[Gặp gỡ thứ Tư] Phó chủ tịch EuroCham: Thuế tối thiểu toàn cầu - cơ hội cải cách cho Việt Nam

Nhàđầutư
Việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ buộc Việt Nam phải thích nghi và cải cách trong tình huống mới. Yếu tố quan trọng nhất Việt Nam cần cải thiện là thủ tục hành chính, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam.
KIM NGÂN - TRÍ ĐỨC
01, Tháng 03, 2023 | 08:30

Nhàđầutư
Việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ buộc Việt Nam phải thích nghi và cải cách trong tình huống mới. Yếu tố quan trọng nhất Việt Nam cần cải thiện là thủ tục hành chính, theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam.

hai-1234-1652

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu".

Các thảo luận và ý kiến tại hội thảo đều khá thống nhất với nhau rằng thời gian áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) cận kề, Chính phủ Việt Nam cần hành động để không bị đánh mất quyền thu thuế bổ sung đồng thời giữ được cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Đồng thời đề xuất các giải pháp để Việt Nam thực hiện quyền thu thuế. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Việt Nam nên ban hành cơ chế về thuế tối thiểu nội địa và càng sớm càng tốt. Nhiều ý kiến đã đề xuất chuyển từ ưu đãi đầu tư bằng thuế thu nhập doanh nghiệp sang ưu đãi hỗ trợ chi phí, trong đấy có các hình thức như hỗ trợ bằng tiền cho các dự án R&D theo một tỷ lệ nhất định, hỗ trợ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nhân lực…

Ban tổ chức cho rằng những hiến kế, đề xuất kiến nghị sẽ rất có ích cho các thành viên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình nghiên cứu đề xuất ý kiến.

Nhadautu.vn đã có trao đổi thêm về vấn đề này với ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham.

Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là công cụ Việt Nam sử dụng nhiều trong những thập kỷ qua để thu hút FDI. Theo ông, quy tắc Thuế TTTC 15% khi được thực thi có làm giảm nhiều sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI không?

Ông Nguyễn Hải Minh: Ưu đãi thuế là ưu đãi có giá trị nhất mà Việt Nam sử dụng xưa nay, vì vậy việc thực thi Thuế TTTC chắc chắn có ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam. Nhưng ảnh hưởng thế nào, ở mức độ nào, cần nhìn nhận khách quan. 

Đại diện các doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế như vị trí địa lý, đất đai, nguồn lao động, độ mở của nền kinh tế với rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp tham gia thuận lợi hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được miễn giảm thuế khi xuất khẩu. Đó là những thuận lợi rất đáng kể. 

Tuy nhiên, đã có không ít doanh nghiệp kiến nghị rằng Việt Nam cần xem xét lại các chính sách ưu đãi, không nên chỉ dựa vào các ưu đãi thuế.

Trong nhiều trường hợp, ưu đãi thuế ở Việt Nam còn chưa rõ ràng nên có thể đó không phải là yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất. Nếu không phải là ưu đãi thuế, doanh nghiệp châu Âu mong chờ gì nhất?

Ông Nguyễn Hải Minh: Các khảo sát quý của EuroCham cho thấy các yếu tố mà doanh nghiệp châu Âu quan tâm nhất là thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chính sách visa, nguồn nhân lực, tăng trưởng xanh, trong khi các ưu đãi thuế gần như đứng cuối cùng. Đây là các yếu tố cần cải thiện để tăng cường thu hút đầu tư.

Việt Nam cấp ưu đãi thuế cho nhà đầu tư, nhưng đôi khi chính ưu đãi lại gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể khổ sở vì điều kiện cho ưu đãi không rõ ràng. Họ nghĩ là họ được hưởng, nhưng sau đó xoay sở không kịp vì bị truy thu thuế. Thà áp dụng mức thuế cao hơn một chút nhưng minh bạch, nhà đầu tư sẽ thoải mái hơn.

Đó là chưa kể những trường hợp thuế có vẻ thấp vì được ưu đãi, nhưng khi tính các loại chi phí hợp lý không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thì thuế suất thực tế lại cao hơn. Chưa kể các chi phí không chính thức tại Việt Nam. 

Các nhà đầu tư cần sự minh bạch từ kê khai thuế đến việc thanh tra, kiểm tra hoàn thuế. Hiện Việt Nam có nhiều tiến bộ trong kê khai điện tử, nhưng còn nhiều vấn đề như chuyện diễn giải luật khác nhau giữa các địa phương, giữa các cục thuế. Vấn đề áp dụng luật nhất quán còn cần cải thiện nhiều.

Việc áp dụng quy tắc Thuế TTTC sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Hải Minh: Các tập đoàn lớn quan tâm đếnhThuế TTTC vì họ sẽ phải đóng thêm thuế cho quốc gia đặt trụ sở chính nếu họ đang đóng thuế thấp hơn 15% ở quốc gia họ đầu tư. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp quan tâm quy tắc thuế mới ảnh hưởng gì đến những các ưu đãi mà họ đang được hưởng. 

Tuy nhiên, nếu cùng một số thuế nếu phải đóng ở Việt Nam mà không phải ở trụ sở chính theo nguyên tắc Thuế TTTC, doanh nghiệp có lẽ sẽ tuân thủ thôi vì với doanh nghiệp châu Âu, hoạt động kinh doanh ở đâu thì đóng thuế ở đấy là một trong những tiêu chí mà họ ưu tiên.

EuroCham đã có danh sách những doanh nghiệp châu Âu đạt doanh thu từ 750 triệu euro trở lên và thuộc diện chịu Thuế TTTC chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Minh: EuroCham không làm khảo sát này. Cơ quan thuế sẽ có danh sách và việc này đơn giản với họ.

Áp dụng Thuế TTTC sẽ làm giảm hoặc vô hiệu hóa các cái ưu đãi về thuế mà nhiều doanh nghiệp đang hoặc sẽ được hưởng theo luật hiện hành. Việt Nam nên đưa ra những hỗ trợ, ưu đãi gì để bù đắp? 

Ông Nguyễn Hải Minh: Ưu đãi dựa trên chi phí là một hình thức, nhưng phải xem nó có phù hợp với các quy tắc của OECD không. Thứ hai là hỗ trợ tiền mặt, tức Việt Nam phải bỏ tiền ra trước rồi bù lại bằng thuế thu sau này. 

Một số tập đoàn lớn khi gặp các cơ quan của Việt Nam để đặt vấn đề chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam có đề xuất Chính phủ Việt Nam hỗ trợ về chi phí. Một số quốc gia đã và đang có hỗ trợ bằng tiền như vậy. Việt Nam cần có các chính sách mới trong bối cảnh mới.

Nhà đầu tư có quan tâm đến việc hỗ trợ, nhưng đó không phải là yếu tố tiên quyết.

Việt Nam cũng cần quan tâm việc nếu chấp nhận bỏ tiền ra trước để ưu đãi thì phải đảm bảo là có thể thu lại sau này để bù đắp. Hỗ trợ dựa trên chi phí hay hỗ trợ bằng tiền cần áp dụng cho các dự án mà Việt Nam thực sự khuyến khích. Ví dụ, cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hay các dự án phát triển bền vững, phát triển xanh…

Việc tham gia thực thi Thuế TTTC sẽ là cơ hội cho Việt Nam cải cách quyết liệt hơn để duy trì và cải thiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Cải cách nào Việt Nam cần ưu tiên thực hiện nhất?

Ông Nguyễn Hải Minh: Việc thực thi Thuế TTTC sẽ buộc Việt Nam phải thích nghi và cải cách trong tình huống mới. Như tôi đã nói, các khảo sát của EuroCham cho thấy yếu tố quan trọng nhất Việt Nam cần cải thiện để thu hút FDI là thủ tục hành chính.

Thứ hai là phải tăng cường chất lượng của cơ sở hạ tầng. Thứ ba là giảm thiểu những khó khăn, tạo thuận lợi cho quá trình nhập cảnh và sinh sống của người nước ngoài ở Việt Nam. Thứ tư là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ năm là tăng trưởng xanh và thứ sáu mới là các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Ưu đãi thuế chỉ là tiêu chí phụ trong các tiêu chí dẫn tới quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu trong những năm tới sẽ thế nào, theo dự báo của ông?

Ông Nguyễn Hải Minh: Việt Nam đang có cơ hội lớn thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là đầu tư để thu hút đầu tư và phù hợp với mục tiêu của Việt Nam. Đây cũng là thế mạnh của châu Âu.

Về năng lượng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh ở lĩnh vực này, họ muốn đầu tư vào Việt Nam và đang sốt ruột. Các dự án năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian triển khai rất lâu. Cái cần làm bây giờ là Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, sau đó là đưa ra các ưu đãi rõ ràng, nâng cao tính minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Cần hiểu rằng việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh không đơn thuần chỉ là góp phần bảo vệ môi trường. Nó còn có mục tiêu sâu xa là thỏa mãn điều kiện để được xuất khẩu vào thị trường châu Âu. 

Thứ hai là logistics, giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển. Đây cũng là thế mạnh của doanh nghiệp châu Âu. 

Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế đối tác công-tư (PPP) hiện không được triển khai một cách hiệu quả, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP hay lựa chọn nhà thầu cần phải minh bạch hơn.

Sự dịch chuyển đầu tư, sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang ở mức độ nào?

Ông Nguyễn Hải Minh: Theo khảo sát các thành viên của EuroCham, có một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp đã chuyển dịch từ Trung quốc sang Việt Nam. Chuyển dịch ở đây không phải là bê cả nhà máy sang mà chuyển dịch sản xuất và đơn hàng. Trong đó, 4% doanh nghiệp khảo sát nói họ đã chuyển khối lượng sản xuất đáng kể từ Trung quốc sang Việt Nam. Xu hướng này phản ánh các doanh nghiệp châu Âu bắt hiện thực hóa các kế hoạch họ đã cân nhắc trong giai đoạn Covid.

Có thể số lượng chưa lớn, nhưng cách mà họ đang làm là chuyển dịch một phần, quan sát, rồi đánh giá môi trường đầu tư, đánh giá có hiệu quả hay không, sau đó mới quyết định có chọn Việt Nam làm nơi sản xuất một phần đáng kể chuỗi cung ứng hay không. 

Khảo sát của EuroCham thực hiện quý 4/2022 cho thấy gần 35% doanh nghiệp xếp Việt Nam trong top 5 địa điểm đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu, 12% nói Việt Nam đứng đầu thế giới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ