Dòng tiền ngoại ‘đốt nóng’ các thị trường châu Á

Dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang bị hút vào thị trường châu Á, dù là cổ phiếu, trái phiếu hay các lớp tài sản khác khi họ đặt cược rằng đây sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất khi kinh tế thế giới bật dậy sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
KHÁNH LAN
09, Tháng 12, 2020 | 07:15

Dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang bị hút vào thị trường châu Á, dù là cổ phiếu, trái phiếu hay các lớp tài sản khác khi họ đặt cược rằng đây sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất khi kinh tế thế giới bật dậy sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các tài sản ở châu Á đồng loạt tăng giá mạnh

Tuần trước, chỉ số chứng khoán tổng hợp khu vực Thái Bình Dương (MSCI AC Asia Pacific Index) tăng lên mức kỷ lục, trong khi đó, chỉ số Bloomberg Barclays về tổng thu nhập trái phiếu ở châu Á Thái Bình Dương cũng tăng lên sát mức cao nhất trong 4 năm qua.

Một chỉ số khác đo lường biến động chung của các tiền tệ ở khu vực châu Á cũng đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018 và giá cả hàng hóa ở khu vực này cũng đang tăng. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi Chỉ số bất ngờ kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, do Ngân hàng Citigroup thiết lập và theo dõi, đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2007.

Kết quả tích cực của cuộc bầu cử Mỹ, tiến triển đáng khích lệ về vaccine Covid-19, thanh khoản dồi dào và xung lực tăng trưởng đang cải thiện ở châu Á đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản ở khu vực này, theo nhận định của Khoon Goh, Giám đốc nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á của Ngân hàng hàng ANZ.

Tuần trước, giới đầu tư rót tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đầu tư vào các thị trường mới nổi ở mức cao nhất kể từ tháng 1-2020. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy các quỹ ETF chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi châu Á hút phần lớn số tiền này.

Các quỹ ETF đầu tư vào các chỉ số chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông chứng kiến nhu cầu tăng mạnh nhất. Các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Hàn Quốc cũng hút ròng kỷ lục trong tháng trước.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 8-12, ông viết: “Chúng tôi kỳ vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng toàn cầu cải thiện và thanh khoản dồi dào sẽ thúc đẩy dòng tiền tiếp tục đổ vào khu vực này. Chúng tôi dự báo dòng tiền chảy vào này sẽ duy trì mạnh mẽ trong suốt năm 2021, hỗ trợ cho các thị trường tài sản của châu Á”.

Ở mảng đầu tư thu nhập cố định, sức hút của châu Á cũng đang tăng. Giá trị nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng vọt lên mức kỷ lục 1.790 tỉ nhân dân tệ (274 tỉ đô la Mỹ). Các quỹ đầu tư trên toàn cầu cũng mua hơn 2,5 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Indonesia trong quí này, mức mua lớn nhất của họ kể từ tháng 9-2019.

Tuy vậy, một số nhà chiến lược cho rằng cơn đổ xô mua trái phiếu Trung Quốc có thể dịu lại, ít nhất là vì quá trình bổ sung trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào hai chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg Barclays và  JPMorgan Chase & Co. sắp hoàn tất.

Hiện nay, cơn hưng phấn của giới đầu tư nước ngoài thậm chí len lỏi vào thị trường phái sinh ở châu Á. Mandy Xu, nhà chiến lược ở Ngân hàng Credit Suisse, lưu ý dòng tiền ngoại đang đổ mạnh mẽ vào các hợp đồng quyền chọn mua cổ phiếu châu Á.

Đà phục hồi của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là yếu tố trọng tâm tạo ra sức hút của các tài sản ở châu Á. Trong tháng 11, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018, đẩy thặng dư thương mại của nước này trong tháng trước lên mức cao kỷ lục. Nhập khẩu của Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa lúc các nhà máy Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất.

“Một lý do khiến chúng tôi cho rằng triển vọng của châu Á rất tốt, đặc biệt là khu vực Bắc Á, là khu vực này chi tiêu ít tiền hơn để duy trì nền kinh tế hoạt động”, Sean Taylor, Giám đốc đầu tư phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Công ty DWS Group, nói. Các nước khác, đặc biệt các nước phát triển, phải vay nợ rất nhiều để kích thích kinh tế và điều này sẽ tác động xấu đến tăng trưởng của họ. Đó là lý do tại sao đà tăng trưởng trong trung hạn của châu Á sẽ khá tốt, Taylor nhận định.

chi-so-ck

Tuần trước, chỉ số chứng khoán tổng hợp khu vực Thái Bình Dương (màu đen) tăng lên mức kỷ lục, trong khi đó, chỉ số Bloomberg Barclays về tổng thu nhập trái phiếu ở châu Á Thái Bình Dương (màu đỏ) cũng tăng lên sát mức cao nhất trong 4 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Cơ hội lớn cho nhóm cổ phiếu giá trị

Trong tháng trước, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản (MSCI Asia Pacific ex Japan Index) tăng 9%, mức tăng mạnh nhất trong 7 tháng, nhờ các đột phá về phát triển vaccine Covid-19 của Pfizer, Moderna và AstraZeneca cũng như kết quả không gây xáo động thị trường của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Dữ liệu thống kê của Reuters cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 17,5 tỉ đô la giá trị cổ phiếu của Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam trong tháng 11.

Đây là giá trị mua ròng lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán châu Á trong ít nhất 12 năm qua.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ hút ròng 8,13 tỉ đô la từ các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng trước, mức cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan cũng chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lần lượt 5,2 tỉ đô la và 3,1 tỉ đô la.

Tuy nhiên, nếu tính 11 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng 34,1 tỉ đô la ở các thị trường chứng khoán châu Á.“Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ trọng tài sản ở châu Á ở mức rất thấp dù chúng ta chứng kiến họ bắt đầu mua vào trong thời gian gần đây.

Giới đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều dư địa để nâng tỷ trọng nắm giữ tài sản ở châu Á. Thị trường yêu thích của chúng tôi là Hàn Quốc. Chúng tôi cũng thích thị trường Hồng Kông, Singapore và chúng tôi đã tăng tỷ trọng nắm giữ tài sản ở Thái Lan và Trung Quốc ”,  Dan Fineman, đồng Giám đốc chiến lược cổ phần châu Á-Thái Bình Dương ở Ngân hàng  Credit Suisse, nói.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhóm cổ phiếu giá trị (cổ phiếu giao dịch ở mức giá thấp hơn so với các yếu tố cơ bản của nó) ở châu Á sẽ tăng giá tốt hơn nhóm cổ phiếu tăng trưởng khi giới đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường cổ phiếu trong khu vực sau khi ồ ạt bán tháo vào hồi tháng 3.

Báo cáo của Goldman Sachs nhận định: “Xét theo lịch sử, cổ phiếu giá trị thường tăng giá mạnh hơn khi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua trở lại cổ phiếu ở châu Á ngay sau các đợt bán tháo mạnh”.

Dan Fineman, đồng Giám đốc chiến lược cổ phần châu Á-Thái Bình Dương ở Ngân hàng Credit Suisse, nhận định thị trường cổ phiếu Á sẽ tăng giá tốt hơn các thị trường cổ phiếu khác trên toàn cầu khi các doanh nghiệp trong khu vực bước vào siêu chu kỳ lợi nhuận bắt đầu từ năm sau.

Fineman dự báo chỉ số EPS (thu nhập trên cổ phiếu) của các công ty đại chúng khắp khu vực châu Á có thể duy trì ở mức thấp phổ biến từ 13 đến 19 trong 3-5 năm tới nhờ đà tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực.

Credit Suisse kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2021, chỉ số MSCI Asia Pacific không bao gồm Nhật Bản sẽ tăng trưởng 19%.

Theo Bloomberg, Reuters

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ