Đồng Nai ưu tiên quỹ đất cho các dự án giao thông kết nối

Nhàđầutư
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm tới, tỉnh sẽ ưu các tiên quỹ đất, vốn để phát triển mạng lưới giao thông kết nối giữa các địa phương. Ngoài nguồn vốn đầu tư công do nhà nước phân bổ thì tỉnh cũng sẽ khai thác thêm những khu đất có lợi thế để có ngân sách đầu tư nhiều tuyến đường.
LÝ TUẤN
23, Tháng 02, 2022 | 14:38

Nhàđầutư
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm tới, tỉnh sẽ ưu các tiên quỹ đất, vốn để phát triển mạng lưới giao thông kết nối giữa các địa phương. Ngoài nguồn vốn đầu tư công do nhà nước phân bổ thì tỉnh cũng sẽ khai thác thêm những khu đất có lợi thế để có ngân sách đầu tư nhiều tuyến đường.

Dành quỹ đất cho nhiều lĩnh vực

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong định hướng phát triển, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng huyện Long Thành thành đô thị sân bay, huyện Nhơn Trạch là thành phố mới. Đây sẽ là hai khu vực có những đột phá về phát triển kinh tế trong những năm tới, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu xây dựng xong và đưa vào khai thác. Do đó, tỉnh đang tập trung quy hoạch sẵn đất đai để phát triển.

Đối với huyện Long Thành, trong giai đoạn 2021-2030, dự tính sẽ chuyển đổi gần 15.600 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án trên các lĩnh vực. Riêng lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu dân cư, giao thông có 252 dự án với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha. Trong đó, có 13 dự án về khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ 43 dự án; giao thông 83 dự án và khu dân cư, khu đô thị có 113 dự án.

Còn huyện Nhơn Trạch dự tính sẽ chuyển đổi hơn 6.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2030, để thực hiện 602 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ để trở thành đô thị loại II vào năm 2025.

dn-0646

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ dành gần 17.900 ha đất tại các địa phương trên địa bàn cho các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh minh hoạ: VGP

Bên cạnh đó, huyện Nhơn trạch cũng dành các quỹ đất để phát triển các dự án khác như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ có 3 dự án với diện tích hơn 1.200 ha; thương mại dịch vụ 55 dự án với gần 1.200 ha; hạ tầng giao thông 92 dự án với khoảng 2.300 ha và 128 dự án khu đô thị, khu dân cư (nhiều dự án kết hợp khu đô thị với khu du lịch nghỉ dưỡng) có diện tích hàng ngàn ha.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch quy hoạch sử dụng đất cho khá nhiều dự án, nhưng số lượng hoàn thành được ít. Nhiều dự án chưa thể triển khai phải hủy quy hoạch sử dụng đất hoặc chuyển qua giai đoạn 2021-2030, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá  trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân, bởi dự án quy hoạch không thực hiện được sẽ trở thành dự án “treo”, quy hoạch “treo”.

Do đó, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với từng địa phương làm tốt công tác quy hoạch để hạn chế những vướng mắc khó triển khai như giai đoạn trước.

Đánh giá về công tác quy hoạch sử dụng đất tại hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, ông Hồ Văn Hà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong quy hoạch sử dụng đất tại huyện Long Thành cần chú trọng bố trí quỹ đất nhiều hơn nữa cho hạ tầng kỹ thuật để kết nối các tuyến đường giao thông, dự án thương mại dịch vụ. Còn với huyện Nhơn Trạch nên rà soát lại các dự án để quy hoạch đất đai cho thích hợp, ưu tiên quỹ đất cho phát triển thương mại dịch vụ để khai thác các lợi thế từ sân bay.

Theo ông Hồ Văn Hà, việc quy hoạch sử dụng đất cần phải có tầm nhìn xa, dự báo sát với thực tế phát triển của từng địa phương để phân bổ kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Như vậy, các dự án được quy hoạch có thể hoàn thành theo kế hoạch để đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

“Mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn tới tiếp tục tập trung cho phát triển công nghiệp, nhiều địa phương đều đề xuất quy hoạch thêm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư. Vì khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ thu hút nhiều người lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm việc và sinh sống. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh của khu công nghiệp, cụm công nghiệp là không dễ dàng, có những dự án sau 5-8 năm vẫn chưa hoàn thành. Các huyện, thành phố không tính toán kỹ, quy hoạch quá nhiều đất đai cho lĩnh vực công nghiệp, đất ở… sẽ khó đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra”, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai nhìn nhận.

Ưu tiên cho hạ tầng giao thông

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều dự án giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, xã sẽ được xây dựng. Do đó, muốn thực hiện được các dự án giao thông buộc phải có quy hoạch sử dụng đất.

Để các dự án về hạ tầng giao thông được triển khai nhanh, tỉnh Đồng Nai cho biết, các huyện, thành phố đều phải quy hoạch các quỹ đất lớn, khi dự án, công trình hoàn thành hồ sơ, thủ tục có thể tiến hành làm ngay. Nguồn kinh phí đầu tư dự án giao thông gồm vốn ngân sách nhà nước phân bổ, xã hội hóa, đấu giá đất, mời gọi doanh nghiệp tham gia.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, các địa phương đều đưa các khu đất có lợi thế vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 để đấu giá tăng thêm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông phát triển giúp cho người dân phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Vì các tuyến đường giao thông kết nối thuận tiện cho vận chuyển nông sản, giá nông sản tăng lên.

Theo ông Phi, trong gần 10 năm qua, Đồng Nai đã đấu giá đất được hơn 10.000 tỷ đồng, đặc biệt 3 năm trở lại đây, nhiều khu "đất vàng" đấu giá được trên 50 tỷ đồng/ha. Doanh nghiệp khi muốn đầu tư một số dự án tại Đồng Nai cũng thích đấu giá đất để có thể thực hiện nhanh. Vì các khu đất đưa ra đấu giá đều có quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình triển khai dự án theo quy hoạch của khu đất khá thuận lợi, rút ngắn nhiều thời gian làm thủ tục đất đai, đầu tư.

"Những năm gần đây, những khu đất từ 10 ha trở lên đưa ra đấu giá có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ tham gia. Dự kiến trong 9 năm tới, Đồng Nai sẽ có hàng trăm khu 'đất vàng' được đấu giá để làm các khu dân cư, khu thương mại, giáo dục…", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin.

Đáng chú ý, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, Đồng Nai có 6 địa phương quy hoạch nhiều diện tích đất nhất cho phát triển các công trình, dự án về đường giao thông là: Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Tân Phú và Định Quán.

Trong đó, huyện Long Thành có 84 dự án, công trình về giao thông với diện tích 6.100 ha, bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số tuyến đường sắt và các công trình đường bộ. Tiếp đến là huyện Cẩm Mỹ có 109 dự án, công trình giao thông với 2.500 ha, trong đó chủ yếu triển khai các tuyến đường tại các xã, ấp, huyện, tỉnh; huyện Trảng Bom thực hiện 380 công trình, dự án về giao thông với 2.450 ha; huyện Nhơn Trạch triển khai 92 dự án, công trình giao thông trong những năm tới và quỹ đất để thực hiện khoảng 1.900 ha; huyện Tân Phú có 365 công trình, dự án; huyện Định Quán có 182 dự án về giao thông quy hoạch gần 1.500 ha;  huyện Xuân Lộc quy hoạch khoảng 1.250 ha đất để thực hiện.

Thông tin về việc quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, huyện Tân Phú đã ưu tiên nhiều diện tích đất để triển khai các dự án giao thông của quốc gia, tỉnh, huyện, xã để tạo đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương và vùng. Riêng dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài qua huyện hơn 19 km được quy hoạch gần 394 ha để thực hiện. Ngoài ra, huyện dành nhiều quỹ đất để mở rộng quốc lộ 20, đường Tà Lài - Trà Cổ, đường 30/4, đường Phú Xuân Núi Tượng, đường 600B….

“Tính đến năm 2030, dự kiến huyện Tân Phú sẽ quy hoạch 848 dự án với diện tích gần 4.800 ha, trong đó có 359 dự án đường giao thông”, ông Ký thông tin.

Trong khi đó, tại huyện Trảng Bom, lãnh đạo UBND huyện cũng cho biết, đích tới của huyện đến năm 2030 sẽ lên thành phố. Đặc biệt, tới đây, huyện sẽ trở thành khu vực có công nghiệp, đô thị phát triển nhanh, người dân từ các nơi về sinh sống và làm việc sẽ tăng cao, do đó, việc đầu tư các tuyến đường sẽ tạo thuận lợi cho lưu thông, phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, việc mở ra các tuyến đường trên địa bàn cũng sẽ giúp cho huyện và cả tỉnh Đồng Nai khai thác các khu đất có lợi thế để có vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khác.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ