Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới - Bài 4: Những cú đòn chí mạng trong lĩnh vực tài chính

Nhàđầutư
Nếu như những đòn trừng phạt qua lại về thuế quan, hay trừng phạt công nghệ mang lại ảnh hưởng tức thời đến cho doanh nghiệp, người nông dân và người lao động ở hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, những lệnh cấm liên quan tới tài chính lại có tác động sâu xa hơn, và có tính quyết định chung cuộc.
THANH TRẦN-CHÍ THÀNH
28, Tháng 07, 2020 | 10:42

Nhàđầutư
Nếu như những đòn trừng phạt qua lại về thuế quan, hay trừng phạt công nghệ mang lại ảnh hưởng tức thời đến cho doanh nghiệp, người nông dân và người lao động ở hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, những lệnh cấm liên quan tới tài chính lại có tác động sâu xa hơn, và có tính quyết định chung cuộc.

https___s3-ap-northeast-1.amazonaws.com_psh-ex-ftnikkei-3937bb4_images_6_1_2_1_21861216-1-eng-GB_R20190725 Wall Street China flag_2048x1152

Ảnh minh họa.

LTS: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu nay luôn là một mối quan hệ phức tạp, tương hỗ và đầy tính lợi ích. Bên cạnh những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và cả chính trị, hai cường quốc này luôn tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng, khó có thể dung hòa.

Dù từng có nhiều giai đoạn có quan hệ kinh tế 'nồng ấm' với nhau, hai quốc gia này luôn có những nghi kỵ lẫn nhau, luôn cảnh giác về đối phương như một kẻ thù tiềm năng và cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương.

Những sự kiện như chiến tranh thương mại, 'dằn mặt' nhau ở Biển Đông gần đây hay cuộc khủng hoảng 'lãnh sự quán' đang diễn ra giữa hai nước là một tiến trình cạnh tranh tất yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt này liệu sẽ dẫn tới một trật tự kinh tế mới?

Loạt bài "Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới", được đăng tải bắt đầu từ 25/7/2020, trên nhadautu.vn hy vọng sẽ trả lời phần nào câu hỏi này. Kính mời bạn đọc theo dõi và ủng hộ.

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới - Bài 1: Quan hệ giữa hai quốc gia trước 'ngày kịch chiến'

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới - Bài 2: Cuộc chiến thuế quan 'chưa có hồi kết'

Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới - Bài 3: Cuộc chiến trên mặt trận công nghệ

***

Ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán tại Mỹ

Thượng viện hồi tháng 5 đã phê chuẩn dự luật có thể cấm nhiều công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán và kiểm soát của Washington.

Dự luật này được đề xuất bởi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Louisiana John Kennedy. Theo đó, các công ty cần phải xác nhận rằng họ không thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài. Mặc dù dự luật có thể được áp dụng cho bất kỳ công ty nước ngoài nào tìm cách tiếp cận vốn của Mỹ, song các nhà lập pháp nói rằng động thái tăng cường này chủ yếu nhắm vào Bắc Kinh. Nhà Trắng đã từ chối bình luận về vấn đề này.

iQiyri-Getty

iQiyri, một công ty công nghệ Trung Quốc trong ngày lên sàn Nasdaq. Ảnh Getty Images

"Đạo luật Kiểm toán các công ty cổ phần nước ngoài sẽ ngăn họ gian lận trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Chúng ta không thể để các mối đe dọa từ nước ngoài ảnh hưởng đến các quỹ hưu trí của người Mỹ", ông Kennedy, một thành viên của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, đã viết trên Twitter.

Cụ thể, nếu một công ty không thể đáp ứng các yêu cầu như vậy hoặc Hội đồng Giám sát Kế toán công ty không thể kiểm toán công ty trong ba năm liên tiếp để xác định rằng nó không thuộc quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài, thì cổ phiếu của công ty này sẽ bị cấm trên các sàn giao dịch quốc gia.

Việc thông qua dự luật nhanh chóng với sự đồng thuận cao đã phản ánh sự giận dữ ngày càng tăng giữa các nhà lập pháp Mỹ đối với Trung Quốc. Thậm chí, nhiều nhà quản lý Mỹ nói rằng các công ty của Trung Quốc đang coi thường các tiêu chuẩn công khai tài chính của Mỹ.

"Hy vọng, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để Trung Quốc thể hiện sự minh bạch trong kiểm toán đối với các công ty của mình", ông Clete Willems, cựu cố vấn thương mại của chính quyền Donald Trump, nói với CNBC.

Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) trong cả thập kỷ nay đã đấu tranh với chính phủ Trung Quốc để đòi quyền thanh tra việc kiểm toán các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên cho tới nay Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB) vẫn không thể truy cập vào các hồ sơ quan trọng này.

Tuần trước, Nhà Trắng đã chỉ đạo cơ quan phụ trách giám sát hàng tỷ USD tiền tiết kiệm hưu trí liên bang tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia cảnh báo rằng các kế hoạch đầu tư của cơ quan này "sẽ rót hàng tỷ USD tiền tiết kiệm cho các công ty rủi ro và đe dọa an ninh quốc gia".

Bộ trưởng Scalia cho biết Tổng thống Donald Trump lo ngại tiền tiết kiệm của viên chức liên bang – bao gồm cả giới quân nhân - có thể bị đem đi ủng hộ những doanh nghiệp bất đồng với lợi ích địa chính trị của Mỹ.

Hiện tại, SEC đang lên kế hoạch tổ chức 'hội nghị bàn tròn' để các công ty, các đơn vị kiểm toán, các nhà tư vấn và các bên khác thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc IPO của các công ty nước ngoài.

Dragon NY Stock

Các công ty Trung Quốc thích niêm yết trên thị trường tài chính Mỹ, nhưng chính phủ Trung Quốc thì không. Ảnh minh họa Getty Images

Mặc dù các công ty Trung Quốc thường ưa thích niêm yết ở Mỹ do uy tín của thị trường tài chính này, ông Fried cho hay Bắc Kinh không "thực sự thích thú" với duy trì thực trạng đó.

"Trung Quốc muốn xây dựng các sàn giao dịch riêng và họ sẽ hài lòng nếu Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải hoặc một sàn khác ở đại lục. Khả năng này có thể xảy ra nếu doanh nghiệp bị buộc hủy niêm yết tại Mỹ", ông Fried nói tiếp.

Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp lớn niêm yết tại thị trường quê nhà. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ theo kiểu của sàn Nasdaq (Mỹ) với tên gọi Sàn Cải tiến Công nghệ và Khoa học hay "Thị trường STAR".

Trong vài năm qua, thị trường tài chính Hong Kong cũng ra sức tăng sức hấp dẫn bằng cách cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết chéo. Ngoài ra, Hong Kong còn tạo điều kiện thông thoáng để các công ty công nghệ sinh học chưa có doanh thu hoặc lợi nhuận trở thành doanh nghiệp đại chúng tại đây.

Theo ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, thị trường Hong Kong được hưởng lợi từ những quy định mới, với nhiều tiền hơn chảy vào thị trường ở đó.

"Xu hướng này sẽ giúp duy trì và thu hút thêm dòng vốn vào thị trường Hong Kong trong thời gian dài và giúp củng cố thêm một cơ sở thương mại và đầu tư tại châu Á cho các công ty Trung Quốc", ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo hôm thứ Hai.

Tuy nhiên các công ty Trung Quốc có thể phải chịu đánh đổi một số lợi ích nhất định.

"Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, điều đó có nghĩa là mất một thương hiệu cao cấp khi được niêm yết ở Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ từ lâu đã được xem là minh bạch hơn nhiều so với thị trường khác. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư bán lẻ ở Mỹ, họ có thể có các phương pháp khác để có thể tiếp xúc với các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc", chuyên gia kinh tế từ EIU cho biết.

Xóa bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong 

Trong hai thập kỷ qua, khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Hong Kong đã khéo léo bồi đắp thêm vai trò trung gian của mình, để trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất toàn cầu, chỉ sau New York và London.

D.Trump AP

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong buổi tuyên bố sắc lệnh xóa bỏ tình trạng đặc biệt của Hong Kong. Ảnh AP

Trung Quốc đại lục có sự kiểm soát vốn rộng rãi và thường can thiệp vào hệ thống tài chính, trong khi Hong Kong là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới và là thị trường lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Do đó, các công ty quốc tế thường sử dụng Hong Kong làm trụ sở để mở rộng sang Trung Quốc đại lục.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sử dụng thị trường tài chính của Hong Kong để thu hút các quỹ nước ngoài. Ngoài ra, quyền truy cập vào hệ thống tài chính USD đang là chìa khóa để Trung Quốc tiếp tục mua các công ty nước ngoài mà không bị hạn chế tài chính tiền tệ.

Mỹ từ lâu đã có mối quan hệ đặc biệt với Hong Kong, mặc dù thành phố từng là thuộc địa của Anh và giờ là một phần của Trung Quốc.

Nước Anh, nơi ban đầu tuyên bố lãnh thổ tại Hong Kong trong các cuộc chiến tranh nha phiến, đã trao trả thành phố lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Sau đó, Bắc Kinh cam kết rằng Hong Kong sẽ giữ quyền tự trị cao độ dưới hình thức "một quốc gia, hai hệ thống".

Mặc dù là một phần của Trung Quốc, song Hong Kong vẫn hoạt động theo luật riêng bao gồm các quyền tự do kinh tế và dân sự vốn không thể tìm thấy ở Trung Quốc đại lục.

Trạng thái đặc biệt mà Washington dành cho Hong Kong cũng đã thể hiện rõ sự khác biệt này. Theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hong Kong năm 1992, Hong Kong được đối xử khác với Trung Quốc bởi luật pháp Mỹ khi nói đến các giao dịch tài chính, nhập cư và thương mại. Tình trạng này đã tạo điều kiện giúp giao dịch hàng năm giữa hai bên tăng lên khoảng 38 tỷ USD.

Với trạng thái đặc biệt, đồng USD có thể được chuyển đổi tự do với đồng HKD, khiến thành phố này trở thành một nơi đặc biệt hấp dẫn cho các công ty Mỹ để kinh doanh. Hong Kong hiện được hưởng nhiều ưu đãi về thương mại, nghĩa là chịu ít hoặc không áp dụng thuế quan và các chi phí khác. Ngoài ra, Mỹ và Hong Kong cũng đang được hưởng lợi từ việc miễn thị thực, giúp các nhà điều hành doanh nghiệp dễ dàng đến và đi.

Vào ngày 30/6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua dự luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong. Chiều tối cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin dự luật này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành thành luật.

HK secu law AP

Một người dân Hong Kong đi ngang qua biển quảng bá cho Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc cho Hong Kong. Ảnh AP

Để đáp trả Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật về Hong Kong. Đạo luật này nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc, cảnh sát Hong Kong bị cáo buộc có liên quan đến việc "phá hủy quyền tự do của Hong Kong", cũng như trừng phạt các ngân hàng thực hiện giao dịch liên quan đến các cá nhân này. Ngoài ra, đạo luật cũng tước trạng thái ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong.

"Không có chính quyền nào cứng rắn hơn với Trung Quốc so với chính quyền này. Từ giờ, chúng tôi sẽ đối xử với Hong Kong như với Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền nào, không có ưu đãi kinh tế đặc biệt nào, không có xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm", Tổng thống Donald Trump nói tại Vườn hồng Nhà Trắng.

Trước đó, Tổng thống Donlad Trump đã đe dọa sẽ hành động kể từ khi các quan chức Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong khoảng hai tuần trước. Việc Trung Quốc thực thi luật pháp cũng như phản ứng của các đối tác thương mại lớn có thể gây ra các tác động đáng kể đến nền kinh tế Hong Kong vốn đã bị vùi dập bởi nhiều tháng biểu tình chống chính phủ và hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Trung Quốc tuyên bố sẽ có các biện pháp đối phó mạnh mẽ và xử phạt các quan chức và thực thể của Mỹ theo luật pháp của Hong Kong. Điều này đã thúc giục Mỹ phải "sửa chữa những hành động sai trái của mình" và ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.

"Nếu Mỹ tiếp tục hành động như vậy, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể có liên quan từ Mỹ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong (một khu vực bán tự trị của Trung Quốc với hệ thống kinh tế và pháp lý riêng) khác với Trung Quốc trong thương mại, giao dịch và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump quyết định huỷ bỏ trạng thái đặc biệt, giờ đây Hong Kong sẽ bị đối xử giống như Trung Quốc đại lục.

Trong đó, sẽ bao gồm các áp đặt như: Loại bỏ các ưu đãi cho người mang hộ chiếu Hong Kong; Thu hồi giấy phép ngoại lệ cho một số mặt hàng xuất khẩu nhất định; Đình chỉ thỏa thuận dẫn độ của Mỹ với Hong Kong; Kết thúc các chương trình đào tạo cho cảnh sát và các thành viên dịch vụ an ninh; Chấm dứt chương trình trao đổi học giả Fulbright; Đe dọa trừng phạt đối với một số cá nhân; Tái phân bổ các vị trí tị nạn cho cư dân Hong Kong.

Mỹ hiện là quốc gia dẫn đầu trong việc chỉ trích luật an ninh quốc gia, được Trung Quốc ban hành ngay trước ngày kỷ niệm 1/7 của thành phố.

Ông Trump đã nhấn mạnh "điều luật gây tranh cãi của Trung Quốc" trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Phó Tổng thống Mike Pence đính kèm một bản sao của lệnh này và sau đó được Nhà Trắng đăng lên.

Tổng thống Mỹ viết rằng các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào bất kỳ ai liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc ép buộc, bắt giữ, giam giữ hoặc bỏ tù các cá nhân theo luật an ninh hoặc bất kỳ ai bị phát hiện chịu trách nhiệm hoặc liên quan đến việc phát triển hoặc thực hiện nó.

Bắc Kinh vô tội?

Một trong những phàn nàn, thậm chí kết tội Bắc Kinh từ phía Hoa Kỳ, cụ thể là từ chính Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính là việc Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ để tạo một lợi thế không công bằng cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

yuan-usd_Getty

Trung Quốc đang cố gắng phá bỏ sự độc tôn của đồng đô la Mỹ trên thị trường thanh toán quốc tế. Ảnh minh họa của Getty Images

Ở đỉnh điểm của cuộc chiến công nghệ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã gán cho Trung Quốc cái mác 'thao túng tiền tệ', lý do để ngay sau đó áp mức thuế quan mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng chính bộ này đã rút lại nhãn mác đó khi Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1.

Tuy nhiên tranh cãi về đồng nhân dân tệ một lần nữa lại bùng lên một lần nữa vào trung tuần tháng 7 vừa qua, khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm dây buộc xoắn của Trung Quốc được bán với giá thấp 'một cách giả tạo' ở Mỹ có được trợ cấp từ phía chính phủ Trung Quốc hay không?

Phía Mỹ đang điều tra các chương trình trợ cấp (của chính phủ Trung Quốc) thông qua việc giảm thuế, qua các hợp đồng cung cấp hàng hóa công cộng, các khoản tài trợ, các khoản vay ưu đãi, tất cả trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục tố cáo Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, hôm thứ Năm tuần rồi, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trên trang web của họ rằng: "Trung Quốc mạnh mẽ phản đối (những cáo buộc này). Tỷ giá nhân dân tệ đang ở mức cân bằng hợp lý và đồng nhân dân tệ không được định giá thấp". 

Cuộc điều tra về giá trị của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ được đưa ra sau khi công ty Bedford Industries của Hoa Kỳ  đệ trình khiếu nại vào ngày 26 tháng 6 bởi và Bộ Thương mại Hoa Kỳ dựa trên một quy tắc mới được công bố phối hợp với Kho bạc Hoa Kỳ vào tháng 2 để giải quyết các khiếu nại đó.

Chính phủ Trung Quốc cho biết đây là cuộc điều tra đầu tiên như vậy của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng Cơ quan Thương mại Quốc tế cho biết đây là kiến ​​nghị thứ hai của cáo buộc về việc đánh giá tiền tệ mà Bộ Thương mại đã nhận được kể từ tháng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, không có bất kỳ thông báo chính thức nào về một cuộc điều tra thứ hai.

Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng vấn đề về giá trị tiền tệ vượt quá thẩm quyền của một quốc gia trong việc tiến hành các cuộc điều tra đối kháng theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Hơn nữa, họ buộc tội rằng Bedford đã bỏ qua các chi tiết cần thiết trong đơn khiếu nại liên quan đến những lợi ích cụ thể mà các nhà sản xuất dây buộc xoắn của Trung Quốc nhận được dưới hình thức trợ giúp tài chính và trợ cấp.

Cuộc điều tra của Mỹ về tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ được đưa ra khi quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi hai phía xung đột về một loạt vấn đề, bao gồm đại dịch Covid-19, thương mại và công nghệ, tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và luật an ninh về Hong Kong.

Yuan USD rate Statista

Đồng nhân dân tệ ngày càng yếu so với đồng đô la Mỹ. Đồ họa của Statista

Để đối phó với Mỹ, Trung Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hạn chế sự phụ thuộc của mình vào đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc tách rời trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảnh giác hơn khi sử dụng đồng nhân dân tệ thay thế cho đồng đô la Mỹ.

Việc Washington quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tài chính Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc phát triển luật an ninh quốc gia mới của Hong Kong có thể đe dọa các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ thành một loại tiền tệ quốc tế.

Trong khi đó, một số người nói rằng các mối đe dọa từ phía Mỹ đã tăng thêm tính cấp bách cho mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ của Bắc Kinh, bằng cách thúc đẩy sử dụng quốc tế đối với đồng nhân dân tệ.

Sắc lệnh mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong theo luật pháp Hoa Kỳ, để đáp trả việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, đánh dấu một bước tiến tới trừng phạt tài chính của Mỹ đối với các quan chức và ngân hàng Trung Quốc đang có các liên hệ kinh doanh với Hoa Kỳ.

Điều này đã gây ra một áp lực đáng kể cho tình trạng không chắc chắn trong tương lai của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu và tác động mạnh tới kế hoạch quốc tế hóa nhân dân tệ của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết, Hong Kong là đầu cầu cho việc tiếp cận tiền tệ với các thị trường toàn cầu, thực hiện hơn 70% tổng các khoản thanh toán từ Trung Quốc ra bên ngoài.

Matt Gertken, nhà chiến lược địa chính trị tại công ty nghiên cứu vĩ mô BCA Research, cho biết cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gây ra sự nghi ngờ về giá trị của đồng nhân dân tệ và tính sẵn sàng của nó về mặt dài hạn, khiến các nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền tệ của Trung Quốc gặp trở ngại hơn rất nhiều.

Những thách thức địa chính trị trực tiếp từ Hoa Kỳ sẽ khiến các nhà đầu tư nhanh chóng cảnh giác với việc tăng mức độ tiếp xúc của họ với đồng nhân dân tệ.

"Washington đang chuyển hướng chú ý hơn đến việc kiềm chế sự gia tăng tài chính của Trung Quốc cũng như sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Nếu Mỹ muốn củng cố mối liên kết thương mại sâu sắc hơn với các nền kinh tế khác, các quốc gia này có thể không tham gia với Trung Quốc trong việc tạo ra một kiến ​​trúc toàn cầu để bỏ qua đồng đô la Mỹ", ông Gertken phân tích.

USD-Yuan-SCMP

Nhưng đường đến với vị trí một tiền tệ toàn cầu của đồng nhân dân tệ vẫn còn rất khó khăn. Ảnh SCMP

Trung Quốc đã tìm cách để truất ngôi đồng đô la Mỹ như một loại tiền tệ neo toàn cầu khi giá trị của đồng tiền này bốc hơi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới, xây dựng hệ thống thanh toán nhân dân tệ xuyên biên giới, ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với gần 40 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới và thúc đẩy ý tưởng về một loại tiền tệ có chủ quyền dựa trên về quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một đơn vị kế toán được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát triển và giới thiệu.

Tommy Wu, một nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho biết Trung Quốc vẫn muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ vượt ra ngoài biên giới, đặc biệt là giữa các quốc gia tham gia dự án 'Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc khởi xướng. Nhưng sự thèm khát đồng nhân dân tệ có thể suy yếu đi trong thời kỳ phân tách quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, nếu việc sử dụng đồng nhân dân tệ giảm đi, đó có thể là do quá trình phân tách Mỹ-Trung, khiến các nước khác buộc phải rời khỏi sự lệ thuộc tới Trung Quốc, ông Wu nói.

Nếu điều này ngày một nghiêm trọng, nó sẽ đồng nghĩa với việc tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ đi tụt lùi.

Tuy nhiên, mong muốn của Bắc Kinh trong việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ là ngày một rõ ràng và nước này đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận để tìm cách tăng cường việc sử dụng đồng nhân dân tệ như một phương án thay thế cho đồng đô la Mỹ.

Zhou Li, cựu phó trưởng ban của Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, mới đây viết rằng:"Đã đến lúc Trung Quốc phải tự tách mình khỏi đồng đô la Mỹ trước cuộc đối đầu toàn diện. Sau khi tận dụng lợi thế của đồng đô la, thì vị trí độc quyền toàn cầu của đồng đô la Mỹ đã tạo ra một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với sự phát triển hơn nữa của Trung Quốc".

Tuy vậy, ông này cũng thừa nhận đây là một cuộc chiến khó khăn để thách thức vai trò chi phối của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, vốn được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế, quân sự và thể chế của Hoa Kỳ và được củng cố bởi sự lựa chọn của các ngân hàng, thương nhân và nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ