 nhà tư tưởng hàng đầu về tương lai của thế giới sau đại dịch.

Thời điểm cho khả năng lãnh đạo - John Allen, chủ tịch Viện Brookings

Nếu có, rất ít người chiến thắng thực sự xuất hiện trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Không phải vì dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta mà bởi hầu hết các quốc gia đã không thực hiện được vai trò lãnh đạo và tự giác xã hội cần thiết để kiểm soát nó cho đến khi có vaccine.

COVID-19 đã nhanh chóng trở thành một trong những tác nhân gây căng thẳng lớn nhất với hệ thống quốc tế vốn đã mỏng manh của chúng ta, làm lộ rõ các lỗ hổng, khuếch đại các yếu điểm, và làm trầm trọng thêm các vấn đề mục nát vốn đã kéo dài.

Ở cấp độ cơ bản nhất, thời điểm khó khăn này đã nêu bật lên sự yếu kém trong trang bị của hệ thống y tế toàn cầu. Nó buộc nhiều quốc gia phải đưa ra các quyết định đạo đức tàn khốc để xác định ai trong số công dân của họ xứng đáng được chăm sóc y tế nhất.

scholar01-john_allen

John Allen: “COVID-19 làm lộ rõ các lỗ hổng, khuếch đại các yếu điểm, và làm trầm trọng thêm các vấn đề mục nát vốn đã kéo dài”. Ảnh: Brookings

Hơn nữa, thay vì xây dựng một liên minh toàn cầu mới để chống lại căn bệnh khủng khiếp này, rất nhiều nước đã dựa vào các chính sách biệt lập. Điều này đã dẫn đến những phản ứng chắp vá, thiếu hiệu quả khi các ca bệnh một lần nữa tăng đột biến trên toàn thế giới. Hoa Kỳ là một trong những ví dụ tồi tệ nhất.

Trên thực tế, COVID-19 đại diện cho một loạt những vấn đề phức tạp kết nối với nhau xuyên quốc gia, đòi hỏi các giải pháp đa phương do các nhà lãnh đạo điều hành.

Để giải quyết các vấn đề như phân biệt chủng tộc có hệ thống, biến đổi khí hậu và nhu cầu phục hồi kinh tế toàn cầu, chúng ta thực sự cần phải tìm cách củng cố chứ không phải làm suy yếu trật tự quốc tế chung hiện nay. Dù khoa học cuối cùng sẽ cứu được chúng ta nhưng sẽ không có hy vọng về sự phối hợp chống lại đại dịch và phục hồi hoàn toàn nếu không có sự lãnh đạo hiệu quả.

Những hạt giống cách mạng - Anne-Marie Slaughter, CEO của New America

Đại dịch đã chứng minh một cách chắc chắn rằng chính phủ Hoa Kỳ không phải là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong các vấn đề toàn cầu.

Chính quyền của ông Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ chối tham gia quan hệ đối tác COVAX gồm 172 quốc gia (liên minh đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine), từ bỏ trách nhiệm giải quyết đại dịch tại quê nhà với các bang và thành phố của Hoa Kỳ. Người Mỹ đã trả giá nhưng phần còn lại của thế giới đã bước tiếp.   

Những tổ chức từ thiện và dân sự, các công ty và trường đại học là những yếu tố tuyệt đối cần thiết. Quỹ Bill & Melinda Gates đã giúp tổ chức Gavi, Liên minh Vaccine và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng Đối phó Dịch bệnh (CEPI) - tất cả đều là những đối tác quan trọng với Liên minh châu Âu và WHO trong các nỗ lực chống dịch như COVAX.

scholar02-Anne-Marie_Slaughter

Anne-Marie Slaughter: “Điều ngạc nhiên lớn nhất trong đại dịch là sự tách biệt mạnh mẽ giữa kinh tế của người giàu với những người khác ở cả các quốc gia và trên toàn cầu”. Ảnh: New America

Các công ty dược phẩm Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, dù có hay không sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ, và cả các công ty châu Âu cũng đang đạt được những tiến bộ nhanh chóng. Các nhà khoa học, bác sĩ, dịch tễ học Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới toàn cầu bằng cách chia sẻ thông tin về virus cũng như các chiến lược phòng ngừa và điều trị thành công.

Điều ngạc nhiên lớn nhất trong đại dịch là sự tách biệt mạnh mẽ giữa kinh tế của người giàu với những người khác ở cả các quốc gia và trên toàn cầu. COVID-19 đã gây tử vong cho hơn 1 triệu người trên toàn thế giới và tạo ra thảm họa kinh tế cho những người làm công ăn lương cùng các doanh nghiệp nhỏ.

Nhưng thị trường tài chính lại cho thấy ít thiệt hại. Ngược lại, các giá trị tài sản đang đạt được mức cao hơn bao giờ hết. Những khoảng trống như vậy sẽ gieo mầm cho những thay đổi mang tính cách mạng.

Toàn cầu hóa đang dịch chuyển nhanh chóng - Laurie Garret, cây viết khoa học và là nhà bình luận của Foreign Policy

Do sự chậm trễ không thể tránh khỏi trong việc triển khai vaccine, COVID-19 sẽ không sớm biến mất. Đó là lý do tại sao đại dịch sẽ tiếp tục thay đổi nhanh chóng bối cảnh toàn cầu hóa và sản xuất.

Một nửa số CEO trong Fortune 500 (500 công ty tập đoàn hàng đầu thế giới) không có kế hoạch khôi phục hoạt động di chuyển công tác về những mức độ của năm 2019.

Hơn 1/4 trong số họ dự đoán rằng lực lượng lao động sẽ không đạt được quy mô như trước đại dịch. Cứ 10 người thì có 8 người nói rằng chủ nghĩa dân tộc sẽ trở thành lực lượng chi phối tại các quốc gia nơi họ hoạt động, ảnh hưởng tới những chuỗi cung ứng, các quyết định về địa điểm và môi trường pháp lý.

Và hầu hết đều tin rằng sự chuyển đổi nhanh hơn sang robot và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp họ tránh khỏi tác động từ những cuộc đình công hay cú sốc của đại dịch trong tương lai. Ngay cả khi doanh thu của nhiều công ty đã phục hồi, tâm trạng trong phòng họp vẫn rất u ám.

scholar03-Laurie_Garrett

Laurie Garret: “Hơn 1/4 trong số CEO của Fortune 500 dự đoán rằng lực lượng lao động sẽ không đạt được quy mô như trước đại dịch”. Ảnh: Wikipedia

Hầu hết các công ty và những nhà thu mua chính phủ vẫn chưa giải quyết được nút thắt về sản xuất và cung ứng trong thời đại đại dịch. Họ sẽ đa dạng hóa các nhà cung cấp để ít phụ thuộc vào một quốc gia như Trung Quốc và xây dựng những kho dự trữ để chống lại sự gián đoạn trong tương lai.

Các công ty và chính phủ sẽ từ bỏ những mối quan hệ lâu dài và các thỏa thuận thương mại vốn duy trì toàn cầu hóa để hướng tới các cam kết kém ổn định hơn - có thể được thực hiện hoặc bị phá vỡ để phản ứng nhanh với các đợt bùng phát trong tương lai hay các sự kiện thiên nga đen (hiện tượng xảy ra không thể đoán trước, đem lại các hậu quả tàn khốc cho kinh tế).

Sẽ có những kẻ thua cuộc. Hậu quả kinh tế tàn khốc của đại dịch đã khiến hàng triệu người cay đắng, phẫn uất và có thể đổ lỗi cho các đối thủ nước ngoài về hoàn cảnh tuyệt vọng của họ.

Các tổ chức nhân đạo và y tế toàn cầu đang bị thách thức nghiêm trọng bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và những khó khăn trong việc huy động hỗ trợ tài chính. Kết quả là, tác động lâu dài của đại dịch có thể làm cho thế giới khó có khả năng đối chọi với đại dịch tiếp theo.

Thế kỷ của năng lực châu Á - Kishore Mahbubani, thành viên ưu tú tại Viện Nghiên cứu Châu Á của Đại học Quốc gia Singapore

Con số không biết nói dối. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn ở Đông Á và Đông Nam Á. Chỉ cần so sánh tỷ lệ tử vong trên 1 triệu người thì ở Việt Nam là 0,4; Trung Quốc (3), Singapore (5), Hàn Quốc (10), Nhật Bản (17) với Bỉ (1.446), Tây Ban Nha (979), Anh (877), Hoa Kỳ (840) và Ý (944).

Những con số là phần nổi của tảng bằng chìm. Đằng sau chúng là câu chuyện lớn hơn về sự chuyển dịch năng lực từ Tây sang Đông. Các xã hội phương Tây từng được biết đến với sự tôn trọng của họ dành cho khoa học và sự duy lý.

Ông Donald Trump đã kéo bỏ chiếc khẩu trang che đậy những ảo tưởng đó. Người châu Á thì há hốc miệng chứng kiến những người ủng hộ ông không đeo khẩu trang.

scholar04-Kishore_Mahbubani

Kishore Mahbubani: “Phương Tây tự mãn cho rằng họ nhất định sẽ thắng trong trận chiến này”. Ảnh: Mothership

Phương Tây cũng được biết đến với khả năng quản trị tốt, đặc biệt là Liên minh châu Âu. Làn sóng mạnh mẽ thứ 2 của đại dịch đã cho thấy rằng có điều gì đó không ổn.

Nhưng điều gì đã xảy ra? Câu trả lời đơn giản là sự tự mãn. Phương Tây cho rằng họ nhất định sẽ thắng trong trận chiến này. Từ kinh nghiệm trước đây của họ với đại dịch như SARS, các xã hội thuộc Đông Á và Đông Nam Á biết rằng họ đã từng cứng rắn, cảnh giác và kỷ luật. Một trong những biến số quan trọng đó là sự tôn trọng đối với chính phủ trong nước.

May mắn thay, xã hội châu Á chưa bao giờ bị "ảo tưởng Reagan" rằng "chính phủ là vấn đề". Thay vào đó, họ coi chính phủ là giải pháp. Do đó, cả xã hội kỷ luật chặt chẽ tại Việt Nam và xã hội đang có những vấn đề chính trị như Thái Lan đã đưa COVID-19 vào tầm kiểm soát. Các cơ quan chính phủ mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe và y tế đã phản ứng một cách có năng lực. Và các nền kinh tế Đông Á cũng có khả năng phục hồ nhanh hơn, phản ánh năng lực quản lý kinh tế.

Khi các nhà sử học tương lai tìm hiểu sự khởi đầu của Thế kỷ châu Á, họ có thể chỉ ra COVID-19 là thời điểm là năng lực châu Á nổi lên một cách mạnh mẽ.

Kỷ nguyên mới của chủ nghĩa nhà nước tích cực - Shannon K. O’Neil, phó chủ tịch, phó giám đốc nghiên cứu và là thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa sẽ không được định hình bởi thương mại, đầu tư hay sự lây lan của virus mà bởi địa chính trị và hoạt động của chính phủ. Những chuỗi cung ứng toàn cầu phần lớn đã phục hồi sau những cú sốc mạnh về kinh tế, làm giảm cả cung lẫn cầu do hậu quả của đại dịch vào xuân năm ngoái.

Nhưng hiện tại, họ phải đối mặt với thách thức lâu dài hơn từ hoạt động của nhà nước. Căng thẳng chính trị Mỹ - Trung ngày càng gia tăng và sự phân ly trong những lĩnh vực công nghiệp của 2 nước sẽ vẫn tiếp tục.

scholar05-SHANNON-ONEIL

Shannon K. O’Neil: “Các chính sách công nghiệp thông minh là cần thiết để giải quyết các vấn đề mà thị trường không tự giải quyết được”. Ảnh: Texas Tribune

Các chính sách công nghiệp thông minh là cần thiết để giải quyết các vấn đề mà thị trường không tự giải quyết được. Việc vũ khí hóa sức mạnh kinh tế và tài chính để đạt được lợi ích địa chính trị bằng các biện pháp tảy chay, trừng phạt và các hạn chế khác đang bắt đầu được đặt ra.

Khi nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch, các chính phủ trên khắp thế giới đang lao vào cuộc chiến kinh tế với nỗ lực để gây ảnh hưởng và đầu tư trực tiếp, thúc đẩy đổi mới về công nghiệp, quản lý và bảo vệ an ninh quốc gia trong thế giới số, và định hình những nền kinh tế quốc gia bằng cách sử dụng tất cả các yếu tố của những công cụ chính sách. 

Những chính sách công nghiệp thông minh là cần thiết để giải quyết những vấn đề mà thị trường tự nó không xử lý được, như biến đổi khí hậu, hay tạo ra sân chơi công bằng giữa các quốc gia bằng cách loại bỏ các rào cản pháp lý và những cản trở khác bằng các hiệp định đa phương hay thương mại toàn diện khác.

Nhưng tất cả những hoạt động tích cực này của nhà nước có nguy cơ làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ một cách nặng nề, gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia, làm chia cắt chuỗi cung ứng và năng chặn sự đổi mới và tăng trưởng toàn cầu. Thách thức mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt là cần can thiệp theo những cách thông minh để duy trì và khuyến khích cạnh tranh theo một cách cởi mở.

Chưa có chỗ cho những nhà chuyên chế - Stephen M. Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Harvard Kennedy

Như dự đoán, COVID-19 đã đẩy nhanh sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông và đặt ra thêm những giới hạn nữa cho toàn cầu hóa, nó dẫn đến một thế giới ít cởi mở và kém thịnh vượng hơn. Nhưng đại dịch cũng không chấm dứt yếu tố của địa chính trị truyền thống và những sự cạnh tranh quốc gia, cũng như nó không mở ra một kỷ nguyên hợp tác toàn cầu mới. 

Trong khi Trung Quốc đang phục hồi, Hoa Kỳ và phần lớn châu Âu phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo, phần lớn bởi các nhà lãnh đạo không phản ứng kịp thời và hiệu quả. Nhưng những chi tiết này không thể dùng để chứng minh tính hiệu quả của sự chuyên chế. Vì các nền dân chủ như Úc, Canada, New Zealand, Hàn Quốc... đều hành động rất tốt. Trong khi nhiều nước khác phải chùn bước trước đại dịch.

scholar06-stephen-m-walt

Stephen M. Walt: “Kể cả ông Trump, người được coi là "uber" dân túy cũng chỉ trụ được 1 nhiệm kỳ”. Ảnh: Globsec

Toàn cầu hóa đang trong quá trình đảo ngược, sự hợp tác quốc tế để đánh bại đại dịch đã được thực hiện một cách nửa vời. Dịch bệnh cũng không ngăn được cuộc đụng độ mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Và nó cũng không thể kết thúc cuộc đổ máu tại Syria hay Yemen. Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng tiếp tục gia tăng.

Vậy tin tốt là gì? Những lo lắng lan rộng rằng những nhà chuyên chế, những người theo chủ nghĩa dân túy, những ai chuyên quyền sẽ lợi dụng tình trạng khẩn cấp để củng cố quyền lực. Nhưng ngược lại, họ đã mất chỗ đứng. Kể cả ông Trump, người được coi là "uber" dân túy cũng chỉ trụ được 1 nhiệm kỳ.

Đó cũng là một lý do để hy vọng. Với những giải pháp, khẩu trang, việc triển khai vaccine, chúng ta sẽ vượt qua điều này.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ