Du khách thích 'check in' các điểm du lịch nông nghiệp trong kỳ nghỉ lễ

Nhàđầutư
Để tránh thời tiết oi bức và không khí ồn ào đô thị, các điểm du lịch nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được du khách lựa chọn là điểm đến hàng đầu trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Du lịch nông nghiệp được xem là sản phẩm đang chiếm ưu thế tại vùng này.
AN HÒA
04, Tháng 05, 2023 | 15:05

Nhàđầutư
Để tránh thời tiết oi bức và không khí ồn ào đô thị, các điểm du lịch nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được du khách lựa chọn là điểm đến hàng đầu trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Du lịch nông nghiệp được xem là sản phẩm đang chiếm ưu thế tại vùng này.

DL nong nghiep 1

Các điểm du lịch nông nghiệp được du khách "check in" nhiều nhất tại kỳ nghỉ lễ vừa qua. Ảnh An Hòa

Du lịch nông nghiệp "lên ngôi"

Ông Nguyễn Văn Mách (Tư Mách), chủ điểm du lịch nông nghiệp tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, gia đình ông có 12.000m2 (12 công) trồng xoài với 2 giống xoài chủ lực là cát chu và cát hòa lộc.

"Hiện nay đang là mùa xoài chín, vào thời điểm này ngày nào gia đình cũng đón tiếp vài đoàn khách ghé tham quan và ăn uống, nghỉ ngơi tại vườn. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua mỗi ngày gia đình đón hàng trăm du khách ghé tham quan vườn, mua xoài về làm quà biếu", ông Tư Mách cho biết.

Ông Tư Mách cũng cho hay từ năm 2019, ông đã phát triển mô hình "cây xoài nhà tôi". Với mô hình này, du khách có thể đặt mua một hoặc nhiều cây xoài trong vườn và có thể chăm sóc trực tiếp hoặc nhờ gia đình chăm sóc và theo dõi quy trình canh tác từ xa qua hình ảnh.

Mỗi "cây xoài nhà tôi" hiện được gia đình bán cho du khách từ 5 – 7 triệu đồng với hai vụ thu hoạch. Người mua được hưởng toàn bộ số trái trên cây với sản lượng từ 100kg - 150kg/cây. Người mua có thể đến tận vườn thu hoạch hoặc nhờ chủ vườn thu hoạch đóng gói chuyển đến tận nhà. Theo ông Tư Mách, mô hình "cây xoài nhà tôi" là các làm du lịch mới, nhằm đáp ứng nhu cầu làm vườn cho những người thích làm vườn nhưng không có nhiều thời gian cho công việc này.

Ông Trần Phú Hậu, nông dân ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết gia đình có 5 công trồng xoài. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, hữu cơ, nên sản phẩm làm ra được thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao.

"Nhờ trồng xoài kết hợp với chăn nuôi và làm du lịch nông nghiệp, lợi nhuận của mô hình sản xuất này cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa", ông Hậu cho biết.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Tháp loại hình du lịch nông nghiệp của địa phương bắt đầu từ cuối năm 2016 với 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười; tiếp sau đó nông dân các huyện Cao Lãnh, Lai Vung, TP. Cao Lãnh… cũng mạnh dạn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.

"Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2022, các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ trên 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 519 tỷ đồng. Theo đánh giá của địa phương, du lịch nông nghiệp sẽ còn nhiều dư địa phát triển nếu được đầu tư và quản lý, khai thác chuyên nghiệp hơn", ông Tuyên nhận định.

Với đặc thù là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã hình thành hàng trăm điểm du lịch nông nghiệp như các vườn trái cây ở cù lao An Bình (Vĩnh Long), vườn trái cây Phong Điền (Cần Thơ), du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Cần Thơ); Làng văn hóa du lịch Sa Đéc (Đồng Tháp), Làng văn hóa du lịch Chợ Lách (Bến Tre), Làng văn hóa du lịch Đất Mũi (Cà Mau)...

Theo các chuyên gia về du lịch, cuộc sống đô thị với khói bụi, ô nhiễm đã khiến nhiều người muốn tìm về khung cảnh nông thôn trong lành và yên bình, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, làn sóng du lịch thiên về sức khỏe, du lịch sinh thái ngày càng lớn, đây là cơ hội để du lịch nông nghiệp tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội du lịch ĐBSCL, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, khu vực ĐBSCL đã đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó đa số du khách chọn điểm đến là các khu du lịch nông nghiệp, sinh thái để nghỉ ngơi, thư giãn trong kỳ nghỉ.

DL nn

Dịch vụ tại các điểm du lịch nông nghiệp chủ yếu là "cây nhà, lá vườn", chưa được đầu tư nhiều. Ảnh An Hòa

 Cần "cách tân" du lịch nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, không riêng gì Đồng Tháp mà các tỉnh ĐBSCL có nhiều lợi thế về tự nhiên cho sự phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp sản phẩm và chưa thực sự hấp dẫn du khách, chưa xây dựng được thương hiệu. Nguyên nhân là do người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.

"Để du lịch nông nghiệp phát triển thành thương hiệu của vùng ĐBSCL thì cần phải có cuộc "cách tân" từ tư duy người làm du lịch đến cơ quan quản lý hướng đến sản phẩm đa giá trị, chuyên nghiệp hơn.

Cụ thể, đối với người làm du lịch cần từ bỏ ngay tư duy: "vậy là được rồi, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy"; "nông nghiệp là chính, còn du lịch được bao nhiêu hay bấy nhiêu".

Đối với lãnh đạo các cấp, phải làm thật, không chạy theo phong trào, kết quả phải đo, đếm được cụ thể. Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì lòng tự hào và trách nhiệm với quê hương xứ sở và là niềm vui của người sản xuất", ông Hoan nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo về phát triển du lịch nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp mới đây, ông Ngô Quốc Khang, Cố vấn Hiệp hội phát triển nông trại du lịch Đài Loan cho biết, Đài Loan là một hòn đảo nằm giữa biển khơi, có rất ít nước ngọt chủ yếu là sử dụng nước mưa và nước ngầm nên việc sản xuất nông nghiệp không thuận lợi như ở ĐBSCL của Việt Nam. Mặc dù vậy, nhưng du lịch nông nghiệp của Đài Loan vẫn rất phát triển.

"Kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp của Đài Loan chỉ gói gọn trong 4 chữ: "tinh, nhân, chuyên, kiên". Tức là sản phẩm nông nghiệp phải "tinh", chất lượng phải đảm bảo an toàn; làm du lịch phải chuyên nghiệp và kiên nhẫn chiều khách", ông Khang nói.

Đồng quan điểm đó, ông Ninh Trung Tân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nita Travel cho rằng, yếu tố đánh giá sự thành công của một khu điểm hoặc một tour du lịch là du khách không những phải được phục vụ chu đáo mà còn phải có được những trải nghiệm thú vị với cảnh quan, món ăn, một câu chuyện văn hóa hay tại điểm đến.

Theo ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, ĐBSCL là khu vực có du lịch nông nghiệp mạnh nhất cả nước, với mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen, vườn cây ăn trái, vuông tôm, rừng đước, rừng tràm ven sông, rạch…

"Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua chủ yếu do nông dân đảm nhận, sản phẩm đơn giản chỉ bán cái sẵn có, phục vụ tham quan, trải nghiệm cho khách đi du lịch trong ngày, doanh thu thấp.

TP. HCM là thị trường nguồn du lịch lớn nhất và là nơi có các hãng lữ hành có nhiều chuyên gia am hiểu về thị trường và sản phẩm, nhưng ít tham gia vào phát triển các điểm du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL. Xu hướng du lịch hậu COVID-19, khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL. Do đó việc liên kết giữa TP. HCM với vùng ĐBSCL trong phát triển du lịch sẽ thúc đẩy du lịch nông nghiệp của khu vực ĐBSCL phát triển nhanh hơn", ông Huê đề xuất.

Chủ tịch Công ty TNHH Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, ĐBSCL được là xem vùng đồng bằng màu mỡ, đa dạng sinh học không chỉ của ASEAN mà của cả thế giới. Hiện sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL đã đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 60% thủy hải sản; 40% sản lượng trái cây cho cả nước.

Du lịch nông nghiệp là thế mạnh của vùng này, tuy nhiên, trong thời gian qua từ sản phẩm đến dịch vụ du lịch nơi đây còn nhiều hạn chế. Tại nhiều khu du lịch nông nghiệp, sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách. Chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

"Do đó, để hoạt động khai thác du lịch tại vùng này được tốt hơn các địa phương cần xây dựng chương trình phát triển tuyến điểm, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp như đường, điện, nước sạch; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường tự nhiên xanh sạch, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống nông dân", ông Mỹ đề xuất.

Theo các chuyên gia du lịch, ĐBSCL có khí hậu tốt hàng đầu Việt Nam, nơi hầu như không có động đất, sóng thần, bão, lũ quét hay các hiện tượng thiên nhiên bất thường, nên có thể nói ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cả bốn mùa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ