Giải pháp huy động vốn cho năng lượng tái tạo

Nhàđầutư
Thu xếp vốn là thách thức không nhỏ đối với phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và năng lượng nói chung. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất, tổng vốn đầu tư nguồn, lưới điện là 104,7-142,2 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 và 324,6-483 tỷ USD giai đoạn 2031-2050.
HUY NGỌC
17, Tháng 11, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Thu xếp vốn là thách thức không nhỏ đối với phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và năng lượng nói chung. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất, tổng vốn đầu tư nguồn, lưới điện là 104,7-142,2 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 và 324,6-483 tỷ USD giai đoạn 2031-2050.

linh-vuc-nang-luong-trung-nam-group2

Giải pháp huy động vốn cho năng lượng tái tạo. Ảnh minh hoạ: Internet

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vào cuối năm ngoái, Việt Nam đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metal vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo và nhiều sáng kiến toàn cầu khác.

Tuy vậy, để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững và giảm phát thải về 0 vào 2050, Việt Nam sẽ gặp thách thức không nhỏ khi phải huy động lượng vốn rất lớn. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới nhất, tổng vốn đầu tư nguồn, lưới điện là 104,7-142,2 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 và 324,6-483 tỷ USD giai đoạn 2031-2050.

Thu xếp lượng vốn khổng lồ này là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Các dự án đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thường có thời gian hoàn vốn đầu tư khá dài (khoảng 5-10 năm với dự án điện mặt trời mái nhà và khoảng 10-15 năm đối với các dự án năng lượng tái tạo khác). Tuy nhiên, nguồn vốn các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án này lại là nguồn vốn thông thường và phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Việc này làm giảm quy mô vốn của ngân hàng có thể cấp tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Chưa kể, chính sách giá mua điện năng lượng tái tạo không xuyên suốt, nên các nhà đầu tư, cũng như các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án, cũng như lập kế hoạch trả nợ cho ngân hàng.

Các ngân hàng cấp tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn khi thẩm định các dự án gặp phải những vấn đề khá phức tạp do đặc trưng của các dự án xanh đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, công nghệ thiết bị mới có tính kỹ thuật cao, hành lang quy định pháp lý về ngành/lĩnh vực chưa đầy đủ, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường,… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dự án mới được thành tại các địa phương, nên các tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai của khách hàng….

Giải pháp huy động vốn

Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhận định nguồn huy động đến từ các thành phần kinh tế gồm: Các công ty trong Tập đoàn EVN với con số đầu tư phát triển điện là 3 tỷ USD; huy động từ tư nhân và hộ gia đình trong nước 3-4 tỷ USD/năm.

Đặc biệt, là phương án huy động từ các doanh nghiệp FDI khoảng 6-7 tỷ USD/năm trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay chất lượng cao như châu Âu, Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thúc đẩy vốn FDI vào các dự án năng lượng tái tạo nói riêng và hạ tầng nói chung, thì chính sách đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP) cần được sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới. Cụ thể là để huy động vốn tư nhân nước ngoài hay trong nước, thì Nhà nước cần có nguồn vốn mồi. Mà trường hợp điển hình là nhiều địa phương nhờ sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, nên đã tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn tư nhân trong nước và FDI vào các dự án cảng biển.

Ở góc độ của tổ chức tín dụng, ông Phạm Như Ánh – Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư trong việc có các công cụ bảo lãnh vay vốn để tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài với chi phí hợp lý; hỗ trợ cho ngân hàng thương mại về nguồn vốn trung dài hạn, vốn ưu đãi dành cho lĩnh vực xanh có thể thông qua các giải pháp như áp dụng hệ số rủi ro tín dụng (RWA) thấp hơn cho tín dụng xanh.

Ngoài ra, cần nâng giới hạn trần tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng có quy mô tín dụng xanh lớn; Nâng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tài trợ trung dài hạn; Tạo cơ chế đồng bộ để ngân hàng thương mại có thể cấp bảo lãnh thanh toán cho các khoản vay tín dụng xuất khẩu (ECA),…

Về phía tín dụng xanh, để hỗ trợ khơi thông nguồn vốn này phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, ông đề xuất NHNN cần hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh và ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng xanh hàng năm.

Bên cạnh đó, xem xét loại trừ hoặc tính một phần các khoản vay dài hạn cho các dự án tín dụng xanh vào các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. NHNN cũng nên có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để có chương trình tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều vào chương trình tín dụng xanh. Cùng với đó, cần ưu tiên giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cho vay vào các dự án năng lượng tái tạo hằng năm.

“Cần có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để có chương trình tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều vào chương trình tín dụng xanh”, ông nói.

Huy động trái phiếu xanh cũng được đánh giá là công cụ huy động vốn quan trọng để tài trợ cho các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, góp phần khuyến khích phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Đại diện MBBank kiến nghị cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo....

Trong khi đó, ông Patrick Lenain, Tổ chức tài chính vi mô CEP lưu ý, để thu hút vốn mạnh hơn thì việc định nghĩa rõ ràng về các hoạt động thân thiện với môi trường cùng các tiêu chí đi kèm là rất quan trọng. Hiện tại, một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã ban hành được hệ thống phân loại của riêng mình, trong khi Việt Nam chưa làm được điều này. 

Ông cũng cho rằng việc áp dụng cách phân loại rõ ràng sẽ tạo cơ sở cho các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí tương ứng để xác định thế nào là một ngành kinh tế xanh, dự án xanh nhằm tài trợ vốn; đồng thời cũng khuyến khích đầu tư xanh từ các NĐT tài chính khác như bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí….

Ngày 18/11 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo" nhằm trao đổi, thảo luận, khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết 55 (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là góp ý hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công thương, Ban Kinh tế Trung ương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội... và các chuyên gia năng lượng, tài chính, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Thông tin về cuộc Tọa đàm sẽ được tường thuật trực tiếp trên Nhadautu.vn và các cơ quan thông tấn, báo chí. Những khuyến nghị chính sách từ Tọa đàm này sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ