Điểm sáng của SCB

Nhàđầutư
Lợi nhuận quý II giảm mạnh. Song hiểu ở góc độ tích cực, diến biến này cho thấy quá trình tái cơ cấu của SCB đang đi đúng hướng.
NGHI ĐIỀN
03, Tháng 08, 2018 | 06:46

Nhàđầutư
Lợi nhuận quý II giảm mạnh. Song hiểu ở góc độ tích cực, diến biến này cho thấy quá trình tái cơ cấu của SCB đang đi đúng hướng.

scb-nhadautu.vn

 

Mạnh tay trích lập nợ xấu

Theo báo cáo công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nửa đầu năm 2018 đạt doanh thu hợp nhất 8.748 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này có được nhờ tín dụng tăng mạnh 12% lên mức 295.709 tỷ đồng.

Cộng với đó, tốc độ tăng chi phí lãi thấp hơn (16,4%) giúp thu nhập lãi thuần của SCB tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên mức 1.664 tỷ đồng, con số cao kỷ lục nhiều năm trở lại.

Tuy nhiên báo cáo tài chính cho thấy chỉ tiêu lãi sau thuế trong Quý II chỉ là vỏn vẹn 36,8 tỷ đồng, bằng già nửa cùng kỳ năm ngoái (69,4 tỷ đồng).

Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực tế có phần trái ngược này? Câu trả lời là bởi SCB đã quyết liệt trích lập nợ xấu trong kỳ, ở mức 1.100 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 309 tỷ đồng Quý II/2017.

Luỹ kế từ đầu năm, SCB đã trích lập tới 1.852 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3,6 lần cùng kỳ và gần gấp đôi cả năm 2017.

Ở đây, có hai cách hiểu, hoặc SCB bắt buộc phải trích lập nợ xấu theo yêu cầu của cơ quan quản lý, hay với cách nhìn tích cực hơn, lãnh đạo nhà băng này đã không chọn phương án 'làm đẹp' báo cáo tài chính, mà đi thẳng vào vấn đề nhức nhối nhất của SCB - là xử lý nợ xấu.

Xét về quy mô tổng tài sản, SCB chỉ thua nhóm 'Big4' có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank), dù vậy hiệu quả kinh doanh lại duy trì ở mức thấp, kể từ trước thời điểm hợp nhất với Tín Nghĩa Bank và Đệ Nhất Bank (năm 2012), với lợi nhuận hàng năm chỉ vài chục đến trên dưới trăm tỷ đồng, chưa tương xứng với quy mô tài sản cũng như vốn điều lệ hơn 14.000 tỷ đồng.

Nút thắt 'nợ xấu'

Nguyên nhân lớn nhất là bởi khối nợ xấu rất lớn treo lơ lửng năm này qua năm khác. Nợ xấu cao kéo theo một thực trạng khác là thanh khoản mất cân đối. Bởi vậy, trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019, lãnh đạo SCB xác định bằng mọi giá phải cởi bỏ được 'nút thắt' này.  

Để thực hiện mục tiêu, SCB đã tích cực thu hồi nợ xấu, bán hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Đối với các khoản có thể xử lý được thì chủ động thoái thu từ VAMC, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng, đặc biệt đối với phát triển tín dụng mới.

Với một loạt biện pháp quyết liệt, SCB bắt đầu 'hái quả ngọt' trong năm 2017, với thanh khoản được cải thiện rõ rệt, dòng tiền từ hoạt động chính trở lại trạng thái dương sau giai đoạn 2014-2016 âm đến cả chục nghìn tỷ đồng.

Những cố gắng của SCB đã nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao từ Ngân hàng Nhà nước. Phát biểu trong ĐHĐCĐTN hồi tháng Ba đầu năm, ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN tại TP.HCM khẳng định mặc dù các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh còn thấp, song sức khoẻ của SCB năm 2017 đã vững hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tăng trưởng về tổng tài sản, vốn huy động, dư nợ tương đối khả quan so với mặt bằng chung.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 3/2018, Chủ tịch HĐQT SCB ông Đinh Văn Thành mong muốn cổ đông tiếp tục đồng hành, chia sẻ với những khó khăn và ủng hộ SCB. Theo ông Thành, dự phòng rủi ro của SCB tới cuối năm 2017 là khoảng 6.500 tỷ đồng và đều có tài sản bảo đảm tốt. Nếu xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm thì các khoản dự phòng này sẽ trở thành tài sản của SCB.

Kế hoạch năm 2018, SCB dự kiến thu lại 4.300 nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Báo cáo tài chính cho thấy trong nửa đầu năm, dư nợ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành đã giảm gần 3.900 tỷ đồng về còn xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Cũng trong kỳ, SCB đã mạnh tay nâng dự phòng trái phiếu đặc biệt thêm 1.500 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng.

Với những hành động quyết liệt như vậy, 'nút thắt' nợ xấu của SCB được kỳ vọng sẽ sớm tháo bỏ.

Đó là về xử lý nợ xấu, còn đối với chiến lược kinh doanh, SCB xác định năm 2018 là năm quan trọng trong đề án tái cấu trúc giai đoạn 2015-2019, với trọng tâm chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, tập trung phát triển mảng dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối...

Nửa đầu năm, SCB thu về hơn 800 tỷ đồng từ các hoạt động này với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số, đóng góp vào kết quả lãi trước thuế 125 tỷ đồng.

Nhiệm vụ nửa cuối năm

Với kế hoạch lãi trước thuế cả năm 224 tỷ đồng, SCB sau 6 tháng đã đi được hơn nửa chặng đường, và xem ra việc hoàn thành chỉ tiêu không quá khó khăn. Đặc biệt khi mà Ngân hàng vẫn còn khá nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng (kế hoạch năm là 17,8%, 6 tháng đầu năm là 12%).

Dĩ nhiên, như đã đề cập ở phần đầu, chỉ tiêu lợi nhuận không phải ưu tiên của SCB ở giai đoạn tái cơ cấu, mà là xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản và lành mạnh hoá cơ cấu tài sản.

Với các nhiệm vụ này, ban lãnh đạo SCB sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều. Dù đã thoái thu hàng nghìn tỷ đồng, song nợ xấu bán cho VAMC vẫn ở mức cao. Tốc độ tăng Tài sản có khác, trong đó gồm Các khoản phải thulãi, phí phải thu tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng tổng tài sản trong hai quý đầu năm (21% và 7,7%). Tính thanh khoản dù được cải thiện song còn bấp bênh, với dòng tiền thực thu từ thu nhập lãi là 13.847 tỷ đồng trong nửa đầu năm, chỉ nhỉnh hơn chi phí lãi thực trả (13.605 tỷ đồng) và thấp hơn nhiều thu nhập lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh (16.663 tỷ đồng).

Ngoài ra, tín dụng tăng nóng trong năm 2017 (20%) khiến Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm mạnh từ 11,3% về 9,83%, gần chạm ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước (9%).

Với áp lực về vốn tự có, SCB sẽ phải sớm hoàn tất các thủ tục, quy trình để nhanh chóng tăng vốn cổ phần từ 14.295 tỷ đồng lên 16.600 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

SCB là ngân hàng có thương hiệu, uy tín cùng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp. Nếu nhanh chóng vượt qua được khó khăn, SCB hứa hẹn sẽ trở thành 'ông kẹ' trong cuộc đua giữa các ngân hàng thương mại, vốn ngày càng căng thẳng và kịch tính.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ