[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Cấn Văn Lực: 'Vàng không còn là công cụ để đầu cơ lướt sóng'

Nhàđầutư
Trả lời Nhadautu.vn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vàng giờ đây không còn là công cụ để đầu cơ lướt sóng, khi mà thị trường vàng trong nước ổn định hơn so với quốc tế và còn nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như bất động sản, chứng khoán, startup...
KIỀU TRANG
14, Tháng 08, 2019 | 07:00

Nhàđầutư
Trả lời Nhadautu.vn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vàng giờ đây không còn là công cụ để đầu cơ lướt sóng, khi mà thị trường vàng trong nước ổn định hơn so với quốc tế và còn nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như bất động sản, chứng khoán, startup...

Giá vàng trên thị trường thế giới quay đầu tăng nhanh trở lại và hướng lên sát đỉnh 6 năm do bất ổn leo thang tại Hong Kong, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Hàn-Nhật không giảm. Giá vàng giao tháng 12 đã lên gần 1.520 USD/ounce.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chung quanh những diễn biến trên thị trường kim loại quý này.

can-van-luc-nhadautu-0046

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Với tình hình chiến tranh thương mại leo thang và địa chính trị phức tạp như hiện nay, một số chuyên gia dự báo giá vàng năm nay trên thế giới sẽ đạt khoảng 1.800 USD/ounce, ông nhận định thế nào về dự báo này?

TS. Cấn Văn Lực: Giá vàng trên thế giới từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 20%, trong nước tăng khoảng 10%.

Quan điểm của tôi là giá vàng có thể tiếp tục biến động, cũng có thể nhích lên do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và giữa một số nước khác diễn biến tương đối phức tạp và khó lường.

Thứ hai, có thể một số quốc gia điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa (chủ yếu là nới lỏng) tương đối mạnh hoặc quá mức cũng có thể gây ra những rủi ro. Ví dụ như, nếu các nước giảm lãi suất quá nhanh và nới lỏng tài khóa nhiều, lượng tiền sẽ đổ vào những lĩnh vực đầu tư như bất động sản, chứng khoán, thổi giá trị những tài sản đó lên và có thể gây ra rủi ro bong bóng.

Trong bối cảnh như vậy, giá vàng có thể tiếp tục biến động và tăng lên. Tuy nhiên, mức độ như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào những kịch bản khác nhau đối với căng thẳng thương mại, cũng như rủi ro địa chính trị; và phản ứng của các nước.

Có thể thấy, ở Việt Nam thị trường vàng nói chung và giá vàng nói riêng ở mức ít biến động hơn so với thế giới. Có ba lý do chính: một là thị trường vàng đã được Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm và quản lý tương đối chặt chẽ trong thời gian vừa qua; vì thế, thị trường vàng đã trở nên ổn định hơn nhiều so với trước đây. Điều này thể hiện qua bằng chứng là bây giờ chúng ta thấy mỗi khi giá vàng biến động mạnh, nhưng không còn hiện tượng “đổ xô” đi mua bán vàng như trước đây.

Hai là, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay cũng như triển vọng đối với kinh tế Việt Nam là tương đối tốt, tích cực là vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư và đặc biệt Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì giữ được ổn định kinh tế vĩ mô (như kiểm soát lạm phát, tỷ giá…). Qua đó tăng niềm tin đối với tiền đồng Việt Nam và bớt đi tâm lý “găm” giữ, đầu cơ vàng như trước đây.

Ba là, hiện nay ở Việt Nam cũng có những kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn so với trước đây, chẳng hạn như gửi tiền ngân hàng, đầu tư bất động sản, chứng khoán, khởi nghiệp ….; đều khả dĩ hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2015.

Trong bối cảnh hiện tại, liệu vàng còn giữ được đà tăng trong bao lâu và tăng đến đâu?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi không đưa ra dự báo cụ thể tăng giảm bao nhiêu đối với giá vàng, thế nhưng theo quan điểm của tôi giá vàng vẫn còn biến động và có thể còn tăng lên.

Mức độ tăng ít hay nhiều phụ thuộc vào động thái và những ứng xử, đối phó chính sách, đặc biệt liên quan đến chiến tranh thương mại và địa chính trị.

Thực tế, sức ảnh hưởng của vàng vẫn nóng, không loại trừ trường hợp người dân có thể rút tiền gửi ở một số khoản ngắn hạn đổi ra mua vàng. Vậy, theo ông đà tăng của giá vàng hiện nay có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ?

TS. Cấn Văn Lực: Thực ra, việc đó không đáng quan ngại. Bởi lẽ, có thể cũng có một số cá nhân rút tiền hoặc đến thời hạn của khoản tiền gửi cũ, họ không gửi nữa và bắt đầu mua một ít vàng. Những đối tượng đó là không nhiều, lý do chính là họ cũng quan ngại về rủi ro đối với đầu tư vàng hiện nay. Rõ ràng vàng bây giờ không còn là công cụ để đầu cơ lướt sóng như trước đây nữa, cơ bản nó chỉ là một công cụ tích trữ, đầu tư như những công cụ đầu tư khác.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng hiện nay tương đối hấp dẫn, ở mức khoảng 7%/năm, nếu gửi dài hạn hơn, lãi suất còn cao hơn. Trong bối cảnh kiểm soát lạm phát ở mức khá thấp như hiện nay, tỷ giá tương đối ổn định; người dân có thể nhìn thấy ngay lý do để họ tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Chưa kể, đây là một công cụ đầu tư rất an toàn.

Tóm lại, người dân có nên đầu tư vào vàng trong thời điểm này không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi có hai lời khuyên, một là phải hết sức bình tĩnh và không nên theo tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn. Thứ hai, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, việc đầu tư phải đa dạng hóa, kể cả đối với vàng. Thứ ba, hiện nay vàng không phải là công cụ để đầu cơ, lướt sóng nữa; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thị trường vàng trong nước ổn định hơn so với quốc tế và trong nước có một số kênh đầu tư khác hấp dẫn không kém như đã nêu trên.

Sáng 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chính thức đặt tỷ giá tham chiếu ở mức vượt mốc hơn 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Theo ông, liệu có xảy ra trường hợp chính quyền ông Trump và Fed cũng sẽ can thiệp tỷ giá đồng USD, và nếu như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao tới giá vàng?

TS. Cấn Văn Lực: Việc đó là khó xảy ra, vì Fed đã và đang có định hướng chính sách giảm lãi suất, cụ thể họ đã giảm lãi suất 0,25% hồi cuối tháng 7 vừa qua và Fed vẫn tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để họ có thể tiến tới quyết định có giảm lãi suất hay không.

Còn việc Chính phủ Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính và Fed can thiệp tỷ giá thì khả năng đó là ít xảy ra, bởi lâu nay Mỹ không có tiền lệ như thế. Hơn nữa, Fed là một cơ quan độc lập đối với Chính phủ Mỹ và không chịu sự chi phối về mặt chính sách từ chính phủ Mỹ. Ngoài ra, nếu Mỹ chủ ý phá giá USD thì được hiểu là Mỹ cũng thao túng tiền tệ. Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng quan ngại khả năng bị chảy vốn đầu tư khi USD mất giá nhiều. Tóm lại, Mỹ cũng cần phải toan tính nhiều mặt khi quyết định phá giá USD.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ