[Gặp gỡ thứ Tư] Tổng thư ký VNBA: Luật Các TCTD (sửa đổi) cần tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khuyến nghị, NHNN cần nghiên cứu kỹ luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế.
ĐÌNH VŨ
17, Tháng 05, 2023 | 08:00

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khuyến nghị, NHNN cần nghiên cứu kỹ luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 này, Quốc hội sẽ xem xét, lấy ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Dự thảo lần này đặc biệt được chú ý vì có thể sẽ luật hoá các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 thành một chương về xử lý nợ xấu. Đây là một bước đi quan trọng trong tạo hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu ngành ngân hàng.

Để có thêm những góp ý cho dự thảo luật, đặc biệt từ vấn đề xử lý nợ xấu, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

nguyen-quoc-hung

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Trước tiên xin ông có một số đánh giá về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng. Trước bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, đảm bảo an toàn hệ thống, cơ cấu lại các TCTD yếu kém và đặc biệt giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu toàn ngành, tỷ nợ xấu nội bảng giảm từ mức khoảng 2,6% vào năm 2017 xuống dưới 2% vào thời điểm cuối 2022. 

Đạt được kết quả trên là do chính sách về xử lý nợ xấu từng bước được hoàn thiện, một số quy định liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu được các cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn triển khai, đặc biệt là sự ra đời Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực từ 15/8/2017.

Trải qua 6 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, cùng với sự chủ động của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực sự đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần thay đổi ý thức trách nhiệm của toàn xã hội với việc trả nợ ngân hàng. Theo đó, chất lượng tín dụng đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD được kiểm soát, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,6% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022). 

Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý). Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%). 

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động như: Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022 (thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).

Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn do: Hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu; Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng; Các DNVVN đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 đã hết hiệu lực…

Vì vậy, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, rồi các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái... Thực tế, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến lên 4%. Chất lượng tài sản của các NHTM có sự phân hóa mạnh.

Với vai trò là Tổng thư ký VNBA, nguyên Chủ tịch VAMC, xin ông cho biết những khó khăn trên thực tế của quá trình xử lý nợ xấu?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc. Một số khó khăn nổi cộm như: Khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng, dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian để xử lý. Trong quá trình thi hành án, các đương sự cố tình tạo ra tranh chấp bên thứ ba, sau đó khởi kiện ra Tòa án nhằm kéo dài việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm.

Một số khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là các dự án đang dở dang có giá trị lớn, chưa hoàn thiện pháp lý dẫn tới khó xử lý.

Công tác phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về tình trạng TSĐB, đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở, thi hành án, việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá... 

Việc mua bán nợ xấu của TCTD cho các tổ chức, cá nhân chưa phát sinh nhiều do bên mua nợ còn e ngại thủ tục xử lý nợ trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, xử lý nợ xấu còn vướng mắc do hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.

Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực, tạo cơ chế hiệu quả, đồng bộ trong xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối của các TCTD. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn rất nhiều vướng mắc do bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác và xuất phát từ quá trình thực thi, từ các quy định tại các luật hiện hành.

Một số quy định tại Nghị quyết 42 không áp dụng được trên thực tế, cần phải luật hóa  mới xử lý được như: Việc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), các TCTD gặp nhiều khó khăn do chủ tài sản chống đối và không hợp tác nên phải chuyển sang tòa án các cấp xử lý; 

Về áp dụng thủ tục rút gọn, đến nay chưa có TCTD nào được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42 do khách hàng luôn tạo tranh chấp để không thể xử rút gọn được mà chuyển sang theo quy định pháp luật tố tụng bình thường;

Về ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ xấu, stiền thu được từ việc xử lý TSBĐ sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ chưa được ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ xấu của các TCTD theo như quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42, dẫn đến cơ chế ưu tiên thu hồi nợ xấu của các TCTD từ số tiền xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42 không được thực thi trên thực tế do sự thiếu đồng bộ, chưa nhất quán giữa quy định tại Nghị quyết 42 với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về THADS;

Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, khi TCTD đưa tài sản bảo đảm là dự án bất động sản ra bán đấu giá và xác định được người trúng đấu giá, nhưng lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng.

Ngoài ra, còn các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác như: Về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ: Bộ Tài chính mới chỉ ban hành các tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản, chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các Tổ chức thẩm định giá thực hiện, dẫn tới công tác định giá khoản nợ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi, giá trị thẩm định giá là căn cứ quan trọng để xác định giá mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC và TCTD. 

Vướng mắc liên quan đến hoạt động mua bán nợ: Khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện; thiếu các quy định liên quan đến chứng khoán hóa các khoản nợ xấu; Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định giá bán nợ; Việc bán nợ dưới giá trị ghi sổ: Việc bán nợ dưới giá trị ghi sổ của khoản nợ/dưới dư nợ gốc của các TCTD gặp phải những đánh giá chưa thực sự tích cực từ phía các cơ quan thanh tra, kiểm toán; Chưa có cơ chế ràng buộc sự phối hợp của bên nợ: Ngay cả khi việc mua bán khoản nợ đã diễn ra thành công, rủi ro đối với bên mua nợ vẫn lớn khi bên nợ không hợp tác.

Cùng với đó là khó khăn trong việc nhận gán nợ TSBĐ là bất động sản, xử lý TSBĐ là chứng khoán trong giao dịch cầm cố với ngân hàng.

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) sẽ được Quốc hội đưa ra xem xét trong một vài ngày tới. Ông có những đề xuất gì để có thể tạo cơ sở hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động xử lý nợ xấu thời gian tới?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Trước tiên, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật cần lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp; rà soát các luật liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Luật Các TCTD (sửa đổi) theo đó cần tăng tính tự chủ cho các TCTD, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD; Luật hóa các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tạo hành lang pháp lý và nâng cao tính hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu; và các Luật liên quan mật thiệt đến hoạt động ngân hàng, cụ thể: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các TCTD cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tòa án nhân dân Tối cao cần có văn bản hướng dẫn các Tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ TSBĐ tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý TSBĐ của TCTD. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Chính phủ cần cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới. 

Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch; Ban hành hướng dẫn về định giá Khoản nợ xấu thông qua Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam theo quy định của Luật Giá.

Bộ Tư pháp chỉ đạo Tổng cục thi hành án rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, theo đó việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động và cho khách hàng vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cần nghiên cứu kỹ luật về ngân hàng của các nước trong khu vực và trên thế giới để các quy định tại Luật các TCTD (sửa đổi) phù hợp với đặc thù Việt Nam nhưng cũng phải tiệm cận và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời rà soát một số dự thảo Luật liên quan đến hoạt động ngân hàng đang sửa đổi hiện nay để tránh sự chồng chéo, không phù hợp với Luật Các TCTD (sửa đổi). Cần lưu ý những nội dung dự thảo Luật giao dịch điện tử để đưa vào Luật Các TCTD nhằm thực hiện tốt chuyển đổi số, cho vay trên nền tảng công nghệ, thầm định và quyết định cho vay trên dữ liệu lớn, đồng thời trên cơ sở thực tiễn vướng mắc nghị quyết 42 bổ sung một số qui định về xử lý nợ xấu vào Luật Các TCTD (sửa đổi) bổ sung.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ