Đừng mãi giải cứu các dự án kém hiệu quả

Để tránh tiếp tục lãng phí nguồn lực vào các dự án kém hiệu quả, cần xác định dự án nào không có khả năng trả nợ thì cơ cấu lại hoặc kết thúc, chấp nhận gánh chịu tổn thất, không tiếp tục bơm tiền giải cứu chỉ để mua thời gian.
TRẦN VĂN TƯỜNG
12, Tháng 09, 2020 | 08:00

Để tránh tiếp tục lãng phí nguồn lực vào các dự án kém hiệu quả, cần xác định dự án nào không có khả năng trả nợ thì cơ cấu lại hoặc kết thúc, chấp nhận gánh chịu tổn thất, không tiếp tục bơm tiền giải cứu chỉ để mua thời gian.

958bf_38f39_rui_ro_chua_het

Gánh nặng lấy ngân sách trả nợ thay cho doanh nghiệp còn rất lớn. Ảnh: Thành Hoa

Gánh nặng trả nợ còn rất lớn

Gánh nặng lấy ngân sách trả nợ thay cho doanh nghiệp còn rất lớn, dù rằng trong thời gian qua Chính phủ chưa cấp bảo lãnh cho dự án mới nào kể từ tháng 3-2020. Song, Chính phủ vẫn phải tiếp tục trích Quỹ tích lũy trả nợ gần 52 triệu đô la Mỹ cho riêng hai dự án giao thông đầu tư theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT). Cụ thể là dự án La Sơn - Túy Loan có tổng mức đầu tư là 33,12 triệu đô la sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tokyo - Mitsumishi (Nhật Bản) và dự án khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 là 18,8 triệu đô la cũng vay vốn của Ngân hàng Nhật Sumitomo Mitsui và các bên hợp vốn.

Vì sao Chính phủ phải trả nợ thay cho doanh nghiệp?

Nhiều dự án phục vụ phát triển ngành, địa phương được giao cho chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước thực hiện, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại không có khả năng huy động vốn hoặc tự vay vốn. Mọi sự sẽ khác nếu Chính phủ. đứng ra bảo lãnh vay vốn cho dự án; tổ chức tín dụng cho vay sẽ bớt lo và tất nhiên điều kiện cho vay dễ dàng hơn. Lúc này, nếu dự án không hiệu quả, chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, Chính phủ sẽ gánh trách nhiệm chi trả.

Thực tế, các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn thường hay trục trặc, chậm trễ, phát sinh chi phí, hoạt động. kém hiệu quả. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể nhận thấy một điểm chung giống như ở các dự án đầu tư công. đó là chủ đầu tư không có động cơ tính toán chi li và sử dụng hiệu quả đồng vốn bỏ ra như các dự án do tư nhân đầu tư. Phải chăng vì được trả nợ thay?

Những dự án này ban đầu được nêu ra thường rất hoành tráng, lắm khi là cường điệu hóa, không loại trừ lợi ích nhóm chi phối để được ghi vào danh mục thực hiện nhưng kém hiệu quả, tức là một đồng vốn bỏ ra không mang lại giá trị tương xứng. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, đời sống người dân.

Vốn vay cho doanh nghiệp làm dự án được Chính phủ bảo lãnh vẫn thuộc phạm vi nợ công. Tức Chính phủ sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay nếu dự án thất bại; nhiều trường hợp trả nợ cả gốc lẫn lãi theo tỷ giá mới vì chủ đầu tư thường vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ.

Không nên tiếp tục bơm tiền giải cứu

Bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhà nước làm dự án hay bảo hộ cho lĩnh vực đầu tư công là điểm lùi trong chính sách, cản trở kinh tế tư nhân phát triển. Điều này khiến đất nước khó tiếp cận các nguồn lực khác và dễ bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực đúng tiềm năng.

Để tránh tiếp tục lãng phí nguồn lực vào các dự án kém hiệu quả, cần xác định dự án nào không có khả năng trả nợ thì cơ cấu lại hoặc kết thúc, chấp nhận gánh chịu tổn thất, không tiếp tục bơm tiền giải cứu chỉ để mua thời gian. Chính phủ chỉ bảo lãnh vay vốn trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất khả kháng, dự án hết sức cấp thiết.

Nước ta mới thoát nghèo, ngân sách không thể gánh vác hết tất cả, phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư các dự án quan trọng. Mà vay vốn nước ngoài và các quỹ tín dụng của WB, ADB, IMF, ODA cũng không dễ như trước. Trong khi đó, Chính phủ đứng ra bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhà nước làm dự án vẫn tiềm ẩn rủi ro ngân sách, nợ công. Tổ chức cho vay cũng lo ngại khả năng thu hồi vốn trong khi nợ công nước ta dù giảm vẫn lên đến hơn 3,2 triệu tỉ đồng. Hiện trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên, tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ cho nên vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Trong khi nguồn vốn tư nhân, cụ thể là trong dân và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất lớn, nếu được khai thác sẽ phát huy hiệu quả. Điển hình là hàng trăm ngàn tỉ đồng đã đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia triển khai xây dựng những dự án giao thông có quy mô lớn. Như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tổng chiều dài hơn 84 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, mức vốn 12.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng mức đầu tư tới 11.195 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư; nhà đầu tư trong nước làm hầm Đèo Cả vượt tiến độ, giảm vốn đầu tư từ 15.600 tỉ đồng xuống còn dưới 12.000 tỉ đồng, nhờ đó dư ra gần 4.000 tỉ đồng để làm tiếp hầm đèo Cù Mông…

Trong nền kinh tế thị trường, phục vụ sự phát triển, hầu như không có lĩnh vực nào lại không thể thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Theo đó, muốn thu hút vốn tư nhân, phải đảm bảo bình đẳng, xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Nhà nước chỉ đứng ra đặt hàng qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và dùng ngân sách để chi trả như mô hình ở nhiều nước phát triển đã cho thấy hiệu quả.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ