Đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 4: Sóc Trăng và chiến lược phát triển trung tâm kinh tế biển

Nằm ở vị trí giao thoa giữa hai vùng sinh thái mặn - ngọt, với đường bờ biển dài trên 70km, có cửa Trần Đề thích hợp đầu tư cảng nước sâu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển từ nuôi trồng chế biến thủy, hải sản đến dịch vụ cảng, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo.
AN HÒA
03, Tháng 07, 2022 | 06:52

Nằm ở vị trí giao thoa giữa hai vùng sinh thái mặn - ngọt, với đường bờ biển dài trên 70km, có cửa Trần Đề thích hợp đầu tư cảng nước sâu, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển từ nuôi trồng chế biến thủy, hải sản đến dịch vụ cảng, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo.

Untitled

Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Ảnh: TL

Nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng vẫn đạt kỳ tích “năm thứ hai liên tiếp” dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Với diện tích nuôi trồng hơn 60.000ha, sản lượng gần 200.000 tấn/năm, ngành nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho hàng trăm doanh nghiệp. Trong đó có những doanh nghiệp có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn như Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Công ty TNHH Khánh Sủng, Công ty TNHH Tài Kim Anh, Công ty TNHH Kim Anh, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi…

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, ngành chế biến và xuất khẩu tôm là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đến 75% kim ngạch xuất khẩu của địa phương. “Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng đạt 1,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 1 tỷ USD. Với lợi thế vùng nguyên liệu còn có thể mở rộng, dư địa phát triển ngành này còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới”, ông Chiêu nhận định.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ lực của địa phương, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta lạc quan cho biết, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, mảng dịch vụ, gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch tại các quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu thực phẩm phục vục cho du khách tăng cao nên dự báo xuất khẩu tôm trong năm 2022 và năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng, đây sẽ là cơ hội để ngành tôm Việt Nam khôi phục mạnh mẽ sau đậi dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung, chế biến xuất khẩu tôm nói riêng có nhiều triển vọng nâng cao kim ngạch nếu các địa phương có quy hoạch tốt, phát triển theo chuỗi, cụm ngành hàng. Trong đó ngoài chế biến sâu các sản phẩm chính thì còn phải có cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm phụ, phế phẩm. “Đối ngành tôm, theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì chi riêng việc chế biến vỏ, đầu tôm cũng có thể mang lại giá trị hàng tỷ USD cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Tiến gợi mở.

Định hình trung tâm kinh tế biển

Theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chê biến nông-thủy sản; trung tâm công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

Với mặt tiếp giáp biển hơn 70km có cửa Trần Đề được xem là nơi thích hợp để phát triển cảng biển nước sâu, Sóc Trăng hội tụ đủ các điều kiên để vươn mình trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực.

Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh Sóc Trăng tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong vòng 5-10 năm tới Sóc Trăng sẽ là cửa ngõ ra biển của cả vùng ĐBSCL. Có được lợi thế này là nhờ vị trí cảng biển Trần Đề rất thích hợp để phát triển cảng nước sâu đặc biệt cho vùng. Nếu so sánh với cảng biển ở Bạc Liêu, Trà Vinh thì việc kết nối giao thông từ các tỉnh, thành lân cận về đây cự ly xa hơn, chi phí gom hàng tốn kém hơn so với phát triển cảng tại Trần Đề - Sóc Trăng. Mặt khác vị trí cảng Trần Đề cũng đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao, trong đó có nhà đầu tư về cảng biển của Hà Lan.

Cùng với đó, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua nguồn vốn 150.000 tỷ đồng phát triển cao tốc vùng ĐBSCL trong đó tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ kết nối đến cảng Trần Đề, cùng với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 2 tuyến cao tốc quan trong nhất tại vùng này. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua khoảng ngân sách hợ 8.000 tỷ đồng để xây dựng cầu Đại Ngãi - chiếc cầu cuối cùng trên tuyến quốc lộ 60. Khi các tuyến đường này được đầu tư hoàn chỉnh thì việc kết nối giao thông từ các tỉnh, thành trong vùng đến cảng Trần Đề sẽ rất thuận tiện.

Về hàng không, sân bay Cần Thơ thực chất cũng là sân bay của Sóc Trăng. Khi Quốc lộ 1 kết nối Sóc Trăng với sân bay này được nâng cấp mở rộng thì chỉ mất hơn 1 giờ di chuyển từ Sóc Trăng là ra đến sân bay. Về đường thủy, hàng hải, Sóc Trăng có 3 trục giao thông kết nối thuận lợi đẻ gom hàng về cảng Trần Đề là đường ven biển, ven sông Hậu và tuyến đường thủy từ TP.HCM về Cà Mau ngang qua tỉnh Sóc Trăng.

Với vị trí có hơn 70km tiếp giáp biển, tốc độ gió thích hợp để phát triển điện gió, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng trong thu hút dự án năng lượng sạch. Theo Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh, đến nay, tỉnh đã quy hoạch phát triển 20 dự án điện gió, đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng công suất 1.345MW, 2 dự án còn lại đang được xem xét để cấp chủ trương đầu tư.

Trong số 18 dự án có nhà đầu tư đã có 11 dự án đã khởi công xây dựng trong năm 2020 với tổng công suất là 496,4MW. Tính đến ngày 31/10/2021 (thời điểm hết hạn giá FIT), có 4 dự án đưa vào vận hành thương mại là nhà máy điện gió số 7, nhà máy điện gió Quốc Vinh (số 6), nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 (số 5) và nhà máy điện gió Hòa Đông 2 với tổng công suất của 4 nhà máy là 110,8MW (trong đó 2 dự án vận hành 100% công suất). “Khu vực ven biển và ngoài khơi thuộc tỉnh Sóc Trăng còn nhiều vị trí có thể phát triển điện gió, địa phương cũng đã có bước khảo sát ban đầu để quy hoạch bổ sung dự án điện gió, tuy nhiên, hiện nay vẫn phải chờ quy hoạch điện VIII được phê duyệt thì địa phương mới có cơ sở để đề xuất bổ sung dự án mới”, ông Thanh cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được, đồng thời tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã đề ra, tỉnh Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 trụ cột, đó là dịch vụ logistics, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo. “Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh tại địa phương địa phương đã đề ra 4 nhiệm vụ: đồng hành cùng nhà đầu tư trong nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư; giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính, xây dựng cơ bản và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động của dự án”, ông Trần Văn Lâu cam kết.

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ