Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cấp 3.500 tỷ ngân sách cho Agribank - 'cho ra ở riêng thì cũng phải cho nó ít vốn'

Thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Agribank mặc dù là một đứa con đẻ 100% vốn nhà nước nhưng khi ra ở riêng thì chưa cấp được đồng nào, chưa có một nồi, niêu, xoong, chảo nào cho nó.
ĐÌNH VŨ
11, Tháng 06, 2020 | 13:22

Thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Agribank mặc dù là một đứa con đẻ 100% vốn nhà nước nhưng khi ra ở riêng thì chưa cấp được đồng nào, chưa có một nồi, niêu, xoong, chảo nào cho nó.

Ngày 10/6, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Đa số ý kiến đều đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank. Tuy nhiên, xung quanh đó cũng có một số băn khoăn liên quan tới thời điểm và nguồn dùng để cấp vốn cho ngân hàng 100% vốn nhà nước này.

Chia sẻ quan điểm về việc bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn cho Agribank, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: "Agribank là 1 trong 4 đứa con cấp tín dụng lớn của Nhà nước, gắn liền chặt chẽ với nông dân, nông thôn. Mặc dù là đứa con đẻ 100% vốn nhà nước nhưng khi ra ở riêng thì Agribank chưa được cấp đồng nào, chưa có một nồi, niêu, xoong, chảo cho nó.

"Chúng ta thấy rằng, cho con người ra ở riêng cũng phải có một chút gì đó, phải nói một cách đơn giản là như vậy. Nay Chính phủ đề nghị vấn đề này, tôi cho rằng đây là một trong những đề nghị rất đáng phải suy nghĩ", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Agribank

Vẫn còn nhiều tranh cãi từ phía các đại biểu Quốc hội về phương án tăng vốn và thời điểm tăng vốn của Agribank

Đồng quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để chi bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 3.500 tỷ đồng.

Theo ông Ngân, việc chi bổ sung vốn cho Agribank mang lại một số lợi ích sau: Góp phần tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho một ngân hàng thương mại theo Hiệp định Basel II; tăng sức chịu đựng của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động bất thường; giúp ngân hàng tăng khả năng huy động vốn, mở rộng được tín dụng. Quan trọng hơn cả đây không phải là chi tiêu dùng mà là khoản chi đầu tư, mà đã đầu tư là phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Đầu tư vào Agribank có hiệu quả, ngân hàng cổ phần hóa thì ngân sách sẽ thu hồi vốn được", ông Ngân nói.

Bổ sung vốn cho Agribank - đây có phải thời điểm thích hợp?

Tuy đa số các ý kiến đều đồng thuận với đề xuất của Chính phủ để tăng vốn cho Agribank nhưng vẫn có đại biểu băn khoăn đặt vấn đề đây có phải thời điểm thích hợp? Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu cho rằng, thực tiễn là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn mà bây giờ lại phải dùng nguồn từ tăng thu và tiết kiệm chi của năm 2019 để bổ sung vốn vào Agribank thì có hợp lý không?

Đại biểu cũng đặt vấn đề là tại sao không dùng giải pháp khác như nhà nước có thể giảm tỷ lệ sở hữu tại Agribank xuống còn 80% như các NHTM nhà nước khác để tăng vốn cho Agribank.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội cho rằng, hiện nay chỉ duy nhất có Agribank được xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước. Còn một số ngân hàng còn lại đang được xem xét theo hướng hoặc là tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài. Để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của chính sách thì cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cho một ngân hàng thương mại, không phải là việc thay đổi một chính sách. 

Báo cáo Quốc hội 4 năm về trước, vào tháng 10/2016, Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và tại thời điểm đó thì quan điểm của Chính phủ nêu rất rõ là đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải tự cân đối nguồn vốn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã đưa quy định này vào Nghị quyết số 25 về việc không dùng ngân sách để tăng vốn cho các NHTM. Nay Chính phủ lại đề xuất một phương án ngược lại.

"Chính phủ cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các NHTM tại Nghị quyết 25 và nêu rõ quan điểm là có cần thiết hay không cần thiết việc phải dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước", bà Mai lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt trong việc đề ra các giải pháp để các ngân hàng tăng vốn điều lệ, nhưng có lẽ tính toán của chúng ta không dự báo hết được các khả năng. Ví dụ như liên quan đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trong nước, ngân hàng thì vẫn không làm được, thậm chí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang bế tắc, không tháo gỡ được mà trong đấy có vấn đề về đất đai.

"Tôi biết Agribank không cổ phần hóa được cũng vì do liên quan giải quyết tài sản, liên quan đến đất đai. Có thể nói là cách làm, cách điều hành chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank theo Luật Ngân sách có phải nhiệm vụ cấp bách?", đại biểu này đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Agribank trong việc tăng vốn. "Tôi nghĩ Quốc hội sẽ đồng thuận việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp. Tuy nhiên về trách nhiệm bây giờ cứ như thế này, rõ ràng không thể nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trách nhiệm của Agribank trong việc chủ động để đảm bảo vốn điều lệ, tăng vốn điều lệ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này như thế nào?"

Đại biểu đề xuất nên ban hành một Nghị quyết riêng để quy định rõ về trách nhiệm, giám sát, thực thi, kiểm tra, đôn đốc việc tăng vốn cho Agribank, tránh tình trạng thất thoát, nợ xấu của ngân hàng những năm trước đây. "Đã dùng ngân sách nhà nước thì phải bảo toàn, kinh doanh phải có lãi. Không giám sát, kiểm tra, không nêu rõ trách nhiệm thì Quốc hội quá tạo điều kiện cho ngân hàng này", đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, liên quan tới cổ phần hóa Agribank, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng yêu cầu Chính phủ phải xác định rõ lộ trình và tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở Agribank sau cổ phần hóa là bao nhiêu phần trăm.

Trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết:

Ngay từ đầu nhiệm kỳ chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Agribank. Nhưng Agribank là ngân hàng duy nhất nhà nước sở hữu 100% vốn, mà tiến trình cổ phần hóa cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, cho nên cần thiết phải có nguồn vốn ngân sách nhà nước để tăng vốn. Tới đây khi cân đối lại và bố trí kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 5 năm tới thì Chính phủ cũng sẽ phải báo cáo Quốc hội để có những quyết định phù hợp liên quan đến việc sử dụng ngân sách để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về phương án cổ phần hoá Agribank để tăng vốn, Thống đốc cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo triển khai các biện pháp để cổ phần hóa Agribank theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Agribank là ngân hàng quy mô quá lớn. Về mạng lưới, địa bàn có trên 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, số lượng tài sản nhà đất rất lớn. Hiện nay vẫn còn một số cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Chính vì vậy, NHNN chưa thể ban hành được quyết định cổ phần hóa Agribank. Tới đây NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để có phê duyệt về cơ sở nhà đất làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo về cổ phần hóa.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ