Hàng tỷ USD từ nhà đầu tư Hàn Quốc 'chảy' vào miền Trung - Tây Nguyên

Nhàđầutư
Tính đến tháng 9/2020, Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may…  
THÀNH VÂN
09, Tháng 12, 2020 | 06:51

Nhàđầutư
Tính đến tháng 9/2020, Hàn Quốc đã đầu tư tổng cộng 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may…  

Đó là thông tin được công bố tại hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên”, diễn ra chiều 8/12, tại Đà Nẵng, do Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ KH&ĐT tổ chức. Hội thảo nhằm mang đến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc thông tin đầy đủ, cập nhật về môi trường và cơ hội đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam.

Vốn đầu tư từ Hàn Quốc liên tục tăng

Năm 2020, dịch COVID-19 diễn ra bất ngờ trên quy mô toàn cầu, đã tác động nghiêm trọng và sâu sắc đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã chủ động ứng phó thành công với đại dịch và đã đạt được những thành tựu quan trọng để duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội, trở thành một trong rất ít nền kinh tế trên thế giới duy trì được mức tăng trưởng GDP dương (dự kiến 2 - 3%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu được dự báo suy giảm tới 40% trong năm 2020, thì thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 vẫn khả quan, đạt 26,43 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,7 tỷ USD (xếp thứ 2 sau Singapore). Điều này thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng đối với Hàn Quốc, đây là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 18,5% tổng vốn FDI của cả nước, đóng góp tới hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu và từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu trong Chính sách Hướng Nam mới, đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN. 

DSCF2793

Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên” tổ chức tại Đà Nẵng. 

Đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực, đạt 79,41 triệu USD với 23 dự án đăng ký đầu tư mới. Chế biến chế tạo, Hoạt động chuyên môn công nghệ, Dịch vụ lưu trú - ăn uống là những lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của đối tác Hàn Quốc tại khu vực này.

Lũy kế đến nay, đối tác Hàn Quốc đã đầu tư 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 16,96% của cả khu vực (xếp vị trí thứ hai sau Singapore). Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt hầu hết trong các ngành, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may, sản xuất gia công và chế biến, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp...

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế”. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho gần 20.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam an toàn, trong đó phần lớn là lãnh đạo các tập đoàn, chuyên gia Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc, bảo đảm các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Điểm sáng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Miền Trung - Tây Nguyên có vị trí chiến lược, cách đều 2 trung tâm kinh tế lớn nhất là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, ngay trên các trục giao thông quan trọng quốc gia với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (1.450 km), cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekông mở rộng (GMS), đảm bảo giao thương thông suốt với các vùng kinh tế, các nước ASEAN và Đông Bắc Á.  

DSCF2764

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT.

Bên cạnh đó, khu vực này sở hữu nhiều nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú về đất, biển, đảo, nông-lâm-thủy sản, khoáng sản; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với chi phí thấp và tay nghề tốt, hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề khá hoàn chỉnh.

Đặc biệt, nơi đây hiện có 1 Khu công nghệ cao (Đà Nẵng), hàng loạt cảng biển, sân bay quốc tế (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài…), 7 Khu kinh tế quốc gia gắn với cảng nước sâu và 59 khu công nghiệp với hạ tầng đang được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Miền Trung – Tây Nguyên còn có ưu thế về phát triển du lịch và bất động sản với hàng loạt Di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, nhiều bãi biển và vịnh đẹp nhất hành tinh (Đà Nẵng, Nha Trang, Lăng Cô…).

Với những tiềm năng nổi trội như trên, kết hợp với các “thế mạnh” mới như các Hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới (EVFTA, EVIPA, CPTPP, VKFTA…), những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đột phá, nhiều địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Vũ Văn Chung cho rằng, với những lợi thế trên, khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc để đạt kết quả tương xứng với lợi thế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khu vực trong giai đoạn mới.

“Các địa phương trong khu vực, nhất là các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ “đi tiên phong” trong thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư của Hàn Quốc trong bối cảnh mới. Để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cần nghiên cứu và tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp”, ông Chung nói.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT và các Bộ ngành, địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc để hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích cho các bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc lên một tầm cao mới.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ