FDI quý I và triển vọng 2019

Nhàđầutư
Những thành tựu khá ấn tượng của kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 được tiếp diễn trong quý I/2019.
GS. TSKH NGUYỄN MẠI
28, Tháng 04, 2019 | 16:30

Nhàđầutư
Những thành tựu khá ấn tượng của kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 được tiếp diễn trong quý I/2019.

tang-truong-kinh-te

Những thành tựu khá ấn tượng của kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 được tiếp diễn trong quý I/2019.

FDI quý I

Tính đến 20/3/2019 vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%; vốn đăng ký, tăng thêm và mua cổ phần là 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% bao gồm 785 dự án mới với vốn đăng ký là 3,82 tỷ USD, tăng 80,1%, 279 lượt dự án tăng vốn đầu tư gần 1,3 tỷ USD (trong đó có 5 dự án tăng vốn từ 100 đến 500 triệu USD), bằng 72,5%,1653 lượt góp vốn, mua cổ phần với 5,68 tỷ USD, chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 77,7%, kinh doanh bất động sản đạt 778,2 triệu USD, chiếm 7,2%, khoa học công nghệ đạt 383,2 triệu USD, chiếm 3,5% tổng vốn đăng ký.

Một số dự án lớn:

- Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) với công ty TNHH Vietnam Beverage, vốn đăng ký 3,85 tỷ USD để sản xuất bia và mạch nha tại Hà Nội.

- Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, vốn đăng ký 260 triệu USD của Goertek co. limited (Hongkong) tại Bắc Ninh.

- Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, vốn đăng ký 214,4 triệu USD của Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd (Trung Quốc) để sản xuất, tiêu thụ lốp, các sản phẩm cao su tại Tiền Giang.

- Dự án Vinhtex, vốn đăng ký 200 triệu USD của Royal Pagoda Private Limited (Singapore) sản xuất vải và nhuộm, dệt kim tại Nghệ An.

- Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, vốn đăng ký 170 triệu USD của Universal Alloy Corporation Asia Pte (Singapore) tại Đà Nẵng.

- Dự án xây dựng cao ốc phức hợp của Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill (British Islands) vốn đăng ký 147,5 triệu USD tại TP. Hồ Chí Minh.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 41,45 tỷ USD, chiếm 70,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn nhiều so với quý I/2018 (22,8%); kim ngạch nhập khẩu đạt 33,88 tỷ USD, chiếm 58,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 6% so với quý I/2018; xuất siêu 7,57 tỷ USD.

74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; Hồng Kông dẫn đầu với vốn đăng ký 4,4 tỷ USD, chiếm 40,7%, Singapore đứng thứ hai với 1,46 USD, chiếm 13,5%, Hàn Quốc đứng thứ 3 với 1,3 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc với 1 tỷ USD và Nhật Bản với 700 triệu USD.

49 tỉnh, thành phố đã thu hút được dự án FDI, trong đó Hà Nội với 4,15 tỷ USD vốn đăng ký chiếm 38,4%, TP Hồ Chí Minh với 1,57 tỷ USD, chiếm 14,5%, Bình Dương với 625,6 triệu USD chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký.

Những số liệu thống kê về FDI của quý I chỉ có giá trị tham khảo, bởi vì đầu tư là hoạt động dài hạn do đó diễn biến các quý không đều, tùy thuộc vào quy mô dự án mà nhà đầu tư dự kiến thực hiện ở một địa phương, chỉ cần một vài dự án lớn có vốn đăng ký hàng tỷ USD thì bức tranh tổng thể về FDI sẽ thay đổi về cơ bản.

Đến ngày 20/03/2019 có 28.125 dự án FDI đang còn hiệu lực hoạt động với vốn đăng ký 346,5 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 195,6 tỷ USD, chiếm 56,4%. Đã có 19/21 ngành kinh tế thu hút FDI, trong đó khu vực chế biến, chế tạo với 201,2 tỷ USD, chiếm 58%, kinh doanh bất động sản với 58,2 tỷ USD, chiếm 16,8% và sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 23 tỷ USD, chiếm 6,6%. 131 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án FDI tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với 64 tỷ USD, chiếm 18,4%, Nhật Bản đứng thứ hai với 56,8 tỷ USD, chiếm 16,4 tỷ USD, tiếp đó là Singapore, Đài Loan, British Islands và Hồng Công.

Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã có dư án FDI, trong đó TP.HCM với 45,2 tỷ USD chiếm 13,1%, Hà Nội với 33,1 tỷ USD chiếm 9,6%, Bình Dương với 32,3 tỷ USD chiếm 9,3%.

Như tôi đã nhiều lần lưu ý, con số 150,9 tỷ USD vốn đăng ký chưa thực hiện phần lớn là số ảo, cần được ra soát loại bỏ khỏi báo cáo thống kê để phản ánh đúng thực trạng tình hình thu hút FDI của nước ta.

Nhìn sang Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, do đó nhiều nước thay đổi luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi hơn để tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn.

Trung Quốc là quốc gia đứng trong nhóm dẫn đầu về thu hút FDI quốc tế, tính đến cuối năm 2018 đã có 960 nghìn doanh nghiệp FDI với 2.100 tỷ USD vốn đầu tư; đồng thời đang khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài; tuy vậy nước này đang trong tình trạng tốc độ tăng trưởng suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nợ công vượt quá ngưỡng, doanh nghiệp trong nước kinh doanh kém hiệu quả, sô doanh nghiệp phá sản gia tăng, hàng trăm doanh nghiệp FDI đã di dời nhà máy sang nước khác do đã ban hành một số quy định theo hướng thắt chặt quản lý nhà nước đối với FDI, giảm bớt ưu đãi cho dự án FDI để khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, buộc các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bằng nhiều phương tiện kể cả bất hợp pháp để “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc đang phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Trung- Mỹ khó lường trước hậu quả. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn về khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc là những điểm then chốt tại các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington; thúc giục Trung Quốc thực hiện các cuộc cải cách cấu trúc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan cho biết, thu hút FDI của Trung Quốc năm 2018 đạt 135 tỷ USD tăng 3,5%, thấp hơn 7,9% của năm 2017 và 4,1% của năm 2016. Để ứng phó với thực trạng đó, Trung Quốc đã đề ra những chính sách mới, bao gồm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài.

Theo Tân Hoa Xã, sáng ngày 15/3/2019 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, thay thế ba luật hiện hành có liên quan đến đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng kinh doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài). Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, được đánh giá vô cùng quan trọng đối với thu hút FDI của Trung Quốc. Phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui tuyên bố: “Đây là một cuộc cải cách cơ bản về hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của chúng ta để tăng độ mở, minh bạch và khả năng dự báo”.

Luật Đầu tư nước ngoài quy định thống nhất việc gia nhập, thúc đẩy, bảo vệ lợi ích và quản lý đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện tính minh bạch của chính sách đầu tư nước ngoài, tạo lập sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Luật có 6 chương đề cập tới xúc tiến đầu tư, bảo hộ đầu tư, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ và trách nhiệm pháp lý.

Điều 22 của luật quy định: “Chính phủ phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư và các công ty nước ngoài; các tổ chức Trung Quốc không sử dụng các biện pháp hành chính để bắt buộc chuyển giao công nghệ”.

Theo luật này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng các chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng vào mua sắm chính phủ. Tất cả đều dựa trên quy tắc cạnh tranh công bằng và tuân thủ luật pháp.

Luật này quy định: nếu bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào đưa ra lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử lên hoạt động đầu tư Trung Quốc thì Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng.

Tổng thư ký Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Adam Dunnet nhận định: “Luật Đầu tư nước ngoài sẽ tăng đáng kể uy tín của Trung Quốc đối với nhà đầu tư quốc tế”. Citibank và Morgan Stanley đưa ra dự báo về dòng vốn FDI 200 tỷ USD sẽ chảy vào Trung Quốc năm 2019.

Theo giới quan sát thì Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã được soạn thảo và thông qua rất nhanh chóng, chỉ trong vòng ba tháng, trong khi thông thường phải mất vài năm. Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2020 là thách thức lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam, trong điều kiện mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhưng vẫn còn không ít hạn chế. Nhiều vấn đề cần giải quyết để làm cho thể chế kinh tế thị trường của nước ta tiếp cận thông lệ tốt nhất của khu vực và quốc tế, việc thực thi thể chế nghiêm minh và đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, cải cách đồng bộ nền hành chính quốc gia để có bộ máy công quyền đủ hiệu năng theo hướng chính phủ kiến tạo, chính phủ điện tử với đội ngũ công chức chuyên nghiệp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống ngày càng cải thiện.

Triển vọng FDI năm 2019

Từ việc đánh giá thành tựu, vấn đề của 30 năm thu hút FDI, Chính phủ đã đề ra định hướng và chính sách đối với FDI trong giai đoạn sắp đến. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đang chỉ đạo việc soạn thảo để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đầu tư nước ngoài. Đó là “cẩm nang” để thống nhất quan điểm, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, công chức nhà nước, cán bộ quản trị doanh nghiệp và người dân đối với thu hút FDI.

Theo đánh giá của Bloomberg dựa trên các yếu tố như cơ cấu dân số, tiền lương, giá điện, môi trường kinh doanh, logistics và tỷ trọng của ngành chế biến chế tạo trong FDI của từng quốc gia, thì Việt Nam xếp vị trí số 1 trong 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Ávề điểm đến của các doanh nghiệp chế biến chế tạo. Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế.

Sáng 28/3/2019 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nhận xét: chỉ số PCI năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện báo cáo vào năm 2005.

Điều tra PCI năm 2018 cho thấy, một số yếu tố của môi trường kinh doanh đã thay đổi tích cực so với năm 2017; môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn, cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm do đó mức độ lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới tương đối cao, 49% doanh nghiệp tư nhân và 56% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới.

Những đánh giá khách quan trên đây dựa vào thành tựu kinh tế- xã hội, của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 7%, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, do vậy năm 2019 dự báo sẽ đạt được 21- 22 tỷ USD vốn FDI thực hiện, tăng khoảng 10% so với năm 2018 với chất lượng cao hơn thể hiện chuyển dịch nhanh hơn vào công nghệ tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học.

Tuy vậy, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ và chính quyền các cấp cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động; cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy đăng ký đầu tư, nhất là thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.

Đẩy nhanh hơn nữa công cuộc cải cách là nhân tố quyết định của tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, bao gồm khu vực FDI. Căn cứ vào thể chế, chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh và thành phố cần năng động, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định, cấp giấy đăng ký đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh chóng dự án và giải quyết khó khăn trong kinh doanh, bởi vì tiềm năng có thể khai thác của nước ta cũng như của từng địa phương còn rất lớn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ