'Dấu lặng' từ vụ tố cáo đưa hối lộ của Tenma Việt Nam

Thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư sao cho minh bạch của đất nước đã phần nào bị "hư hao" trước thông tin cáo buộc về một số cán bộ, công chức Việt Nam nhận hối lộ của Công ty TNHH Tenma Việt Nam.
LÊ HOÀNG
30, Tháng 05, 2020 | 09:37

Thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư sao cho minh bạch của đất nước đã phần nào bị "hư hao" trước thông tin cáo buộc về một số cán bộ, công chức Việt Nam nhận hối lộ của Công ty TNHH Tenma Việt Nam.

Sự việc diễn ra khi tình trạng cạnh tranh thu hút sự đầu tư từ các công ty công nghệ, tập đoàn đa quốc gia giữa các nước trong khu vực với Việt Nam được cho là đang gay gắt hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại và sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến một số nhà sản xuất Mỹ và nhiều nước khác có ý định dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác nhằm tránh bị phụ thuộc vào nguồn cung ứng ở nước nay. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến triển vọng và tiêm năng của các nhà đầu tư này.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cũng cho rằng hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Và đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch về.

Cũng tại cuộc hội nghị này, đại diện hiệp hội doanh nghiệp các nước ngoài như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... ở Việt Nam cũng đều đã khẳng định mối quan tâm của họ tới điểm đến đầu tư Việt Nam. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ còn đồng ý cho lập tổ công tác đặc biệt với một tư duy mới đề đón đầu cơ hội dịch chuyển đầu tư này.

Hiện còn quá sớm để đưa ra nhận định về cáo buộc một số cán bộ, công chức Việt Nam có liên quan đến việc nhận hối lộ của Công ty TNHH Tenma Việt Nam như các tờ báo của Nhật Bản đưa tin. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ thông tin Tenma Việt Nam hối lộ 25 triệu yen (hơn 5,4 tỉ đồng) cho một số cán bộ, công chức Bắc Ninh, đồng thời nhấn mạnh, nếu đúng sự thật thì phải xử lý nghiêm.

21a22_tenma

Công ty TNHH Tenma Việt Nam, khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: TL.

Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư

Nói về vu việc này TS. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng thông tin vụ việc này rất bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh doanh nghiệp các nước đang có kế hoạch rời bỏ hoặc dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp có ý định dịch chuyển nhà máy và đầu tư vào Việt Nam phải cân nhắc và xem xét lại.

Hiện tại vụ việc mới chỉ do phía Nhật Bản nêu ra, trong khi các cơ quan tại Việt Nam thì đang trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ, tuy nhiên, vụ việc lần này theo ông Lê Đăng Doanh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh trong nước.

Dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, việc nhận hối lộ hay nhận các khoản chi phí dưới gầm bàn là một trong những nhân tố gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế, "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư của đất nước mà đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua cũng lên tiếng phản ánh.

Trên thực tế, dù các doanh nghiệp thừa nhận tình trạng chi không chính thức như nói trên đã giảm liên tục trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức cao.

Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa

Dựa vào bảng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2019, trong đó xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên sự cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ do Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) công bố vào tháng 1 vừa qua, ông Doanh cho rằng Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. 

Cụ thể theo công bố của TI, năm 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng bốn điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Tổ chức hướng tới minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cho rằng, việc tăng bốn điểm là một chỉ dấu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0-100 của CPI, trong đó điểm 0 thể hiện cảm nhận mức độ tham nhũng cao nhất và 100 là mức độ tham nhũng thấp nhất, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều này cho thấy tình trạng tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.

Tương tự, theo bản báo cáo thường niên về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức là 53,6%. Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng dù con số này đã giảm nhưng còn đến hơn 50% số doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí không chính thức khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại.

Báo cáo của VCCI cho thấy, khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính doanh nghiệp gặp vướng mắc rất lớn, nhất là những thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy, chi phí không chính thức trong lĩnh vực này cũng lớn. Có 48% số doanh nghiệp FDI được khảo sát thừa nhận đã chi trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép xây dựng trong năm 2019. Đáng lưu ý, con số nói trên có thể chưa phản ánh đúng chi phí thực tế, bởi có khả năng các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí "lót tay".

Theo VCCI, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.

3f142_tenma_1

Nghi vấn công ty Nhật hối lộ công chức Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo tạm đình chỉ một loạt cán bộ để làm rõ. Ảnh minh họa: Dân Trí

Rất cần môi trường cạnh tranh lành mạnh

Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), tính minh bạch, khả năng đoán định và việc áp dụng nhất quán các quy định hải quan là những yếu tố chính khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia xem xét khi đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Tuy nhiên, Sách Trắng năm 2019 của EuroCham chỉ ra rằng việc một số nhân viên cơ quan Hải quan Cửa khẩu không được trang bị kiến thức đầy đủ về phương pháp xác định trị giá tính thuế hải quan đã khiến quá trình tham vấn giá không đạt hiệu quả. Điều này cũng khiến cho quy trình thông quan và xác minh bởi cơ quan hải quan tốn nhiều thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp thay vì trở thành một kênh hỗ trợ cải thiện tính tuân thủ của người kê khai trong tương lai.

Việc các doanh nghiệp không thể chắc chắn về khả năng cơ quan Hải quan chấp nhận các trị giá khai báo khiếncác doanh nghiệp khó lập kế hoạch tài chính. Điều này cũng tạo ra rào cản để thành lập một cơ chế tham vấngiá cởi mở và được ghi nhận lại một cách chính thức, tạo cơ hội cho một số cá nhân lợi dụng các vùng xám phápluật để giải quyết các vấn đề chưa được quy định rõ ràng bằng các khoản thu không chính thức từ người kê khai.

Theo những chuyên gia pháp luật và những chuyên gia kinh tế, môi trường cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay chưa lành mạnh, nhiều quy định không rõ ràng nên không ít doanh nghiệp nghĩ những hành vi “bôi trơn” để được việc.

Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng, chi phí không chính thức hoặc chi phí gầm bàn là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đáng quan ngại. Trong đó, thủ tục hành chính phiền hà là một trong các điều kiện dẫn đến các chi phí "lót tay". Theo vị chuyên gia này cải cách hành chính, cải cách bộ máy của Việt Nam chậm chạp so với yêu cầu, so với đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp.

Do đó, ông Doanh đề xuất cần phải minh bạch, giảm thanh tra - kiểm tra, giảm điều kiện kinh doanh, công khai và đẩy nhanh "số hóa", xây dựng chính phủ điện tử để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm rót vốn kinh doanh.

Quay trở lại vụ Công ty Tenma Việt Nam hối lộ số tiền hơn 5 tỉ đồng cho một số cán bộ tại Việt Nam để được miễn giảm gần 420 tỉ đồng, theo các chuyên gia kinh tế, việc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài có hành động hối lộ các quan chức trong nước - nếu đúng như lời tố cáo - thì đây không phải là lần đầu.

Khi đó, phía Việt Nam cũng đã có yêu cầu phía nước ngoài phối hợp để điều tra để xử lý đối với một số bộ phận, công chức, viên chức không thực thi đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình mà còn nhận hối lộ để làm lợi cho phía đối tác nước ngoài trong việc làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam.

Và theo ông Doanh, với trường hợp của Công ty Tenma Việt Nam lần này, phía Việt Nam cũng cần phối hợp với phía Nhật Bản điều tra làm rõ một cách nhanh gọn, thể hiện sự quan tâm của đất nước để xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) nhằm chấn an các nhà đầu tư khác. Từ đó có thể gạt bỏ những thành phần “sâu bọ” trong bộ máy công quyền giúp cho việc quản lý nhà nước tốt hơn, tránh thất thoát thuế cũng như các nguồn thu của ngân sách nhà nước. 

Tất nhiên, ở đâu vẫn cũng có chuyện hối lộ, tham ô nhưng chúng ta càng chống được nhiều, càng có nhiều biện pháp, hình thức răn đe cao hơn sẽ góp phần làm giảm sự việc tương tự xảy ra.

Trước nghi án của thông tin trên, trao đổi trên Dân Trí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Việc này rất quan trọng, về đối ngoại liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh; về đối nội đây là việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong hai lĩnh vực mà người ta nói là ăn vặt”.

Và theo giới quan sát hiện tượng tham nhũng được gọi là vặt này nhưng tác hại của nó không "vặt” mà là rất lớn cho đất nước, đáng chú ý là niềm tin của các nhà đầu tư hiện nay. Và có nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ