[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Võ Trí Thành: Dùng ngân sách bổ sung vốn cho Agribank giống như chuyện 'con gà và quả trứng'

Nhàđầutư
Việc bổ sung vốn cho các ông lớn ngân hàng quốc doanh ở thời điểm hiện tại đang đặt ra, bức thiết hơn cả trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, TS. Võ Trí Thành, nhận định riêng về trường hợp Agribank và cho rằng việc dùng ngân sách tăng vốn cho Agribank giống như chuyện 'con gà và quả trứng'.
ĐÌNH VŨ
03, Tháng 06, 2020 | 06:37

Nhàđầutư
Việc bổ sung vốn cho các ông lớn ngân hàng quốc doanh ở thời điểm hiện tại đang đặt ra, bức thiết hơn cả trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, TS. Võ Trí Thành, nhận định riêng về trường hợp Agribank và cho rằng việc dùng ngân sách tăng vốn cho Agribank giống như chuyện 'con gà và quả trứng'.

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016. Trong đó, tổng tài sản của "Big 4" gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống. Xét về giá trị tuyệt đối tỷ trọng tổng tài sản của 4 ngân hàng trên gần bằng toàn bộ khối ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) lại chỉ đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống (vốn điều lệ của toàn hệ thống là 617,5 nghìn tỷ đồng). Như vậy, với khối NHTMNN, tử số tăng rất chậm còn mẫu số thì luôn tục phình to. Điều này đi ngược lại yêu cầu của Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước và gây rủi ro lớn cho hoạt động ngân hàng. Điều này đặc biệt thấy rõ trong hoạt động của Vietinbank và Agribank.

Vấn đề tăng vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ông lớn ngân hàng quốc doanh đang đặt ra hết sức bức thiết. Để làm rõ lý ro tại sao cần bổ sung vốn cho các NHTMNN lúc này và giải đáp một số vấn đề đi kèm với trường hợp cụ thể là Agribank, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia về vấn đề này.

vo-tri-thanh

TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia 

Xin ông cho biết, vì sao việc tăng vốn cho các NHTMNN thời điểm này lại là bức thiết?

TS. Võ Trí Thành: Có thể thấy tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nói chung, đặc biệt là trường hợp các ngân hàng quốc doanh, mà điểm hình là Vietinbank và Agribank không chỉ là vấn đề quan trọng mà có tính cấp thiết.

Quan trọng vì việc tăng vốn sẽ giúp nâng sức chống chịu của hệ thống ngân hàng, đằng sau đó là nền kinh tế trước diễn biến ngày càng phức tạp của kinh tế - chính trị trong nước và thế giới. Nó quan trọng vì nằm trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc tăng vốn cho các NHTM cũng nằm trong lộ trình lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của quốc tế, trước hết là chuẩn Basel II. Ngoài ra, nó không chỉ để đảm bảo năng lực, khả năng hoạt động của hệ thống ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động mà nó còn là uy tín, định mức tín nhiệm của ngân hàng, rộng hơn là hệ thống tài chính. Việc tăng vốn được hay không ảnh hưởng lớn tới khả năng huy động vốn trước tiên cho hệ thống ngân hàng, sau đó là nền kinh tế. Nếu định mức tín nhiệm kém thì đi vay sẽ khó hơn và phải trả chi phí cao hơn.

Về tình cấp thiết, có thể hiểu rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bản thân ngân hàng cũng phải vượt khó để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Muốn hỗ trợ được nền kinh tế, đầu tiên là phải có thêm năng lực. Việc tăng vốn cho ngân hàng là cách gia cố gối đệm cho các ngân hàng để đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống không bị “xây xát” trước những va đập. Thứ 2 là với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì nguy cơ nợ xấu, rủi ro tăng lên, không có vốn tốt, chưa nói tới vấn đề nhân lực, quản trị rủi ro, chính việc thiếu vốn, nguy cơ rủi ro cao lên lại càng làm những nguy cơ trên trở nên xấu thêm.

Ngoài ra, vấn đề thanh khoản đang quan trọng hơn bao giờ hết vì vòng quay đồng tiền đang suy yếu. Khi kinh tế tốt, 1 đồng tiền quay được 3 vòng ai cũng có tiền. Còn hiện giờ dù có 1,5 đồng nhưng đồng tiền không quay vòng nên ai cũng thấy thiếu tiền.

Vì vậy, dù ngân sách thời điểm này không dư dả và vẫn còn khó khăn do thu ngân sách giảm nhưng cần phải cân nhắc đối với việc tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II.

Còn với những trường hợp cụ thể như Agribank và Vietinbank thì sao, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Hiện tại trong số "Big 4" vẫn còn Agribank và VietinBank chưa hoàn thành việc tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41. Việc cấp thêm vốn cho các ngân hàng này không nên trì hoãn thêm, để lại đến năm sau sẽ càng khó khăn hơn khi lợi nhuận thấp hơn do kinh doanh khó khăn, nợ xấu tăng, chưa kể phải chia sẻ giảm mạnh lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng.

Với riêng trường hợp như Agribank, ngoài những yêu cầu chung thì có đặc thù riêng như tính bao phủ, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành nông nghiệp, xã hội. Cũng vì, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên việc gọi vốn ngoài là rất khó nếu không có nguồn lợi nhuận để lại. 

Việc tăng vốn cho Agribank hay Vietinbank là cuộc tranh luận diễn ra trước cả thời điểm dịch bệnh COVID-19. Đến thời điểm dịch bệnh thì càng gây thêm khó khăn nhất định với ngân sách. Chúng ta tiếp tục bàn tới việc có dùng ngân sách để bổ sung vốn hay không, hay dùng tiền thuế để hỗ trợ, tái cấu trúc. Trước sức ép tăng vốn cho các NHTMNN hiện nay thì về nguyên tắc, Chính phủ đã đồng thuận dùng ngân sách để hỗ trợ tăng vốn cho các NHTMNN nêu trên.

Vậy thưa ông, tại sao lại là con số tối đa 3.500 tỷ đồng ngân sách để bổ sung vốn cho Agribank, trong khi trước đó ngân hàng này đã đề xuất tăng vốn thêm hơn 12.000 tỷ đồng?

TS. Võ Trí Thành: Ngân sách năm nay thực sự khó khăn, chắc chắn cũng đã có nhiều con số được đưa ra. Tuy nhiên, 3.500 tỷ đồng có thể là con số hợp lý nhất, được cân đó đong đếm từ nhiều phía.

Tuy nhiên, câu chuyện của Agribank không phải chỉ là con số 3.500 tỷ đồng bổ sung vốn. Với Agribank có nhiều cái khó. Bổ sung ngân sách giống như câu chuyện con gà quả trứng. Nếu có thêm nguồn lực thì việc niêm yết trên thị trường sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. 

Agribank hiện nay đang phải đối mặt với tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, vấn đề thông tin, tính rủi ro hay việc đạt được chuẩn Basel II còn ở phía trước nên độ hấp dẫn chắc chắn không được như các NHTMNN khác. Việc lên sàn của ngân hàng này cần xác định làm từng bước, tăng vốn cũng là một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình cổ phần hoá của Agribank.

Khi từng bước lên sàn, ngân hàng dần trở nên minh bạch hơn, hiệu quả hoạt động tăng thì Agribank mới có sức hấp dẫn với nhà đầu tư bên ngoài. Bổ sung vốn cho Agribank như "con gà quả trứng", khó biết cái nào có trước, nhưng muốn huy động được nguồn lực xã hội thì trước tiên cần bổ sung vốn để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Vậy ngoài phương án sử dụng ngân sách bổ sung vốn cho Agribank, liệu còn lời giải nào nữa cho ngân hàng này không, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Còn, đó là phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, đây là việc khó, chưa nói tới tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 lên thị trường tài chính thì việc phát hành trái phiếu với Agribank đã là không đơn giản ngay cả khi chưa có dịch bệnh. Có nên chăng là Agribank nên cân nhắc một lộ trình lên sàn theo từng bước không nên quá gấp gáp ở thời điểm hiện tại.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ