[Gặp gỡ thứ Tư] 'Không chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, EC sẽ không gỡ thẻ vàng IUU'

Nhàđầutư
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định nếu không nỗ lực thực hiện các giải pháp, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, EC sẽ không gỡ thẻ vàng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
THỤC ANH
14, Tháng 07, 2021 | 07:30

Nhàđầutư
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định nếu không nỗ lực thực hiện các giải pháp, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, EC sẽ không gỡ thẻ vàng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ngày 13/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU).

Để đạt được mục tiêu đến năm 2022 phải gỡ được thẻ vàng IUU, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một các hiệu quả.

Cùng với đó cần triển khai tất cả các cơ chế toàn diện (bao gồm cơ chế kiểm tra liên ngành, cơ chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện); tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế; có các quy định xử phạt thật nặng việc tàu cá vi phạm vùng biển của các quốc gia, các vùng biển không được phép khai thác.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hoạt động sử dụng phương tiện đánh bắt trái phép, hoạt động sai vùng, tuyến và hoạt động đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác thủy sản theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu về đảm bảo an toàn tàu cá, giấy phép khai thác, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát tàu cá (VMS).

Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương ven biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định; kiên quyết không cho bốc dỡ thủy sản đối với các tàu cá có vi phạm. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý hoạt động tàu cá.

Để làm rõ hơn các quyết sách thực hiện mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi với Nhadautu.vn về vấn đề này.

phung-duc-tien

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: CTV.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, các địa phương nhìn nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Việc chỉ rõ trách nhiệm có ý nghĩa như thế nào đối với thực hiện mục tiêu gỡ "thẻ vàng" vào năm 2022 thưa ông?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc EC rút "thẻ vàng" đối với thủy sản của chúng ta đến nay được gần 4 năm. Như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kết luận cuộc họp hôm nay, thời gian qua, có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc gỡ "thẻ vàng". Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế vẫn còn.

Tại cuộc họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, tinh thần là chỉ rõ những tồn tại, khuyết điểm của các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra tại cuộc họp cũng rất rạch ròi, đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật và có giải pháp hiệu lực, hiệu quả.

Chúng ta thấy rằng tỉ lệ tàu cá lắp thiết bị VMS trên cả nước đạt 87%, đánh dấu màu sơn đạt trên 90% nhưng có những tỉnh chỉ đạt trên dưới 50%, làm ảnh hưởng chung đến việc chống khai thác IUU của Việt Nam. Tình trạng tàu cá vi phạm IUU có chuyển biến tích cực nhưng số tàu vi phạm, bị bắt vẫn còn (32 tàu). Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá còn có hạn chế, ví dụ như tháo gỡ và lắp cho tàu khác hay chủ tàu ngắt kết nối thiết bị… Sắp tới, khi sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phải chỉ rõ trách nhiệm và nguyên nhân do nhà cung cấp hay ngư dân để chúng ta xử lý cho triệt để vấn đề này.

Với tinh thần hết sức thẳng thắn của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố, chúng ta nhìn rõ thực trạng và cùng với các giải pháp mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận, gồm 7 điểm, trong đó có 5 điểm nhấn mạnh thì chúng ta quyết tâm thực hiện để đến năm 2022, gỡ được "thẻ vàng".

Từ thực tế báo cáo của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các Bộ, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục thực hiện như thế nào để thực hiện mục tiêu trên?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta nêu rõ quan điểm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp lãnh đạo Bộ đã đến thị sát nhiều cảng cá, bến cá của 28 tỉnh, thành. Mỗi lần kiểm tra đều có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở. Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự chuyển biển chưa tích cực, sự quan tâm vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt theo đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo. Do vậy, lần này phải chỉ thẳng các địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ như việc lắp VMS, vẫn để tàu cá vi phạm, chưa bảo đảm lưu hành của tàu trên biển về hải trình, nguồn gốc, xuất xứ hải sản…

Phía EC khẳng định không gỡ "thẻ vàng" nếu còn trường hợp vi phạm vì vậy các địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhóm giải pháp, nhất là trong việc kiểm soát tàu cá không để xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và ghi nhật ký khai thác đầy đủ, không thể để tình trạng về bến rồi mới ghi chép. Như thế là viết hồi ký chứ đâu phải là ghi nhật ký.

Một việc nữa là về thực thi pháp luật, có tỉnh phạt nặng, có tỉnh phạt ở mức độ vừa phải, có tỉnh chỉ lập biên bản, có tỉnh chỉ nhắc nhở. Vì vậy, phải có sự đồng bộ giữa các tỉnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Như vậy, những hành vi vi phạm IUU sẽ được hạn chế và chấm dứt.

Việc sửa Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với chế tài đủ sức răn đe đang được tiến hành ra sao? Thứ trưởng có thể nói rõ hơn nội dung này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Liên quan đến các khuyến nghị mà EC đưa ra, chúng ta có Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực vào đầu năm 2019 với 2 nghị định hướng dẫn là Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26 hướng dẫn Luật Thủy sản và 8 thông tư.

Quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đều có sự tham vấn của phía châu Âu. Đối với xử lý hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 42 thì châu Âu cho rằng mức phạt chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, trong điều kiện thu nhập và kinh tế xã hội của chúng ta, thì chúng tôi giải thích với phía châu Âu rằng như thế là có hiệu lực, hiệu quả. Dù vậy, khi thanh tra kiểm tra, phía châu Âu vẫn nhắc là mức phạt cần cao hơn lợi ích mà vi phạm mang lại.

Sắp tới, tiếp thu ý kiến của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, chúng tôi sẽ sửa lại Nghị định 42, theo hướng lực lượng tham gia giám sát, chấp pháp, xử phạt cũng sẽ toàn diện hơn, mức phạt bảo đảm tính răn đe hơn. Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng sẽ được sửa đổi.

Về chính sách, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 67 (về chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển). Việc sửa đổi này một mặt hỗ trợ ngư dân, bảo đảm khai thác trên biển, giữ vững quốc phòng an ninh và đồng thời thực thi việc chống khai thác IUU.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ