Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới - Bài 1: Quan hệ giữa hai quốc gia trước 'ngày kịch chiến'

Nhàđầutư
Mặc dù luôn có quan hệ "đối thủ", Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng từng là những đối tác hàng đầu của nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy vậy, những đụng độ về mặt lợi ích ngày càng gay gắt đang khiến các quan hệ đối tác mang tính cộng sinh này đổ vỡ...
THANH TRẦN
25, Tháng 07, 2020 | 09:09

Nhàđầutư
Mặc dù luôn có quan hệ "đối thủ", Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng từng là những đối tác hàng đầu của nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy vậy, những đụng độ về mặt lợi ích ngày càng gay gắt đang khiến các quan hệ đối tác mang tính cộng sinh này đổ vỡ...

106536695-1589442230600gettyimages-1210097011

Ảnh minh họa.

LTS: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu nay luôn là một mối quan hệ phức tạp, tương hỗ và đầy tính lợi ích. Bên cạnh những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và cả chính trị, hai cường quốc này luôn tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng, khó có thể dung hòa. Dù từng có nhiều giai đoạn có quan hệ kinh tế 'nồng ấm' với nhau, hai quốc gia này luôn có những nghi kỵ lẫn nhau, luôn cảnh giác về đối phương như một kẻ thù tiềm năng và cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương. Những sự kiện như chiến tranh thương mại, 'dằn mặt' nhau ở Biển Đông gần đây hay cuộc khủng hoảng 'lãnh sự quán' đang diễn ra giữa hai nước là một tiến trình cạnh tranh tất yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt này liệu sẽ dẫn tới một trật tự kinh tế mới? Loạt bài "Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới", được đăng tải bắt đầu từ hôm nay, 25/7/2020, trên nhadautu.vn hy vọng sẽ trả lời phần nào câu hỏi này. Kính mời bạn đọc theo dõi và ủng hộ.

***

Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng kể từ khi hai nước chính thức bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào năm 1979. Kể từ đó đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Mỹ - Trung từ mức chỉ ở mức 5 tỷ USD vào năm 1980 đã tăng vọt lên mức 636 tỷ USD vào năm 2017.

Mỹ và Trung Quốc đã dần trở thành những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Trong năm 2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc với giá trị lên tới 506 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2016.

Thị phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc tại Mỹ đã gia tăng liên tục, từ mức chỉ 8,2% vào năm 2000 đã tăng lên mức 21,6% vào năm 2017, duy trì là đối tác xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ kể từ năm 2007 đến nay.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ (chiếm tỷ trọng hơn 8,4%, chỉ sau Canada và Mexico) với giá trị đạt hơn 131 tỷ USD trong năm 2017. Riêng ở lĩnh vực nông nghiệp thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ với giá trị 19,6 tỷ USD trong năm ngoái (trong đó mặt hàng đậu tương chiếm tỷ lệ 63%).

Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc về cơ bản không mang tính đối kháng mà bổ trợ cho nhau nhiều hơn.

Trung Quốc xuất sang Mỹ các mặt hàng mang tính tiêu dùng phổ thông, sử dụng nhiều lao động và nặng tính lắp ráp như điện thoại, hàng điện tử, hàng dệt may, da giày, đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, hàng tạp hóa, các sản phẩm chế biến gỗ… trong khi lại nhập từ Mỹ các mặt hàng nông sản trong nước không trồng được nhiều như các loại hạt (đậu tương, cao lương) hoặc các mặt hàng công nghệ cao như máy bay dân dụng (chủ yếu là Boeing), ô tô, chất bán dẫn, máy móc công nghiệp, dầu thô và khí thiên nhiên.

Về cán cân thương mại, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa rất lớn với Trung Quốc, từ mức 10 tỷ USD năm 1990 đã tăng mạnh lên mức 375 tỷ USD trong năm 2017. Mức thâm hụt với Trung Quốc cũng vượt xa so với các đối tác thương mại khác của Mỹ như Mexico (-71 tỷ USD), Nhật Bản (-69 tỷ USD), Đức (-64 tỷ USD).

Trung Quốc hiện với vai trò "công xưởng thế giới" đã và đang là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia Mỹ. Việc xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh có nguyên nhân rất lớn từ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất của các công ty đa quốc gia từ các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc trước kia sang Trung Quốc.

Vào năm 1990, Trung Quốc chỉ chiếm tỷ trọng 7,6% trong tổng lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ khu vực châu Á Thái Bình Dương nhưng tỷ lệ này đã tăng lên mức 55% vào năm 2017.

Về hoạt động đầu tư, cả hai nước đều có xu hướng gia tăng đầu tư lẫn nhau trong thời gian trước cuộc chiến thương mại. Trung Quốc đầu tư vào Mỹ dưới 3 dạng chính: mua trái phiếu chính phủ Mỹ, đầu tư vốn FDI và các khoản đầu tư phi trái phiếu.

Mặc dù Trung Quốc vẫn là nước nhận được FDI ròng lớn hơn trong quan hệ với Mỹ nhưng FDI của Trung Quốc rót vào Mỹ đang có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ các thương vụ M&A với các công ty lớn của Mỹ.

Trong năm 2016, dòng vốn FDI của Mỹ chảy vào Trung Quốc dưới dạng đầu tư dự án trực tiếp là 9,5 tỷ USD trong khi vốn FDI dưới dạng góp vốn mua cổ phần lũy kế đến cuối năm 2016 đạt 92,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, dòng vốn FDI dưới hai dạng trên của Trung Quốc chảy vào Mỹ lần lượt đạt 10,3 tỷ và 27,5 tỷ USD.

Căn nguyên của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ tin rằng, Bắc Kinh sẽ hướng đến nền kinh tế thị trường, phi tập trung và tôn trọng các quy định của WTO.

Tuy nhiên, từ khi chính thức được kết nạp, những lời hứa đó trở thành vô nghĩa vì Trung Quốc đi theo hướng hoàn toàn khác của định chế WTO là "hướng đến việc tạo điều kiện cho thương mại giữa các nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò của nhà nước bị hạn chế".

Nhờ đó, các công ty Trung Quốc đã tận dụng thời gian dài hàng chục năm được bảo hộ để tạo lập vị thế thống lĩnh tại thị trường nội địa, đồng thời có nhiều lợi thế hơn để tiến ra đầu tư ở nước ngoài.  

Chính quyền ông Trump nhiều năm nay đã luôn chỉ trích WTO thất bại trong việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hoạt động thương mại không công bằng. Phía Mỹ cũng cho rằng không nên đối xử Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - như một quốc gia đang phát triển.

Đại diện Thương mại Mỹ cáo buộc WTO và Cơ quan phúc thẩm của mình phán xét Mỹ có lỗi trong 90% các tranh chấp trình lên tổ chức này trước đó. Theo ông Lighthizer, bằng cách này, Mỹ bị đối xử như "kẻ lạm dụng thương mại lớn nhất thế giới" trong khi thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc rất lớn.

Điều này cũng được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 506 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu 131 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 375 tỷ USD.

Đáng lưu ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc liên tục tăng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (từ 100 tỷ USD năm 2001 lên 375 tỷ USD năm 2017). Chính quyền Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Trung Quốc đáp trả rằng để giảm thâm hụt thương mại, chính Mỹ cần tăng cường hoạt động xuất khẩu của mình.

Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa 2 nước trở nên gay gắt trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm trong khi Trung Quốc đang bộc lộ tham vọng dẫn đầu thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Năm 2015, Bắc Kinh thông qua kế hoạch "Made in China 2025", đưa Trung Quốc thành cường quốc chế tạo. Với mục tiêu này, Trung Quốc đề ra chính sách về công nghiệp, kế hoạch nâng cấp cơ sở sản xuất trong 10 lĩnh vực chiến lược, như: robot, chất bán dẫn, hàng không và các loại xe năng lượng mới… Mục tiêu chính là tự cung tự cấp, bao gồm các mục tiêu như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông.

Để đạt kế hoạch "Made in China 2025", Trung Quốc tập trung 2 mũi nhọn: tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước và tạo điều kiện tối đa cho các lĩnh vực nói trên phát triển; đầu tư, thu thập, cưỡng đoạt, đánh cắp công nghệ cao của các nước…

Vì thế, khi "Made in China 2025" đi vào thực thi, lập tức vấp phải nhiều chỉ trích của các doanh nghiệp nước ngoài; thậm chí, họ còn cho rằng kế hoạch này là biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước của Trung Quốc, mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc.

Phòng Công nghiệp và Thương mại EU nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc hỗ trợ sản xuất công nghệ cao sẽ làm các công ty nước ngoài bị đối xử tệ hơn, thậm chí đối mặt với sức ép phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, đồng thời cho phép các nhà phát triển trong nước được nhà nước hậu thuẫn cạnh tranh không công bằng.

Trong khi đó, Mỹ cũng đặc biệt quan tâm đến kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc. Báo cáo của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã nhắc đến hơn 100 lần cụm từ "Made in China 2025", không chỉ nhằm tiết lộ chi tiết các hoạt động thương mại gian lận của Trung Quốc, mà còn chỉ ra những toan tính mang tính cực đoan của chính phủ Bắc Kinh về kế hoạch này.

Không ít lần Tổng thống Donald Trump đã lên án Trung Quốc hoạt động thương mại không công bằng, cưỡng ép để chuyển giao hoặc đánh cắp công nghệ của Mỹ.

Vì vậy, đối với ông Trump, mục đích khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc không chỉ nhằm giảm thâm hụt mậu dịch, buộc nước này định vị lại "luật chơi" trên thương trường, mà sâu xa hơn chính là từng bước vô hiệu hóa kế hoạch chi phối các ngành công nghệ cao của Bắc Kinh theo "Made in China 2025", vốn có nguy cơ đe dọa an ninh, kinh tế và quân sự của nước Mỹ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ