[Gặp gỡ thứ Tư] Chuyên gia Fulbright: Dư địa chính sách để hỗ trợ tăng trưởng còn rất lớn

Nhàđầutư
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng đây là thời điểm cần vận dụng linh hoạt các công cụ chính sách đã có cơ sở pháp lý, vì lợi ích chung và không tư lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế đang chạm đáy khó khăn.
HÓA KHOA
10, Tháng 05, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng đây là thời điểm cần vận dụng linh hoạt các công cụ chính sách đã có cơ sở pháp lý, vì lợi ích chung và không tư lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế đang chạm đáy khó khăn.

d8941_img_20201218_115556

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright. Ảnh: V.D

Mặc dù nền kinh tế đã qua giai đoạn bĩ cực của Covid-19, song mức tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% là rất thấp ngay cả so với giai đoạn dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nhiều gói hỗ trợ, kích thích kinh tế bị tắc nghẽn không phải vì ngân sách không có tiền, mà chủ yếu vì tắc quy trình hướng dẫn, xét sâu xa là so các cấp thực thi sợ trách nhiệm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng đây là thời điểm cần vận dụng linh hoạt các công cụ chính sách đã có cơ sở pháp lý, vì lợi ích chung và không tư lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc tất cả các thành phần kinh tế đang chạm đáy khó khăn.

Ông đánh giá thế nào về bối cảnh kinh tế quý I và tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang được triển khai?

Mức tăng trưởng quý I thể hiện rất đậm nét khó khăn của hầu hết các ngành, lĩnh vực và thành phần kinh tế, kể cả khu vực FDI, thành phần kinh tế gắn với ngoại thương hay trong nước. Trong các khu vực, trừ nông nghiệp lâu nay vẫn ổn định thì công nghiệp, khu vực phần lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu, suy giảm mạnh do cầu thế giới đi xuống; dịch vụ cũng không khởi sắc như chúng ta kỳ vọng vì du lịch chưa có đột phá đáng kể. Nhìn vào các yếu tố tổng cầu chúng ta thấy đều yếu, từ tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân, xuất khẩu… Bối cảnh này đòi hỏi chính sách tài khoá phải nghịch chu kỳ, trong đó tập trung vào 2 nhóm chính sách. Thứ nhất là miễn, giảm, giãn thuế; và thứ hai là tăng cường chi tiêu công.

Tuy nhiên chúng ta thấy rằng đối với chính sách tài khoá cả giai đoạn dịch bệnh trước đây và hiện nay hầu như chưa thể hiện rõ tính nghịch chu kỳ. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, các nước chấp nhận bội chi tới 7-10%, thậm chí 14% GDP. Việt Nam đặt ra mục tiêu bội chi 3-4% GDP là quá thấp so với yêu cầu của một chính sách tài khoá nghịch chu kỳ. Đồng thời khi triển khai thực tế thì do không giải ngân được các gói hỗ trợ nên trong 2 năm 2021-2022, ngân sách nhà nước thậm chí đã liên tiếp thặng dư. Điều đó cho thấy nhiều gói hỗ trợ bị tắc nghẽn không phải vì ngân sách không có tiền. Chính sách tài khoá còn rất nhiều không gian để thực thi các gói kích thích kinh tế.

Theo ông tại sao chính sách hỗ trợ được thiết kế ra nhiều, nhưng nhiều nhóm không được đi vào thực tiễn?

Tôi cho rằng tiền không giải ngân được, sâu xa chủ yếu vì các vấn đề có tính phi kinh tế, nó liên quan đến câu chuyện sợ trách nhiệm. Những gói hỗ trợ này đều rất mới, nhưng thiết kế chính sách lại không rõ ràng, không có quy trình hướng dẫn chi tiết, cách hiểu, diễn giải mỗi người mỗi khác, khiến người thực thi không biết phải làm như thế nào. Hôm nay theo tôi hiểu nên tôi làm thế này, ngày mai có người hiểu kiểu khác thành ra nói tôi làm sai. Mà bây giờ thì ai cũng sợ sai cả. Nếu người chịu trách nhiệm thực thi nghĩ ra giải pháp đột phá để làm thì lo ngại rước rủi ro về mình mà lợi ích thì không thấy đâu. Hiện ai cũng toàn thấy "cây gậy" mà không thấy "củ cà rốt" đâu cả. Vì sợ bị thanh tra, kiểm tra, hồi tố, nên chẳng ai muốn làm. Họ thà chấp nhận bị khiển trách vì chậm trễ, còn hơn bị kỷ luật hay phạt nặng nề hơn. Khi hướng dẫn quy trình chi tiết cụ thể thì nó sẽ tránh lạm dụng trong thi hành công vụ, giảm rủi ro cho người thực thi công vụ.

 
Tại sao Luật Đất đai chưa sửa mà cả hệ thống phải ngưng lại để đợi luật mới?

Điều này đặt ra yêu cầu Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải chịu trách nhiệm đưa ra quy trình hướng dẫn càng cụ thể, chi tiết, minh bạch càng tốt để thực thi các chính sách hỗ trợ này. Các cấp thừa hành cứ căn cứ theo đó để làm, không tư lợi thì không được quy kết trách nhiệm cho họ được. Còn nếu bộ ngành nào không làm được như vậy thì có thể đánh giá năng lực của bộ ngành đó không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Tương tự, vấn đề liên quan đến giải ngân đầu tư công cũng vậy. Điều này không phải mới nảy sinh mà đã là căn bệnh thâm căn cố đế từ nhiều năm trước. Năm 2022 giải ngân đầu tư công cũng không đạt kế hoạch dù Chính phủ đã liên tục thúc đẩy. Trong quý đầu năm nay, mặc dù giải ngân đầu tư công được dự báo sẽ tăng tốc sớm, nhưng cũng chỉ đạt chưa tới 10% kế hoạch cả năm. Trong khi đó rất nhiều dự án đã thực hiện xong mà bây giờ lại không thanh quyết toán được dẫn đến nợ đọng. Tiền trong ngân sách thì không thiếu mà nợ đọng thì vẫn cứ nợ đọng là không thể được. Rồi các dự án vướng mắc liên quan tới vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng. Tại sao Luật Đất đai chưa sửa mà cả hệ thống phải ngưng lại để đợi luật mới? Theo đúng quy định, luật nào chưa thay thế vẫn đang có hiệu lực, thì các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thực thi theo nội dung đó chứ. Không thể vì hôm nay luật đang dự thảo, chưa ban hành mà chúng ta ngưng lại, sẽ khiến cho cả hệ thống ngưng trệ hết, kéo theo doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đợi chúng ta. Cả đất nước này đâu có đợi được. Trong khi bất cứ dự án nào bây giờ đều dính tới đất đai cả, từ công nghiệp, thương mại dịch vụ, nhà ở, từ kinh tế đến dân sinh…

Mới đây Chính phủ đã thông qua Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Đồng thời Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT. Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của nhóm chính sách này?

Tính đến cuối năm 2022, có gần 1 triệu tỷ đồng của Kho bạc nhà nước đang gửi tại NHNN và các NHTM. Cả năm 2022 ngân sách nhà nước thặng dư 222.500 tỷ đồng. Lúc này, người quản lý tài chính quốc gia phải có vai trò giống như một CFO (giám đốc tài chính) trong một siêu tập đoàn. Là người quản lý tài chính, phải cân đối nguồn tiền, phân bổ cho hiệu quả để giảm chi phí cơ hội của nguồn lực. Ví dụ trong ngân sách đang có mấy trăm ngàn tỷ, dự kiến đủ khả năng chi tiêu trong 3-6 tháng tới, thì lúc này có thể tạm dừng hoặc giảm các nguồn thu, thông qua việc tăng cường các chính sách miễn, giảm, hoãn thuế. Như vậy có thể thấy gói chính sách của Nghị định 12 là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi nợ của các DN trong nền kinh tế là nợ gối đầu, nợ đồng lần, DN này nợ DN kia, DN kia nợ DN nọ, DN nọ nợ DN khác. Có một ma trận chuỗi gối đầu như vậy, chỉ cần giải quyết một mắt xích thì sẽ gỡ được cả chuỗi gối đầu.

Bên cạnh đó, giảm thuế VAT cũng là chính sách hiệu quả vì đây là loại thuế có độ lan toả rất lớn. Tuy nhiên phải thực hiện đồng loạt đại trà, sao cho cơ sở thuế đủ rộng mới giảm được các vấn đề méo mó, biến dạng thuế trong các hành vi tuân thủ thuế. Khi chúng ta hoãn, giảm, miễn thuế, có thể cung cấp nguồn lực tài chính tạm thời để DN trả lương cho người lao động, nhà cung cấp, thanh toán các đơn hàng. Khi DN được thanh toán, họ sẽ có nguồn lực trả cho các chủ nợ tiếp theo. Từ đó chính sách này sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả. Tóm lại tôi muốn nói phải nuôi dưỡng DN bằng các chính sách hỗ trợ thuế để DN sống được, bởi khi họ tồn tại được thì ngân sách quốc gia mới có nguồn thu trong tương lai chứ.

Phải giảm lãi suất để tạo ra các năng lực sản xuất mới

Như vậy để thúc đẩy tăng trưởng thì chính sách tài khoá sẽ giữ vai trò chủ đạo trong thời gian tới đây, thưa ông?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng khi mở rộng tài khoá sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất. Lúc này cần phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả với chính sách tiền tệ. Đồng thời cũng cần lưu ý thêm rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cũng có vai trò quan trọng không kém tài khoá trong việc tạo ra các năng lực sản xuất trong nền kinh tế. Vì bây giờ nền kinh tế đang cần tiền thật. Các chính sách giãn nợ như dự thảo thông tư gần đây của NHNN là cần thiết và quan trọng nhưng xét cho cùng cũng chỉ là tạm thời. DN không có tiền để tái sản xuất hay xoay vòng vốn, chứ không phải là không có tiền trả nợ. Đối với nhiều doanh nghiệp, suy giảm kinh tế đã làm gãy vỡ dòng tiền vào của doanh nghiệp theo một cơ cấu khác nên việc cơ cấu lại lịch trả nợ là cần thiết.

Không phủ định tính hiệu quả và sự cần thiết của chính sách cơ cấu nợ cho DN lúc này. Nhưng nó chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Vấn đề khác là DN không có tiền để tái sản xuất, tổ chức các hợp đồng kinh tế để tổ chức sản xuất. Do đó cần phải tăng vốn cho nền kinh tế bằng một chi phí hợp lý phù hợp với suất sinh lợi của nền kinh tế, của các ngành. Nhiều DN hiện nay kể cả có hợp đồng cũng không dám nhận vì nhận rồi cũng không vay được để thực hiện, hoặc có thể vay nhưng không hiệu quả do lãi suất lớn hơn suất sinh lợi của đồng vốn kinh doanh. Nhiều DN xây dựng trước đây phải tìm cách có dự án, bây giờ địa phương gọi DN bảo có dự án mà họ từ chối luôn vì thường phải ứng tiền ra làm trước. Họ sợ thứ nhất không vay được NH để tạm ứng làm trước; thứ hai là làm xong thì thủ tục nhà nước rườm ra, nhiều khi không đòi được tiền của ngân sách.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn là một điểm nghẽn lớn của nền kinh tế, một phần do thắt chặt đồng loạt. Có những DN phát hành trái phiếu vô nguyên tắc, sai quy định để chiếm dụng tiền của nhà đầu tư, nhưng cũng có DN vay tiền đàng hoàng để làm dự án, đâu thể siết là siết hết. Như vậy NHNN phải làm sao vận dụng linh hoạt các chính sách đã có cơ sở pháp lý để hỗ trợ chỗ này. Cụ thể là cho vay đi đôi với giám sát dòng tiền để giải ngân vào các dự án có khả năng hoàn thành để giúp DN sớm đưa ra thị trường các sản phẩm để có tiền duy trì sản xuất và trả nợ, tạo cung sản phẩm cho thị trường. Đối với các dự án như vậy phải suy nghĩ cơ chế cho vay tái cấp vốn, tự thúc đẩy một giải pháp nào đó. Không thể nói rằng đây là vấn đề của thị trường TPDN và thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Cái này phải phối hợp để giải quyết thách thức. Do đó cả Bộ Tài chính và NHNN phải biết thế mạnh, chức năng và nguồn lực của mình là gì để phát huy tối đa chức năng nhiệm vụ đó.

Để thực hiện được chính sách mở rộng tiền tệ dường như khá khó khăn do NHNN vẫn đang điều hành bằng trần tín dụng hàng năm. Mà theo lý giải của cơ quan này thì trần tín dụng là công cụ không thể thiếu để kiểm soát cung tiền, kiểm soát sức ép lạm phát. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

 
Chúng ta đang rất cần một chính sách tiền tệ có hiệu quả thay vì phải hy sinh cho mục tiêu tỷ giá.

Điều hành chính sách tiền tệ dựa trên tăng trưởng tín dụng là chưa vững về cơ sở lý thuyết lẫn thực tiễn. Hiếm có nước nào điều hành chính sách tiền tệ dựa trên kiểm soát tăng trưởng tín dụng, chưa kể những thành công hay thất bại của nó là chưa hề được đúc kết thành lý thuyết. Chính sách tiền tệ phải điều hành dựa trên mục tiêu cung tiền thay vì cung tín dụng. Đương nhiên tín dụng có mối quan hệ với cung tiền nhưng tín dụng không phải là cung tiền. Cung tiền còn phụ thuộc vào trạng thái nắm giữ tài sản nước ngoài ròng. Năm vừa rồi mình tăng trưởng tín dụng 14,5% nhưng tăng trưởng cung tiền chỉ có khoảng 6,5%. Tăng trưởng cung tiền mới là biến số quyết định tới lạm phát chứ không phải tín dụng.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rõ hơn về việc tại sao tăng trưởng tín dụng cao thế mà cung tiền chỉ tăng khoảng ½ so với tăng trưởng tín dụng. Lý do chính là FED tăng lãi suất, dòng tiền trong nước chảy ra ngoài, khiến cho NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp, tức là hút tiền đồng vào, làm cho tăng trưởng cung tiền rất thấp. Tín dụng tăng cao như thế nhưng đó là khoản nợ, còn DN làm gì có tiền trả nợ đâu, vì tiền hút vào kênh ngoại hối rồi. Cuối cùng DN, người dân cứ than không có tiền. Cho nên điều hành chính sách phải sử dụng công cụ đúng. Mục tiêu nào thì công cụ đó. Mục tiêu kiểm soát là lạm phát thì phải dùng cung tiền chứ không thể dùng tín dụng.

Cho nên câu chuyện ở đây là rất nhiều DN có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thực thì không có lý do gì để bảo là vướng room tín dụng cả. Một dự án mang lại hiệu quả kinh tế mà vướng trần tín dụng không triển khai được là rất vô lý. Để giải quyết câu chuyện này thì NHNN có thể tái cấp vốn để NHTM cho vay. Khi NHTM cho vay các dự án như thế thì NHTM có thể làm bộ hồ sơ tín dụng để tái chiết khấu tại NHNN. Chúng ta cần vận dụng các công cụ chính sách vốn đã có cơ sở pháp lý. Phải suy nghĩ các giải pháp để vận dụng chính sách, bơm tiền ra khu vực kinh tế thực. Khi dòng tiền chảy vào đúng các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hoá để cân đối với tiền bơm ra, thì làm sao phải lo ngại sức ép lạm phát?

Hiện nay nền nhiệt lãi suất thế giới vẫn đang neo ở mức khá cao. Nếu lãi suất trong nước giảm thì tỷ giá phải tăng để ngăn việc dòng vốn trong nước chảy ra nước ngoài. Đây có vẻ là bài toán khó đối với NHNN, thưa ông?

Đúng là khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng vì lãi suất và tỷ giá có quan hệ lẫn nhau. Mà tỷ giá tăng thì chúng ta sợ bất ổn vĩ mô. Tuy nhiên nói như vậy là chưa hoàn toàn chính xác. Trong điều hành chính sách tiền tệ có 2 biến số quan trọng là lãi suất và tỷ giá. Lãi suất tác động tới kinh tế trong nước, kể cả người dân và DN kinh doanh trong nước. Còn tỷ giá chủ yếu tác động tới khu vực ngoại thương. Lãi suất là biến tổng thể tác động lớn hơn nhiều so với tỷ giá. Tỷ giá tác động tới các DN thực hiện hoạt động nhập khẩu là chủ yếu, còn nếu có xuất khẩu họ vẫn thu về ngoại tệ và có thể cân đối cung cầu để giảm rủi ro tỷ giá. Trong khi đó lãi suất ảnh hưởng mọi lĩnh vực, ngành, khu vực… thì lãi suất và tỷ giá nên ưu tiên cái nào hơn? Tôi cho rằng chúng ta phải ưu tiên giảm lãi suất để giải quyết các trục trặc của nền kinh tế hiện nay. Như vậy nó mới thực sự giải quyết được câu chuyện chính sách đa mục tiêu. Cho phép linh hoạt hơn về tỷ giá cũng giúp cho chính sách tiền tệ trở nên có hiệu lực và hiệu quả hơn trong một nền kinh tế có độ mở tài khoán tài chính như Việt Nam. Mà hiện nay rõ ràng chúng ta đang rất cần một chính sách tiền tệ có hiệu lực, hiệu quả thay vì phải hy sinh cả một chính sách như thế chỉ cho mục tiêu tỷ giá.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ