Dự án cảng ICD Long Bình 'trễ hẹn' đến bao giờ?

Nhàđầutư
Dự án cảng ICD Long Bình được gấp rút chỉ định cho liên danh Đức Khải của đại gia Phạm Ngọc Lâm cuối năm 2015, song sau gần 5 năm vẫn chỉ là bãi đất trống còn chưa giải phóng mặt bằng; trong khi theo phương án đầu tư, dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2021.
LÂM TÍN
13, Tháng 07, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Dự án cảng ICD Long Bình được gấp rút chỉ định cho liên danh Đức Khải của đại gia Phạm Ngọc Lâm cuối năm 2015, song sau gần 5 năm vẫn chỉ là bãi đất trống còn chưa giải phóng mặt bằng; trong khi theo phương án đầu tư, dự án phải hoàn thành và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2021.

Screen Shot 2020-07-12 at 11.06.24 PM

Dự án có vị trí phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây giáp đường Nguyễn Xiển, phía Bắc giáp Bình Dương và phía Nam giáp Công viên lịch sử Văn hoá Dân tộc. Ảnh: Google Maps

Gấp rút phê duyệt dự án

Ngày 26/11/2015, Liên danh CTCP Đức Khải - CTCP Địa ốc Tân Hoàng - CTCP Địa ốc Tam Bình có công văn đề xuất dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, Quận 9, TP.HCM để di dời Khu cảng Trường Thọ, quận Thủ Đức theo hình thức BT.

Dồn dập trong 2 ngày 8-9/12/2015, các cơ quan ở TP.HCM gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Kế hoạch Đầu tư có công văn nêu ý kiến về đề xuất này.

Ngay hôm sau, UBND TP.HCM ngày 10/12/2015 có công văn số 7632 đóng dấu "Khẩn", đồng ý nội dung đề xuất của liên danh Đức Khải. Dù còn phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, song chính quyền TP.HCM tỏ ra rất tự tin về dự án. Công văn do cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký nêu rõ: "Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Liên danh nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.

Trong cùng ngày 10/12/2015, với công văn được viết ngay đó (đánh số 7633), UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận Chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 để phục vụ di dời cụm cảng Trường Thọ hiện hữu theo hình thức BT.

Theo văn bản cũng do cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng rằng trong điều kiện ngân sách Thành phố còn nhiều hạn chế, chỉ định nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với công nghệ hiện đại, thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và góp phần phát triển nền kinh tế cả nước cũng như TP.HCM. Ngoài ra, liên danh 3 công ty Đức Khải - Tân Hoàng - Tam Bình đủ điều kiện để đảm bảo thực hiện dự án trên cơ sở vốn chủ sở hữu và cam kết của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Hà Nội.

Ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 211 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký, chấp thuận dự án nêu trên. Văn bản nêu rõ: "Giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về việc chỉ định nhà đầu tư đàm phán Hợp đồng BT thực hiện dự án theo quy định".

107520789_201624111237507_6716752131301467924_n

Dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống...Ảnh:LT

Nghi ngại năng lực nhà đầu tư

Theo phương án của liên danh nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư là 6.154 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư sau thuế là 5.387 tỷ đồng, chi phí lãi vay 767 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2015-2021, trong đó đầu 2015 - cuối 2018 chuẩn bị dự án, đầu 2019 - cuối 2020 xây dựng, đầu 2021 bắt đầu khai thác.

Tuy nhiên theo ghi nhận của Nhadautu.vn, dự án ở thời điểm giữa tháng 7/2020 vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa có dấu hiệu khởi công, thậm chí còn chưa có mặt bằng. Trong khi đó, thực trạng tài chính của nhà đầu tư có những chuyển biến đáng chú ý.

Trong 3 thành viên liên danh, nổi tiếng nhất chắc hẳn là Đức Khải Corp - một tập đoàn nổi danh trong lĩnh vực BT ở TP.HCM thuộc sở hữu của doanh nhân Bình Thuận Phạm Ngọc Lâm. Ở chiều hướng ngược lại, những Địa ốc Tân Hoàng hay Địa ốc Tam Bình gần như không có tên tuổi trên thị trường. Vậy thì tại sao tập đoàn của đại gia Lâm "Đức Khải" lại phải bắt tay với những đối tác kém tiếng này?

Câu trả lời có thể nằm ở dòng tiền triển khai dự án.

Tại văn bản số 9127 ngày 20/11/2017, Sở Tài chính TP.HCM cho biết Công ty Đức Khải có khả năng thanh toán nợ ngắn hạn rất thấp do khoản chi phí phải trả ngắn hạn quá cao, đồng thời các khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn rất lớn, đặc biệt khoản vay dài hạn đến hạn trả là 993 tỷ đồng. Công ty đã vay dài hạn BIDV chi nhánh Gia Định 1.289,8 tỷ đồng để đầu tư dự án khu tái định cư Phú Mỹ - Era Town.

Do vậy số vốn của Đức Khải sẵn sàng đưa vào dự án chỉ là 34,7 tỷ đồng, là rất khiêm tốn đặt cạnh hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của dự án, đồng thời cũng thấp hơn nhiều mức vốn cam kết tại thoả thuận Liên danh ngày 5/10/2017 (73,7 tỷ đồng).

Tại thoả thuận này, Địa ốc Tân Hoàng cam kết góp 215 tỷ đồng, Địa ốc Tam Bình cam kết góp 325,5 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu 3 nhà đầu tư góp vào dự án là 613,2 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tính theo tổng vốn của dự án không được thấp hơn 719 tỷ đồng (15% đối với phần vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng và 10% đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng).

107861304_3714278878586870_577519157453943386_n

...thậm chí còn chưa giải phóng mặt bằng, dù theo phương án đầu tư, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu năm 2021. Ảnh: LT

Dù vậy, văn bản do Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng ký vẫn đánh giá vốn chủ sở hữu của liên danh Đức Khải - Tân Hoàng - Tam Bình đảm bảo tham gia dự án.

Việc chỉ định liên danh Đức Khải, trong khi năng lực nhà đầu tư còn nhiều vấn đề có chăng là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ kéo dài.

Và ở một chi tiết quan trọng, không rõ khi phê duyệt dự án và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chính quyền TP.HCM có biết được rằng, những Địa ốc Tân Hoàng hay Tam Bình thực chất cũng là các thành viên trong hệ sinh thái Đức Khải.

Cụ thể, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Địa ốc Tam Bình được thành lập từ năm 2011, với cổ đông lớn nhất, nắm 50% vốn là Tổng công ty Đền bù Giải toả - một công ty thành viên của Đức Khải Corp. Về phần mình. Địa ốc Tân Hoàng được thành lập năm 2010, do 3 cổ đông cá nhân góp vốn, đều là người Bình Thuận, gồm ông Phạm Văn Lai, bà Lê Thị Thuỳ Vân và ông Võ Nhật Hùng.

Trong đó ông Hùng là một trong những "cánh tay phải" của ông Phạm Ngọc Lâm, đang đứng tên một loạt thành viên trong tập đoàn Đức Khải như CTCP Du lịch Đức Khải, CTCP Dịch vụ và Du lịch Cù lao Bà Sang, CTCP Đầu tư và Phát triển dự án BT, CTCP Five B, CTCP Phát triển Bất động sản C30 Quận 10, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Nhà ở Sài Gòn...

Từ giữa năm ngoái, BIDV liên tục rao bán nhiều tài sản có giá trị lớn của Đức Khải, chẳng hạn tính đến tháng 5/2020 đã 4 lần rao bán hàng chục căn chung cư Era Town với giá trị khoảng 200 tỷ đồng.

Tháng 8/2019, BIDV có thông báo phát mại tài sản của Đức Khải là 2 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 271/5A và 271/5B An Dương Vương, Quận 5, Tp.HCM. Hai khu đất này nằm trong số nhiều khu đất (số 271/7B, 271/12, 271/14, 271/16, 253/209, 271/5B, 271/5A, 253/11 An Dương Vương và 207 Nguyễn Văn Cừ, Phường 3, Quận 5) là nơi xây dựng dự án Chung cư cao tầng kết hợp Văn phòng, Thương mại và Dịch vụ. Trong đó, khu đất số 271/7B An Dương Vương cũng là nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính của Đức Khải.

Với thực trạng bết bát như vậy, giới đầu tư nhận định liên danh Đức Khải gần như không thể triển khai dự án. BIDV - nhà băng cam kết tài trợ hàng nghìn tỷ đồng chắc hẳn cũng khó có thể chấp thuận rót vốn cho một con nợ có lịch sử tín dụng xấu như vậy.

Âm thầm đổi chủ

Trong bối cảnh đó, Văn phòng UBND TP.HCM ngày 5/6/2020 có thông báo số 452/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan tại buổi họp về dự án xây dựng cụm cảng ICD Long Bình. Trong đó có nội dung yêu cầu các sở ban ngành nghiên cứu hai phương án đầu tư: Hoặc giữ nguyên hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) hoặc chuyển sang hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).

Điều gây bất ngờ là dù dự án chậm tiến độ nhiều năm, song chính quyền TP.HCM không đặt ra vấn đề thu hồi dự án để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới có năng lực và đưa về lợi ích lớn nhất cho ngân sách.

Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, dự án trên thực tế đã không còn thuộc sở hữu của nhóm Đức Khải. Liên danh này ngay sau khi xin được dự án gần như ngay lập tức "sang tay" cho một tập đoàn có quan hệ thân thiết ở TP.HCM; cụ thể, chuyển nhượng quyền góp vốn của Đức Khải trong dự án và bán lại toàn bộ cổ phần trong Địa ốc Tân Hoàng và Địa ốc Tam Bình.

Việc thay đổi nhà đầu tư dự án không rõ đã được UBND TP.HCM báo cáo xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ hay chưa. Biết rằng việc mua bán cổ phần ở Địa ốc Tân Hoàng và Tam Bình đã được thực hiện từ năm 2017, song tới nay vẫn chưa được Sở Kế hoạch Đầu tư cập nhật theo Giấy đăng ký doanh nghiệp mới nhất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ