Doanh nghiệp du lịch thời nCoV: Đau đầu giữ người hay cho nghỉ?

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch đang không có việc làm, nhiều nhân viên khách sạn phải nghỉ luân phiên, những người điều hành các công ty du lịch chịu sức ép khối lượng công việc nhiều hơn do giải quyết hệ quả từ dịch nCoV nhưng thu nhập lại sụt giảm so với trước đây.
ĐÀO LOAN
12, Tháng 02, 2020 | 08:27

Hàng loạt hướng dẫn viên du lịch đang không có việc làm, nhiều nhân viên khách sạn phải nghỉ luân phiên, những người điều hành các công ty du lịch chịu sức ép khối lượng công việc nhiều hơn do giải quyết hệ quả từ dịch nCoV nhưng thu nhập lại sụt giảm so với trước đây.

Dịch bệnh càng lan rộng, doanh nghiệp lại càng phải đương đầu với bài toán khó là cho nhân viên nghỉ bớt để giảm sức ép về quỹ lương, bảo hiểm xã hội... hay giữ "quân" để có thể làm ăn trở lại ngay khi bệnh dịch qua đi. Có thể nói, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) không chỉ làm giảm lượng khách du lịch, thiệt hại về doanh thu mà bắt đầu tạo nên những xáo trộn trên thị trường lao động ngành du lịch.

c3045_dn

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến tháng 1-2020, cả nước có 2.693 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Phần lớn là những công ty có quy mô vừa và nhỏ. Đồ họa: Đào Loan

Nghỉ việc, chạy tìm việc mới

Trao đổi với TBKTSG Online, một doanh nghiệp lữ hành lớn tại quận 1 (TPHCM) cho biết, trong những ngày gần đây bắt đầu nhận được đơn ứng cử của nhiều nhân viên từ những công ty lữ hành khác. Trong đó, có cả những người phụ trách trưởng, phó bộ phận. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc (tâm điểm của dịch bệnh) không biết khi nào được khống chế hoàn toàn và tình trạng sụt giảm khách liên tục của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, việc đảm bảo lương cho nhân viên hiện hữu đã là điều rất khó khăn nên công ty không dám nghĩ đến chuyện tuyển người.

Ở một số khách sạn, đặc biệt là ở Nha Trang, một số nhân viên đã phải nghỉ phép không lương. Có nơi, những người giữ vị trí cao như tổng, phó tổng quản lý đã phải nghỉ không lương vài ngày trong tháng, các trưởng bộ phận nghỉ ít ngày hơn, sau đó đến nhân viên. Trong một số đơn vị, các cấp quản lý đã đề nghị nhân viên nghỉ bù, nghỉ phép...

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng cho biết các doanh nghiệp thành viên đang xoay sở một cách chật vật để đảm bảo đời sống cho nhân viên trong thời kỳ dịch bệnh.

"Có thành viên còn nói nửa đùa nửa thật là giờ hết kham nổi, có thể phải liên hệ với Grab (xe ôm công nghệ) để cho nhân viên chạy thêm kiếm thu nhập," bà nói.

Vài ngày trước, bà Khánh cũng đã cho TBKTSG Online biết, TPHCM có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch nhưng phần lớn trong số này đang không có việc làm do sụt giảm khách.

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, thiệt hại do nCoV trong vòng 3 tháng tới sẽ rất lớn. Lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm từ 3,7 - 4,7 triệu lượt. Khách nội địa giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt. Sự sụt giảm này sẽ tác động rất lớn đến những người làm việc trong ngành du lịch. Trong đó, có hướng dẫn viên du lịch, sẽ không chỉ là hàng ngàn hướng dẫn viên ở TPHCM phải tạm thời "thất nghiệp" mà rất nhiều trong đội ngũ hướng dẫn viên lên đến hơn hơn 27.000 người của cả nước cũng gặp khó khăn tương tự.

1ea40_ks

Số lượng khách sạn trên cả nước trong vòng 5 năm qua. Đồ họa: Đào Loan

Giữ người hay cắt giảm?

Vấn đề giữ người hay cắt giảm nhân sự để bớt áp lực trong bối cảnh doanh thu sụt giảm như hiện nay đang làm đau đầu những người đứng đầu doanh nghiệp. Lựa chọn nào cũng đầy khó khăn. Doanh thu giảm sút, giữ lại thì không đủ tiền để trả lương còn cho nhân viên nghỉ tuy trước mắt có thể giúp cắt giảm chi tiêu (tiền lương, bảo hiểm xã hội) nhưng khi hết dịch sẽ không đủ người cho guồng quay của công việc. Thêm vào đó, việc tuyển nhân viên trong thời điểm sau khi qua đại dịch được dự báo sẽ rất khó khăn.

"Kinh nghiệm từ những đợt suy giảm khách như dịch SARS 2003 và khủng hoảng tài chính 2009 đều cho thấy việc tuyển nhân viên trở lại sau dịch hết sức khó khăn cho nên phải cân nhắc rất kỹ để lựa chọn," ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng quản lý của Khách sạn 4 sao Rosaka Nha Trang.

Theo ông, đây là thời điểm người quản lý khách sạn và nhà đầu tư phải bình tĩnh, có tầm nhìn xa để tính toán các chiến lược đối phó. Cho nhân viên nghỉ không lương hay nghỉ việc có thể giải quyết được những khó khăn tức thời nhưng về lâu dài khi khách quay lại thì lại phải tốn thời gian, chi phí để đào tạo lại tay nghề, chưa kể phòng ốc để lâu không có người chăm sóc sẽ hư hao.

"Có thể coi thời điểm vắng khách này là lúc để tu bổ lại cơ sở vật chất để khi thị trường phục hồi, khách sạn mọi thứ tốt nhất để đón khách," ông nói và cho rằng trong điều kiện khó khăn, doanh nghiệp và người lao động có thể cùng chia sẻ, có thể bằng cách như doanh nghiệp nguồn dự phòng để sử dụng còn nhân viên giảm một phần lương để chờ qua cơn dịch.

Một số doanh nghiệp cũng lo lắng sẽ không đủ người làm việc sau dịch nên đang cố gắng hết mức có thể để đảm bảo đời sống cho nhân viên trong lúc doanh thu giảm. Nhằm trấn an tinh thần người lao động trước thông tin liên tục về suy giảm, thiệt hại, có công ty đã thông báo là sẽ giữ ổn định thu nhập của nhân viên trong vòng 6 tháng tới. Sau đó, nếu thị trường vẫn suy giảm thì mới tính cách khác.

Có nhận định khác cũng cho rằng, việc suy giảm khách là điều không mong muốn nhưng có thể xem đây là một trong những mùa vắng khách để tranh thủ thực hiện những kế hoạch như đào tạo nhân sự, phát triển các dự án mới, nghiên cứu sản phẩm mới... Đây là những những việc cần làm nhưng lúc đông khách, mãi lo bận rộn với kinh làm nên không đủ thời gian thực hiện chu đáo.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho biết nhân viên của công ty vẫn làm việc bình thường và đang tập trung hơn cho những dự án mới. Tuy nhiên, cũng có nơi hiện không thể duy trì được điều này, không phải vì chủ doanh nghiệp không muốn hay muốn đổ khó khăn sang phía người lao động mà do sức chịu có hạn nên phải giảm lương hay cho một số nhân viên nghỉ việc...

"Điều này đặt ra vấn đề là cần phải có những gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh này để họ có thể vượt qua khó khăn," ông nói.

Chỉ tính trong mảng lữ hành, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, đến tháng 1-2020, cả nước có 2.693 doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng phần lớn đều là những công ty có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính có hạn nên rất dễ bị ảnh hưởng khi có sự cố.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ