[Gặp gỡ thứ Tư] Ông Nguyễn Văn Phụng: Tăng thuế để giảm các dự án treo, bỏ hoang là bất khả thi

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính khẳng định, trong các quy định hiện hành không có quy định nào cho phép tăng thuế với các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang. Thuế cũng không phải chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa trong thực tiễn.
N.THOAN
11, Tháng 05, 2022 | 06:38

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính khẳng định, trong các quy định hiện hành không có quy định nào cho phép tăng thuế với các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang. Thuế cũng không phải chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa trong thực tiễn.

Trước thực tế giá bất động sản "treo" cao, tăng nhanh, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được đưa ra nhằm kìm hãm lại đà tăng của giá bất động sản, trong đó có đề xuất về đánh thuế các bất động sản bỏ hoang".

Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa kiến nghị: "Đánh thuế đối với các khu đất, dự án bỏ hoang thật cao để chủ đầu tư không thể ôm nổi, phải xoay nguồn vốn để đầu tư hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác có năng lực".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị này nhằm tránh lãng phí những khu "đất vàng", tránh tình trạng nhiều dự án quây tôn hơn 10 năm, không đưa vào đầu tư, xây dựng, kinh doanh, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho kinh tế thành phố; cùng với đó giúp giảm được tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến lãng phí nguồn lực.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng đồng tình, cho rằng các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng.

Ông Thịnh đề xuất đánh thuế cao với những biệt thự, chung cư không đưa vào sử dụng và phải đánh thuế cao, cao hơn mức cho thuê nhà, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà.

Tại Hội thảo "Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức hồi giữa tháng 4, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT cũng cho biết: Dự kiến trong quy định mới sẽ áp dụng các biện pháp tài chính với các dự án bất động sản bỏ hoang, như Úc đánh thuế 5% khi doanh nghiệp tự nguyện khai báo triển khai chậm tiến độ, nếu Nhà nước điều tra ra sẽ áp dụng 20%; còn ở Hàn Quốc nếu chậm tiến độ 7 năm đóng thuế 9%, sau 10 năm đóng thuế 10%.

"Chúng tôi mong muốn rằng với quy định này sẽ hạn chế việc đất bỏ hoang trong thời gian quá lâu. Việc áp dụng thuế tài sản Bộ Tài chính cũng đang phân vân nhưng nếu đưa ra sẽ có vai trò rất lớn tránh tình trạng bỏ hoang như thời gian vừa qua", ông Thọ nói.

Để làm rõ hơn tính khả thi của việc đánh thuế với các bất động sản bỏ hoang, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính.

nguyen-van-phung

Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính. Ảnh: Trọng Hiếu.

Xin ông cho biết, với các quy định hiện hành, có quy định nào về việc đánh thuế các dự án, công trình bỏ hoang?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Luật pháp hiện hành cho phép chúng ta đánh thuế theo giá của bất động sản. Còn giá mặt bằng bất động sản của từng địa phương được thực hiện theo quyết định của HĐND cấp tỉnh, thành phố. Hiện nay chưa có quy định về việc đánh thuế các dự án, công trình bất động sản chậm tiến độ hay bỏ hoang. Bản thân khái niệm thế nào là bỏ hoang cũng chưa được quy định trong luật.

Riêng với các quan điểm cho rằng đánh thuế các bất động sản bỏ hoang để giảm bớt tình trạng dự án treo, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới giá nhà thì theo tôi nhiều người đang có sự nhầm lẫn. Thuế không phải là chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa. Ở đây trước khi bàn tới công cụ thuế cần xem xét tới Luật Quy hoạch, Luật Đất đai.

Pháp luật cho cơ quan quản lý công cụ để cấp phép thì cũng có thể thu hồi các dự án chậm tiến độ. Những dự án nào 5 năm, 10 năm không triển khai được thì Nhà nước có quyền thu hồi đất, trao lại dự án cho các chủ đầu tư khác có năng lực và làm tốt hơn.

Với những dự án đất vàng, nếu các tỉnh, thành phố thấy giá đất quá thấp, có thể họp bàn và được phép tăng giá theo mức định giá của thị trường. Vấn đề quan trọng là đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng. Công cụ chúng ta có, chỉ là chúng ta có làm hay không thôi.

Vậy theo ông, đề xuất đánh thuế với các dự án bất động sản bỏ hoang liệu có khả thi?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Thực tế, hiện nay có nhiều dự án bất động sản không thể xây dựng sau 5-10 cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, xét về nguyên nhân thì có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể nguyên nhân khách quan như Nhà nước chậm giải phòng mặt bằng để trả đất sạch cho doanh nghiệp; hoặc cũng có thể do nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp đã không còn tiền để triển khai dự án... Nhưng nhìn từ góc độ nào thì việc tăng thuế để giảm các dự án treo, dự án bỏ hoang là bất khả thi.

Thứ nhất, nếu dự án treo do nguyên nhân khách quan mà chủ đầu tư vấn nộp đủ các loại thuế cho nhà nước thì không có lý gì để thu hồi dự án hoặc tăng thuế. Trách nhiệm của cơ quan thuế cũng chỉ tới thu đúng, thu đủ và thu kịp thời. Vậy là đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước.

Còn với nguyên nhân khách quan, nếu là doanh nghiệp đã không có tiền triển khai dự án thì doanh nghiệp cũng lấy đâu ra tiền mà nộp thuế để đòi tăng thuế?

Tôi ủng hộ đề xuất đánh thuế bất động sản bỏ hoang để tránh lãng phí nguồn lực nhưng đề xuất đưa ra cũng cần khả thi, đi kèm phương án thực hiện, làm sao thu được thuế và đánh giá tác động của nó? Cần lưu ý rằng, thu thuế phải bảo đảm tính khoa học và nuôi dưỡng nguồn thu.

Thuế đất chỉ là một phần trong nguồn thu của thuế, quan trọng là trên mảnh đất ấy phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động. Hoạt động đó duy trì và phát triển, từ đó tiếp tục là nguồn thu thuế cho nhà nước. Vì vậy, điều quan trọng là làm sao để dự án được triển khai.

Vậy với kinh nghiệm thực tiễn quản lý thuế lâu năm, theo ông, công cụ thuế có thể là giải pháp để giảm giá bất động sản, kìm bớt cơn sốt giá đất thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Giá bất động sản sốt, nóng là hiện tượng, xảy ra có tính chu kỳ, tạm thời, còn thuế là công cụ dài hạn và tác động thường đi sau. Vì vậy, không thể dùng công cụ thuế ở thời điểm hiện tại để hạ giá bất động sản đang sốt nóng. Nếu có ban hành các quy định mới về thuế cũng phải tới kỳ sau với áp dụng và sau 1 năm triển khai mới tác động lên thị trường.

Xin nhắc lại, thuế không phải là chìa khoá vạn năng và cũng không nên nghĩ tới thuế như một giải pháp tức thời để giải quyết những vấn đề ngắn hạn nảy sinh trên thực tiễn. Việc thay đổi một chính sách thuế sẽ có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội.

Vì thế, trước khi đề xuất hoặc xem xét thay đổi bất cứ quy định nào liên quan tới thuế cần được đánh giá trên nhiều bình diện khác nhau để nhận thức đúng và đủ về tác động của nó rồi mới có thể đưa vào luật.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ