Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân đong lợi ích kinh tế

KHÁNH AN
14:48 20/09/2024

Các chuyên gia cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được bệnh thừa cân béo phì. Do vậy, việc tăng thuế cần được đánh giá kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập.

Toàn cảnh Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh Phạm Thắng.

Sáng 20/9, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tạp chí Nhà đầu tư và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", nhằm tạo diễn đàn góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt - một đạo luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội như: Góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; đồng thời góp phần ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất với một số mặt hàng chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…

Trước thực trạng nói trên, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự kiến, ngày 23/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.

“Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến hữu ích vào nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đặc biệt là về những nội dung cò ý kiến khác nhau”, ông Lê Thanh Kim nói.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại hội thảo. Ảnh Phạm Thắng.

Tại hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và tác động bất lợi từ bên ngoài, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như miễn, giảm một số loại thuế, phí; giãn hoãn các khoản nợ đến hạn; khơi thông nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp và giảm lãi suất ngân hàng, chưa nên điều chỉnh tăng thuế, kể cả tăng thuế TTĐB đối với doanh nghiệp ít nhất trong 2-3 năm tới.

“Việc tăng thuế TTĐB thời điểm hiện tại sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương”, GS. TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Tác dụng của thuế cho nước giải khát có đường trong việc hạn chế bệnh TCBP là chưa rõ ràng

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, căn cứ vào số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân béo phì (TCBP) tại thời điểm năm 2016 và 2024 (của Liên đoàn Béo phì thế giới - World Obesity Federation - WOF), có thể thấy việc đánh thuế đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh TCBP giảm xuống. Nói cách khác, tác dụng của thuế đường trong việc hạn chế bệnh TCBP là chưa rõ ràng.

Nguyên nhân khiến thuế cho nước giải khát có đường chưa chứng tỏ phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc hạn chế tình trạng TCBP ở các nước, là vì: (i) nước giải khát (NGK) có đường không phải là tác nhân duy nhất của căn bệnh TCBP. Theo WOF (2024), có 9 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh béo phì, trong đó, thực phẩm sản xuất công nghiệp (bao gồm cả đồ uống) là một trong số đó. Theo Tax Foundation (2023), do thuế đường có cơ sở rất hẹp, dẫn đến nguồn thu ngân sách không ổn định, không đủ lớn để trang trải cho những chương trình dài hạn vì mục tiêu sức khỏe của Chính phủ, khiến giảm hiệu quả chính sách thuế; bên cạnh đó thuế đường không trung lập, khách quan, dễ dàng dẫn đến thay thế NGK có đường bằng các sản phẩm khác, nhằm mục đích tránh thuế. Mặt khác, loại thuế này còn có tính thoái trào cao: người tiêu dùng thu nhập thấp phải trả một phần không cân xứng trong thu nhập khả dụng của họ cho NGK có đường so với người có thu nhập cao hơn (thường ở thành thị, nơi có mức độ tiêu dùng NGK nhiều hơn).

Để nâng cao tính hiệu quả của chính sách thuế trong việc hạn chế tình trạng TCBP, theo Tax Foundation (2023), thuế TTĐB đối với đồ uống có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2024, dù tỷ lệ mắc bệnh TCBP tăng từ 2,1% lên 3,6% và nằm trong số 14 nước có tỷ lệ TCBP thấp nhất thế giới (xếp thứ 179/192), nhưng tốc độ tăng TCBP ở nhóm dân số < 19 tuổi ở mức cao (tăng bình quân 5,7%/năm với nhóm < 5 tuổi, và 8,4%/năm với nhóm 5-19 tuổi), tỷ lệ mắc bệnh TCBP của trẻ em Việt Nam ở mức 19%, xếp thứ 108/192 quốc gia. Điều này cho thấy, bệnh TCBP tại Việt Nam tăng nhanh chủ yếu thuộc nhóm 5-19 tuổi, liệu việc áp thuế cao hơn có điều tiết được hành vi tiêu dùng của nhóm này vẫn là 1 dấu hỏi lớn?

Trong bối cảnh trên, Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm: (i) nâng cao nhận thức về tình trạng TCBP ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; (ii) tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh TCBP, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng TCBP ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; (iii) đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng TCBP ở trẻ em tại Việt Nam.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam, mặc dù Việt Nam có sự gia tăng nhanh về tỷ lệ TCBP ở trẻ em nhưng tỷ lệ TCBP ở người trưởng thành lại thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

Những lý do chính gây ra thừa cân béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết...

Như vậy có thể thấy có nhiều nguyên nhân gây nên TCBP, nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.

Thay vào đó, cần giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường, tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ. Đồng thời cần sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn. Ngoài ra cần tăng cường các hoạt động thể chất. Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.

TS. Nguyễn Ngọc Yến, Đại học Luật Hà Nội

Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Yến, Đại học Luật Hà Nội, hiện nay, chưa có số liệu thực tế từ các nước đã áp dụng biện pháp thuế cho thấy việc đánh thuế giúp làm giảm tỉ lệ thừa cân béo phì. Ngược lại, một số nước đã đánh thuế lên nước giải khát có đường (NGKCĐ) sau một thời gian áp dụng công cụ này có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà tăng qua các năm (Ấn Độ, Thái Lan, Chi-lê, Mexico, Bỉ, Phần Lan, Philipines, v.v.)

Đáng chú ý, nhiều quốc gia đã bãi bỏ chính sách thuế NGKCĐ sau một khoảng thời gian áp dụng do tính thiếu hiệu quả của biện pháp thuế này đối với TCBP và tác động tiêu cực đối với kinh tế xã hội. Ví dụ: Đan Mạch, California, Illinois (Hoa Kỳ), Na Uy...

Trong khi đó, nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp đánh thuế NGKCĐ nhưng thành công trong việc kiểm soát TCBP nhờ thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất. Ví dụ như Singapore, Nhật Bản, Đức...

Từ đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không phải là một biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát và giảm tỷ lệ thừa cân béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm.

Do vậy, cần xem xét lại việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB . Cách tiếp cận bền vững để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì cũng như các bệnh không lây nhiễm khác bao gồm tăng cường giáo dục, tuyên truyền, áp dụng các chính sách và khuyến khích người dân duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, cũng như tăng cường các hoạt động thể chất.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế nhấn mạnh việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế TTĐB (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng. Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1069,1 tỷ đồng. Nếu tăng thuế GTGT thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28,8 nghìn tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế GTGT thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc (như ngành mía đường) và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.

Xét về bản chất, mục tiêu chính của thuế là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, cơ sở kinh tế của thuế vẫn là sản xuất kinh doanh, do vậy việc áp thuế phải luôn tính đến các tác động tương quan đối với phát triển kinh tế, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tác động đối với các nguồn thu ngân sách khác. Ví dụ, việc tăng thuế TTĐB nếu có thể giảm tiêu thụ thì cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và dẫn đến nguồn thu tư thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm theo.

Đối với thuế TTĐB, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho NSNN, còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân. Tuy nhiên, như có ai đó đã từng nói, thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội. Thiết nghĩ, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan phối hợp cần bổ sung thêm thông tin, làm rõ lý do, cơ sở khoa học và bằng chứng xác đáng về việc sử dụng nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml là nguyên nhân gây nên tình trạng TCBP ở trẻ em Việt Nam; làm rõ trên thế giới có bao nhiêu nước đã áp dụng, bao nhiêu nước đã áp dụng thành công hay không thành công, rồi từ bỏ việc áp thuế này. Bên cạnh đó, các thông tin mà đại diện Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, các cơ quan báo chí truyền thông đã nêu ra tại các cuộc Hội thảo, đề nghị được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Một thực tế cũng rất cần được xem xét là giá đồ uống có đường (Nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml, hiện tại còn rất rẻ (nếu không muốn nói là quá rẻ) so với giá bán đồ uống truyền thống như nước cam, nước mía, nước dừa. Vì vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng không nên mất thời gian tranh luận nhiều về tác động có hại của loại đồ uống này đối với sức khỏe người dân bởi các bên liên quan đều dẫn ra các nguồn thông tin có xu hướng ủng hộ cho quan điểm của mình. Xin hãy quay trở về bản chất, vai trò của sắc thuế TTĐB, với chức năng chính là tạo nguồn thu cho NSNN và quyền đánh thuế thuộc về nhân dân mà người đại diện là Quốc hội, vậy nên chăng đề xuất áp loại thuế này vì yếu tố tương quan giá cả như vừa nêu chắc chắn không mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tuy nhiên lại có thể có tác động lớn đối với các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tiềm lực tài chính dồi dào nên khi nghĩa vụ tài chính tăng lên thì sẽ không có khả năng chống chịu và có thể bị phá sản. Vì vậy, nếu có tính đến thời gian cần thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị thì nên có quy định lộ trình, ví dụ đến năm 2030 Việt Nam mới áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt này.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Minh Thủy-Trưởng phòng, Ban pháp chế VCCI cho rằng với tất cả các chính sách cần có quan điểm tiếp cận, tức là phải đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, có chọn lọc thực tiễn thực tế, quốc tế.

Về việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào tính thuế TTĐB cần phải có đánh giá cẩn trọng. Bộ Tài chính đã có tiếp thu ý kiến tuy nhiên mặt hàng bổ sung đợt này là nước đường với lý do đưa ra là để chống lại thừa cân béo phì, song chưa đủ căn cứ và cần cân nhắc.

Theo bà Phan Minh Thủy, việc đánh thuế này chưa chắc giảm tỷ lệ TCBP tại Việt Nam, cũng chưa có đánh giá cụ thể như kinh nghệm quốc tế, hiệu quả áp dụng ở các nước, việc đánh thuế chưa có căn cứ rõ ràng, chưa công bằng do mới chỉ tập trung vào đồ uống đóng chai có sẵn còn những sản phẩm như trà sữa, cafe thì không. Việc đánh thuế này cũng ảnh hưởng đến tính hài hòa trong cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, chính sách này tác động tiêu cực đến toàn ngành đồ uống, bởi doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm chuyển đổi nhưng doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn.

"Chúng tôi chưa thấy rõ các mô hình, kịch bản đánh thuế sẽ thay đổi hành vi người tiêu dùng, thay đổi tình trạng buôn lậu, hàng giả như nào? Vì vậy, đề nghị phải có đánh giá kỹ hơn về lộ trình cụ thể", bà Thủy nói.

Về hiệu quả của thuế, TS. Nguyễn Văn Phụng cho rằng cần so sánh tiền thuế thu được và chi phí bỏ ra (tiền lương, nhân công, hệ thống). Khi chi phí nhiều mà tiến thuế ít thì không hiệu quả, nên nghiên cứu cụ thể hơn, cần làm rõ cơ sở khoa học về tác dụng của thuế TTĐB. Với điều kiện như Việt Nam bây giờ, thì cá nhân tôi đánh giá thuế chưa hiệu quả trong 2-3 năm tới, dù về lâu dài đánh thuế là hợp lý.

Về phần mình, ông Đinh Ngọc Minh-Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến. Nguyên lý đánh thuế thì đúng và thế giới cũng đánh thuế như vậy. Cần thuế để điều chỉnh hành vi xã hội.

"Tôi thấy về mặt khoa học thì đường sinh ra béo phí, thì cần đánh thuế, nhưng rõ ràng đánh thuế đường hay nước giải khát có đường. Việt Nam tiêu thụ gần 1 triệu tấn đường, bao gồm nhà máy Việt Nam và các nước lân cận. Cần có thuế để thu được ngân sách", ông Minh nêu ý kiến.

Cần lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập

Ông Lương Xuân Dũng- Chánh văn phòng Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam kiến nghị cần xem xét lại cơ chế chính sách về TTĐB, có nên bổ sung nước giải khát có đường hay không?. Bên cạnh đó, mỗi lần thay đổi luật, cần tính về tính khả thi, lâu dài, công bằng. Ví dụ, Việt Nam chưa có số liệu khảo sát thực tế về tiêu thụ đường. Giả sử 1 triệu tấn đường thì cần tính % cho ngành nước giải khát, trong khi phần còn lại không tính thuế TTĐB, thì cần xem xét tính công bằng. Liệu rằng tính khả thi của thuế TTĐB như nào. Nhiều nước cũng chứng minh là tiêu thụ đường cao nhưng họ không đánh thuế TTĐB hoặc đã đánh thuế rồi bỏ. Việt Nam cần xem xét để tránh ảnh hưởng hoạt động SXKD của doanh nghiệp.

Việc áp thuế TTĐB với NGK có đường cần thỏa mãn việc liệu có giảm tỷ lệ béo phì, tính công bằng. Thực tế, có nhiều hàng quán không kiểm soát được và giới trẻ có xu hướng thích trà sữa-đây là mặt hàng không quản lý được. Vậy tăng thuế TTĐB với nước giải khát thì có đánh được thuế xu hướng này không để đảm bảo mục tiêu y tế.

Chính sách này ảnh hưởng lớn tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp, khi người tiêu dùng giảm chi tiêu còn doanh nghiệp tăng chi phí. Chưa kể cơn bão Yagi gây ảnh hưởng với nhiều doanh nghiệp, ngập lụt khiến cho đình trệ sản xuất, cạn kiệt nguồn lực của doanh nghiệp. Khi khó khăn, tăng thuế sẽ tăng giá, mà khiến cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm quản lý được và chuyến sang tiêu thụ đồ đường phố không kiểm soát, gây ra nguy cơ. Khảo sát cho thấy 49% sẽ chuyển sang các sản phẩm đường phố.

"Thời điểm này chưa nên đưa nước giải khát có đường vào chịu thuế TTĐB", ông Lương Xuân Dũng nói.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phúc- Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Heineken là một trong những đơn vị bị tác động trực tiếp khi đưa nước giải khát có đường vào chịu thuế TTĐB. Về đề xuất thuế TTĐB thì cả ngành bia cho rằng đề xuất thuế hiện tại là sốc, không có tiền lệ, và ảnh hưởng không tích cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của toàn ngành.

"Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân, môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích. Hiện tại, Heineken đánh giá thuế TTĐB ảnh hưởng lớn, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập", ông Nguyễn Thanh Phúc nhấn mạnh.

Thứ nhất, cần có nghiên cứu chuyên sâu về tác động KTXH của thuế TTĐB. Với phương án 2 tăng thuế mạnh thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách. Việc giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng nhiều ngành khác như ăn uống, du lịch đêm, từ đó làm xói mòn nguồn thu Việt Nam.

Về đường cong Khaldun-Laffer, thì thuế cần phù hợp, khi mà nhiều nước đã đánh thuế, thấy không phù hợp, và bỏ thuế.

Heineken kiến nghị để tạo điều kiện cho các ngành phục hồi, nên giữ thuế nguyên trong 2026, tăng thuế từ 2027, nên tăng không quá 2 năm/ lần, mỗi lần 5%, hướng tới tối đa 80%. Về giảm tiêu thụ cồn, thì có rủi ro về kinh tế bất hợp pháp, như các người tiêu dùng chuyển sang sử dụng là không rõ nguồn gốc và trồn thuế.

Về biểu thuế TTĐB, thì bia dưới 5% cồn thì phải chịu thuế 65% ngang với các loại rượu mạnh. Điều này không hợp lý. Để thúc đẩy công nghệ, thì Heineken đề xuất thuế >75% cho bia cồn > 15%, giữ nguyên thuế bia cồn < 5%.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng- Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát chia sẻ, ngay từ khi soạn thảo và chưa áp thuế thì doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng vì từ sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã bị nghi ngờ có hại cho sức khỏe.

Theo đại diện Tân Hiệp Phát, chuỗi lợi ích sẽ bị ảnh hưởng nếu 1 sản phẩm tăng giá 10% trong khi lượng đường chỉ là 1 lượng nhỏ. Điều này cũng ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng, chắc chắn doanh thu sẽ bị giảm. Do vậy phải đánh giá kỹ tác động, trong bối cảnh độ trễ ảnh hưởng do COVID-19 vẫn còn. Ban soạn thảo phải có báo cáo cụ thể về việc uống nước có đường ảnh hưởng đến béo phì như thế nào, thông qua thuế 10% thì liệu tổng thu có tăng không?.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Việt Hà- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết doanh nghiệp rất băn khoăn, lo lắng về các điểm mới về dự thảo luật lần này đặc biệt là việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc đưa nước giải khát vào đối tượng đánh thuế TTĐB chưa thật sự thuyết phục, chưa trả lời được câu hỏi liệu có thay đổi hành vi người tiêu dùng không? Có giảm tỷ lệ TCBP không? Bài toán thu ngân sách đưa ra đã đầy đủ chưa khi mới chỉ tính thuế TTĐB chưa tính đến thuế GTGT? Nếu coi đường là nguyên nhân gây ra TCBP nhưng nếu chỉ đánh thuế 1 nhóm sản phẩm có đường (nhóm rất nhỏ) thì liệu việc đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB có hiệu quả không? Nếu không hiệu quả cần tìm giải pháp khác.

Về phần mình, bà Hương Vũ- Phó Ban hỗ trợ Doanh nghiệp VAFIE/ Chuyên gia Thuế cho rằng đối với rượu bia, cần phân tích về ảnh hưởng sức khỏe, cần có lộ trình hài hòa để tránh khó khăn của doanh nghiệp.

Về thuế TTĐB nước giải khát có đường, thì trước Covid-19 đã có các ý kiến. Giờ đã có cập nhật là 5g/100 ml. 10% thuế TTĐB là bé so với ngân sách. Có thể Bộ Tài chính không quan tâm lượng thu thuế, mà quan tâm nhiều về sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì sức khỏe thì để có thể thuyết phục doanh nghiệp và quốc hội về ảnh hưởng sức khỏe thì cần ý kiến nghiên cứu khoa học cụ thể. Quan trọng nhất là Bộ Y tế cần có nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề này.

  • Cùng chuyên mục
Rủi ro từ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Rủi ro từ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Các chuyên gia cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước ngọt cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội.

Tài chính - 20/09/2024 15:35

Nỗi thất vọng mang tên cổ phiếu EVF

Nỗi thất vọng mang tên cổ phiếu EVF

Cổ phiếu EVF của EVN Finance mất giá 38% sau 6 tháng. Kiểm toán lưu ý về các khoản cho vay và đầu tư dài hạn của công ty.

Tài chính - 20/09/2024 13:56

Chủ đầu tư Landmark 60 Bason liên tục báo lỗ

Chủ đầu tư Landmark 60 Bason liên tục báo lỗ

Nửa đầu năm 2024, Công ty TNHH Capitaland Tower báo lỗ ròng 38,2 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2022 và 2023, công ty lỗ lần lượt 755 triệu đồng và 2.682,6 tỷ đồng.

Tài chính - 20/09/2024 08:43

Ngân hàng hỗ trợ khách hàng bão lũ nhưng không để lợi dụng

Ngân hàng hỗ trợ khách hàng bão lũ nhưng không để lợi dụng

Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn sau bão lũ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị ngành ngân hàng nhanh chóng vào cuộc nhưng phải minh bạch, không để lợi dụng chính sách…

Tài chính - 20/09/2024 07:00

Vì sao LPBank muốn chi chục nghìn tỷ mua cổ phần FPT?

Vì sao LPBank muốn chi chục nghìn tỷ mua cổ phần FPT?

Giá cổ phiếu tăng mạnh kéo vốn hoá của LPBank tăng gấp đôi từ đầu năm lên hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên tham vọng vươn tầm của ban lãnh đạo nhà băng này dường như chưa dừng lại ở đây.

Tài chính - 20/09/2024 06:30

Động lực từ Fed là chưa đủ?

Động lực từ Fed là chưa đủ?

Dù đón nhận thông tin tích cực từ Fed, song tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong bối cảnh phiên 19/9 và 20/9 liên tục có những sự kiện lớn là ngày đáo hạn phái sinh, và 2 quỹ đầu tư tái cơ cấu danh mục.

Tài chính - 20/09/2024 06:30

Cổ phiếu Kosy bất ngờ giảm hết biên độ

Cổ phiếu Kosy bất ngờ giảm hết biên độ

Cổ phiếu KOS của CTCP Kosy giảm sàn xuống 37.300 đồng/CP trong phiên sáng 19/9 với thanh khoản tăng mạnh.

Tài chính - 19/09/2024 13:19

Chuyển động TTC AgriS hậu đổi Chủ tịch HĐQT

Chuyển động TTC AgriS hậu đổi Chủ tịch HĐQT

TTC AgriS đã có những thay đổi ở nhân sự Ban Tổng Giám đốc sau khi bà Đặng Huỳnh Ức My lên làm Chủ tịch HĐQT. Lãnh đạo mới cam kết đạt mốc 60.000 tỷ đồng doanh thu vào 2030.

Tài chính - 19/09/2024 10:30

Fed giảm lãi suất 0,5%

Fed giảm lãi suất 0,5%

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm % xuống còn 4,75-5%/năm.

Tài chính - 19/09/2024 06:58

Lợi nhuận chững lại, PNJ tăng tốc mở cửa hàng

Lợi nhuận chững lại, PNJ tăng tốc mở cửa hàng

Lợi nhuận PNJ trong 2 tháng gần đây ghi nhận giảm so với các tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Công ty tăng tốc mở cửa hàng nâng số lượng lên 414 tính đến cuối tháng 8.

Tài chính - 19/09/2024 06:30

Nút thắt ký quỹ cho khối ngoại được gỡ, chứng khoán tiến gần đến mục tiêu nâng hạng

Nút thắt ký quỹ cho khối ngoại được gỡ, chứng khoán tiến gần đến mục tiêu nâng hạng

Công ty chứng khoán là đơn vị thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và phải có đủ tiền để thực hiện giao dịch.

Tài chính - 18/09/2024 18:23

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay vốn với lãi suất chỉ 1,2%/năm

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay vốn với lãi suất chỉ 1,2%/năm

Các doanh nghiệp có thể vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) với mức lãi suất ngắn hạn là 1,2%/năm. Nếu vay trung hạn và dài hạn, mức lãi suất sẽ là 4,4%/năm.

Tài chính - 18/09/2024 17:55

Kiểm toán nhà nước điều chỉnh kế hoạch, phương án kiểm toán tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Kiểm toán nhà nước điều chỉnh kế hoạch, phương án kiểm toán tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Kiểm toán nhà nước đang nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán theo hướng rút ngắn thời gian, cắt giảm phạm vi, đơn vị được kiểm toán

Tài chính - 18/09/2024 17:01

Loạt doanh nghiệp mạnh tay chia cổ tức bằng tiền

Loạt doanh nghiệp mạnh tay chia cổ tức bằng tiền

Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã công bố phương án chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao, thậm chí lên đến hàng trăm phần trăm.

Tài chính - 18/09/2024 14:36

Nhóm Âu Lạc nắm hơn 4.000 tỷ đồng cổ phiếu ACB

Nhóm Âu Lạc nắm hơn 4.000 tỷ đồng cổ phiếu ACB

Với hơn 166,3 triệu cổ phiếu ACB vừa mua, Âu Lạc đã đánh dấu sự trở lại tại Ngân hàng TMCP Á Châu. Ước tính theo thị giá đóng phiên 17/9 của cổ phiếu ACB, tổng cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

Tài chính - 18/09/2024 10:30

Nửa nghìn tỷ phải thu của Everland

Nửa nghìn tỷ phải thu của Everland

BCTC nửa đầu năm 2024 của CTCP Tập đoàn Everland (Everland - HoSE: EVG) cho thấy những điểm sáng tích cực.

Tài chính - 18/09/2024 08:09