Đua giảm lãi suất cho vay trả nợ ngân hàng khác

Nhàđầutư
Các ông lớn ngân hàng thương mại đã lần lượt tung các gói vay để trả nợ ngân hàng khác với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng với lãi suất rất thấp, chỉ từ 5,6 - 8%/năm. Mức lãi suất cho vay này đã giảm rất mạnh so với cuối năm 2022.
ĐÌNH VŨ
12, Tháng 09, 2023 | 08:15

Nhàđầutư
Các ông lớn ngân hàng thương mại đã lần lượt tung các gói vay để trả nợ ngân hàng khác với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng với lãi suất rất thấp, chỉ từ 5,6 - 8%/năm. Mức lãi suất cho vay này đã giảm rất mạnh so với cuối năm 2022.

Ngan hang Coc tien May dem tien 2

Ngân hàng đua giảm lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng khác. Ảnh: Trọng Hiếu

Lãi suất đang giảm nhanh

Ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ đầu tháng 9, nhiều ngân hàng thông báo cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất hấp dẫn.

Trong đó, VietinBank tung ra gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. Theo đó, các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác. Ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

Với chính sách mới tại VietinBank, khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như: Bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay tại VietinBank.

Trước đó, BIDV cho biết khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.

Vietcombank cũng triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.

Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

Như vậy, lãi suất cho vay đang giảm khá nhanh, đặc biệt với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng (đã có thời điểm vay mua nhà lên tới 12-14%/năm vào khoảng cuối năm 2022 khi cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu). 

Giải bài toán "thừa tiền" không chỉ là lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Dù tín dụng đã tăng trở lại nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn rất thấp, thanh khoản hệ thống đang dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng).

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên, về tư duy, "không được đánh đồng" giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Đối với tín dụng, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…

TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định. Theo đó, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Về điều kiện cho vay, ông Nghĩa cho rằng, đây là quyền của các ngân hàng thương mại. Quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng, Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ