Doanh nghiệp nhà nước đua nhau xin 'đặc cách' cổ phần hóa, thoái vốn

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xi măng, các doanh nghiệp lớn ở TP.HCM đang đua nhau xin giãn tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, hoặc áp dụng những 'đặc cách' phi thị trường.
ANH VIỆT
23, Tháng 10, 2018 | 14:27

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Xi măng, các doanh nghiệp lớn ở TP.HCM đang đua nhau xin giãn tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, hoặc áp dụng những 'đặc cách' phi thị trường.

PETROLIMEX

Petrolimex đang xin lùi thời hạn thoái vốn sang giai đoạn 2019-2020

Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin giãn thoái vốn nhà nước của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX).

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex nhấn mạnh rằng, Tập đoàn xin giãn tiến độ thoái vốn vì thị trường chứng khoán diễn ra không thuận lợi. Petrolimex xin lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tập đoàn này sang giai đoạn 2019 – 2020, thay vì triển khai trong năm 2018.

Còn một lý do khác là hiện nay công tác định giá doanh nghiệp rất phức tạp. Petrolimex có quỹ đất lớn ở nhiều địa phương, để hoàn tất việc định giá làm cơ sở chào bán chứng khoán ra công chúng không thể trong “ngày một ngày hai”.

Bên cạnh việc xin giãn thời hạn thoái vốn, Petrolimex cũng tiếp tục đề xuất được mở room ngoại cho Tập đoàn lên 49%, từ mức 20% vốn điều lệ, mặc dù trước đó Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có kết luận không nới room tại Petrolimex khi tập đoàn này gửi đề xuất lên cơ quan quản lý.

Trước đề xuất xin giãn thoái vốn của Petrolimex, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Tập đoàn cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thoái vốn trong năm nay, vì thị trường chứng khoán vẫn đang phát triển tốt.

Còn về kiến nghị nới room của Petrolimex, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các quy định pháp lý cũng như ý kiến gần nhất của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận là không tăng lên 49%, mà chỉ giữ ở 20%, vì thế không nên đề xuất lại vấn đề này.

Còn ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, nếu chỉ viện dẫn những trường hợp bán cổ phần ế ẩm mà Petrolimex đưa ra để “thuyết phục” giãn thoái vốn là không đầy đủ. Vì thực tế cho thấy, vẫn có không ít trường hợp thoái vốn, IPO thành công.

Vì sao trên thị trường có những đợt bán vốn thành công, có những đợt chào bán lại thất bại? Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những lý do là phải “mổ xẻ” cách thức thực hiện của những bên có liên quan.

Tổng công ty Xi măng đang trong quá trình tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa lại có đề xuất khá lạ.

Cụ thể, Tổng công ty mong muốn được sử dụng nguồn lực hiện có theo hướng bổ sung điều chuyển nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu giữa các công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước nhằm tăng năng lực tài chính và hiệu quả của các công ty này nói riêng và Tổng công ty nói chung.

Đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét để khi cổ phần hóa Tổng công ty, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, không thấp hơn 64% vốn điều lệ của Tổng công ty để đảm bảo giữ được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước đối với lĩnh vực xi măng trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, tổng công ty này còn đề xuất: Khi thực hiện cổ phần hóa, sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước chắc chắn sẽ tăng so với giá trị sổ sách kế toán đang theo dõi, dẫn đến việc bán cổ phần lần đầu không hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy, cho phép Tổng công ty căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp tại sổ sách kế toán để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu; cho phép được sử dụng số tiền thu được khi cổ phần hóa để thực hiện tái cơ cấu, bổ sung vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực của Tổng công ty.

Bình luận về những đề xuất này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, nếu doanh nghiệp cứ gặp khó khăn lại xin ưu đãi, đặc cách thì Nhà nước lấy nguồn lực ở đâu để xử lý?

Trong khi đó, câu chuyện điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM cũng đang gây nhiều tranh luận trong giới đầu tư.

Theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá theo từng năm (tại Công văn 991/CV-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ), năm 2018, cả nước có 64 doanh nghiệp phải cổ phần hoá thì riêng TP.HCM phải cổ phần hoá 39 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tới nay, Thành phố chưa triển khai cổ phần hoá được doanh nghiệp nào, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hoá của cả nước.

Tại cuộc làm việc với  Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về đẩy nhanh công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá và lộ trình thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020 cũng như sau năm 2020.

Cụ thể, thay vì phải cổ phần hoá 39 doanh nghiệp trong năm 2018, Thành phố sẽ cổ phần hoá 32 doanh nghiệp trong năm 2019 và cổ phần hoá 7 doanh nghiệp vào năm 2020. Sau năm 2020, sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp theo đúng tỷ lệ quy định tại Quyết định số 58 và Công văn 991 của Thủ tướng Chính phủ. 

(Theo Đầu tư chứng khoán)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ