[Gặp gỡ thứ Tư] 'Phải giao chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân'

Nhàđầutư
"Khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ, để dành đất xây dựng nhà lưu trú; đồng thời giao trách nhiệm cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở", ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang khuyến nghị.
THANH TRẦN
24, Tháng 11, 2021 | 06:21

Nhàđầutư
"Khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ, để dành đất xây dựng nhà lưu trú; đồng thời giao trách nhiệm cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở", ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang khuyến nghị.

20210126164334-dji-0815-11111-16281584403281105583786-1628217667473-16282176675951472638762

Vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang được quan tâm trong bối cảnh phục hồi kinh tế.  Ảnh: Internet.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, vấn đề nhà ở công nhân trong bối cảnh đại dịch được nhiều đại biểu đưa vào nghị trường, thảo luận, kiến nghị.

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân ở khu công nghiệp (KCN), trong đó khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân KCN (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh KCN) đã hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích 2,58 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 lao động.

Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN giai đoạn 2021-2025 là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng. Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, việc phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân, tuy đã có được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Thực tế, Bắc Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân. Vừa qua, công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang được ghi nhận tốt nhất cả nước dù bùng phát ở các KCN. Nhadautu.vn đã có trao đổi ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, để tìm hiểu thêm về tình hình thực tế tại địa phương này cũng như các giải pháp cấp thiết nhằm tháo gỡ cho vấn đề nhà ở cho công nhân.

Ông có thể cho biết tình hình nhà ở công nhân tại các KCN của tỉnh Bắc Giang như thế nào?

Ông Đào Công Hùng: Bắc Giang hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các KCN, CCN trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số khoảng 238.000 công nhân (trong đó, công nhân tại KCN khoảng 190.000 người, tại CCN khoảng 48.000 người).

Số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người (chiếm khoảng 52%); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...; việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân được triển khai rất chậm, mới đáp ứng khoảng 7,5% nhu cầu, trong khi cả nước là 28%.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Công ty TNHH Fuhong - Đình Trám (Việt Yên) và Công ty TNHH MTV Than 45 - Sơn Động đáp ứng khoảng 6.550 công nhân. Có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch, trong đó: 3 dự án đã khởi công đang triển khai xây dựng nhà ở, 4 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, 3 dự án đang chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án trong các khu đô thị, 3 vị trí đang lập quy hoạch chi tiết, 3 vị trí đang thu hút tài trợ lập quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích đất dự kiến quy hoạch khoảng 220 ha.

dao-cong-hung

 

Nhiều doanh nghiệp muốn lo cho công nhân của họ, giữ chân công nhân, muốn bỏ tiền ra để cho công nhân thuê nhà, muốn quản lý công nhân, xây dựng thành 1 khu tập trung nhưng lại không thể làm được điều đó.

Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang

Hiện nay, có 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6 ha, đáng ứng cho khoảng 59.825 công nhân. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt 3 dự án thuộc khu đô thị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, với quy mô đất ở chung cư cao tầng khoảng 16,6 ha, đáp ứng cho khoảng 46.000 công nhân, 4 đồ án đang lập quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết vối quy mô đất ở danh cho công nhân khoảng 74,5ha, đáp ứng cho khoảng 117.000 công nhân; 3 vị trí đang thu hút nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch chi tiết với quy mô khoảng 71 ha, đáp ứng cho khoảng 80.000 công nhân.

Thời gian vừa qua, sau dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân. Thực tế, các công nhân đa phần đều ở tại các nhà trọ, điều này khiến các doanh nghiệp và cơ quan của tỉnh khó có thể kiểm soát được, và đã xảy ra tình trạng lây chéo diện rộng, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế của Bắc Giang đang ngày càng tăng trưởng, trong đó đặc biệt là các động lực từ khu công nghiệp. Trong giai đoạn tới năm 2025, Bắc Giang sẽ có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Khi đó nhu cầu nhà ở cho công nhân sẽ rất lớn với khoảng 424.000 người.

Xác định tính cấp thiết này, Bắc Giang đã xây dựng 1 Nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy về chuyên đề nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành đề án để giải quyết vấn đề này trong khi Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh để ban hành 1 quy định nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và đặc biệt là Sở Xây dựng trở thành cơ quan đầu mối để tập trung đẩy nhanh vấn đề phát triển nhà cho công nhân.

Từ thực tế cũng như bão COVID-19 vừa qua, Bắc Giang đã gặp phải những khó khăn và thách thức gì trước nhu cầu về nhà ở cho công nhân ông nói trên?

Ông Đào Công Hùng: Hiện tại, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng cũng như vướng mắc các cơ chế chính sách.

Cụ thể, các cơ chế chính sách vẫn chưa được rõ ràng, còn chồng chéo, thủ tục đầu tư kéo dài, và thiếu thống nhất giữa các luật (luật về nhà ở, luật đầu tư, luật đấu thầu). Đặc biệt, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở xã hội cũng còn chưa thực sự đồng nhất.

Về cơ bản, quá trình lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế chính sách vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, không chỉ Bắc Giang mà các tỉnh khác cũng đang phản ánh vấn đề: Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN muốn đứng ra thuê cả 1 tòa, 1 sàn để công nhân ở nhưng lại không được phép thuê. Vì vậy, công nhân phải trực tiếp đi thuê với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp muốn lo cho công nhân của họ, giữ chân công nhân, muốn bỏ tiền ra để cho công nhân thuê nhà, muốn quản lý công nhân, xây dựng thành 1 khu tập trung nhưng lại không thể làm được điều đó.

Hiện tại, các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đều đang gặp khó rất nhiều trong việc thuê nhà cho công nhân ở như Luxshare, Foxconn…

Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ để giúp các địa phương sớm thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp?

Ông Đào Công Hùng: Trước mắt, điều cần làm sớm nhất chính là cho phép các doanh nghiệp sản xuất trong KCN được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án (hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân) để cho công nhân mình thuê ở.

Các cơ chế chính sách vẫn chưa được rõ ràng, còn chồng chéo, thủ tục đầu tư kéo dài, và thiếu thống nhất giữa các luật (luật về nhà ở, luật đầu tư, luật đấu thầu). Đặc biệt, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở xã hội cũng còn chưa thực sự đồng nhất.

Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang

Công nhân lao động trong KCN khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp sản xuất trong KCN phải được Ban Quản lý các Khu công nghiệp xác nhận); thành phần hồ sơ miễn tiền sử dụng đất không cần thiết phải có danh sách công nhân thuê nhà kèm theo.

Đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong KCN ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN hoặc doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, Chính phủ cần sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế theo hướng: KCN phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong KCN để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở (phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó); phải giao trách nhiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.

Hiện tại việc xây dựng hạ tầng, nhà ở cho công nhân đều phải thông qua thủ tục đấu thầu, và quy trình thì mất rất nhiều thời gian.

Không chỉ vậy, tín dụng để hỗ trợ cho nhà ở xã hội hiện nay đang rất thấp. Vì vậy, tôi mong muốn Chính phủ sẽ hỗ trợ nguồn vốn để các nhà đầu tư xây dựng dự án, cũng như công nhân có tiền để thuê hoặc mua nhà.

Xin cảm ơn ông!

Diễn đàn Vượt qua COVID diễn ra từ 15/9/2021 đến 31/12/2021 trên nhadautu.vn. Bài tham dự diễn đàn vui lòng gửi về email: [email protected], tiêu đề ghi rõ: Bài tham dự diễn đàn "Vượt qua COVID".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25030.00 25048.00 25348.00
EUR 26214.00 26319.00 27471.00
GBP 30655.00 30840.00 31767.00
HKD 3156.00 3169.00 3269.00
CHF 27071.00 27180.00 27992.00
JPY 159.45 160.09 167.24
AUD 15862.00 15926.00 16400.00
SGD 18109.00 18182.00 18699.00
THB 667.00 670.00 696.00
CAD 17920.00 17992.00 18500.00
NZD   14570.00 15049.00
KRW   17.26 18.81
DKK   3520.00 3646.00
SEK   2265.00 2349.00
NOK   2255.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ