Cổ phiếu phân bón tăng trần sau thông tin Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu Urê

Nhàđầutư
Triển vọng doanh nghiệp phân bón sáng hơn trong nửa cuối năm khi giá Urê phục hồi và nhu cầu trong nước lẫn thế giới cải thiện khi giá nông sản lên cao.
MỸ HÀ
08, Tháng 09, 2023 | 13:23

Nhàđầutư
Triển vọng doanh nghiệp phân bón sáng hơn trong nửa cuối năm khi giá Urê phục hồi và nhu cầu trong nước lẫn thế giới cải thiện khi giá nông sản lên cao.

IMG_4469

 

Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu Urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Nguyên nhân có thể là để hạn chế nguồn cung và tăng chi phí cho nông dân ở những quốc gia chuyên nhập khẩu phân bón như Ấn Độ.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ Urê hàng đầu thế giới. Do vậy, lệnh tạm ngưng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung và đẩy giá phân bón toàn cầu tăng cao. Theo dữ liệu Trading Economics, giá phân urê kỳ hạn đã vượt qua mức 450 USD/tấn trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 1.

IMG_4468

Diễn biến giá urê trong 1 năm qua, nguồn: TradingEconomics

Trước thông tin này, ngay khi mở cửa phiên ngày 8/9, hàng loạt cổ phiếu phân bón tăng trần. Cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ tăng hết biên độ 2.600 đồng lên 40.450 đồng/cp, DCM của Đạm Cà Mau tăng 2.200 đồng lên 33.850 đồng/cp. Đồng thời, 2 cổ phiếu này cũng đang có dư mua trần hàng triệu đơn vị. Một vài cổ phiếu khác cũng tăng trần hoặc sát trần như DGC, LAS, DHB, DDV…

Trong nửa đầu năm, diễn biến giá Urê giảm mạnh, có lúc rớt xuống dưới 300 USD/tấn đã khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp phân bón giảm sâu.

Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) báo cáo doanh thu thuần 6 tháng giảm 37% xuống 6.243 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 90% xuống 355 tỷ đồng. Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần giảm 25% xuống 6.286 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 79% xuống 542 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá bán sản phẩm urê giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ảm đạm hơn, Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp 39 tỷ đồng và lỗ ròng 480 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do giá urê và NH3 trong nước liên tục giảm mạnh theo giá thế giới, cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị sản xuất phân bón trong nước và hàng nhập khẩu. Giá bán bình quân sản phẩm urê giảm 44% và NH3 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn giữ ở mức cao, nguồn than trong nước luôn trong tình trạng thiếu hụt, giá than tăng 35% đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.

Mặc dù sản lượng tăng nhưng giá bán giảm đã khiến doanh thu thuần của DAP Vinachem (UPCoM: DDV) nửa đầu năm giảm 10% xuống 1.551 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 99,7% xuống chưa đến 1 tỷ đồng.

Sau khi về dưới 300 USD/tấn thì giá Urê từ đầu tháng 7 bắt đầu phục hồi lại và bật tăng mạnh sau thông tin Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu. Ngoài ra, giá loại phân bón này phục hồi cũng nhờ hoạt động mua mạnh từ khu vực Trung Đông khi các trang trại chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Giá khí đốt ở châu Âu và Mỹ cũng tăng trở lại làm tăng chi phí đầu vào của phân bón.

Bộ phận phân tích Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá nguồn cung Urê trên các thị trường đang bị siết chặt. Tại khu vực Đông Nam Á, số lượng nhà máy tại Malaysia, Indonesia và Brunei giảm công suất vì nhiều lý do khác nhau khiến lượng xuất khẩu nhỏ giọt. Ai Cập, Algeira, Trung Á, Bắc Phi cắt giảm sản lượng mạnh do thiếu hụt nguồn khí tự nhiên. Khu vực Biển Đen cũng trở nên căng thẳng sau khi thỏa thuận hành lang ngũ cốc chấm dứt. Trong khi đó, nhu cầu tại các nước chủ lực như Ấn Độ và Brazil đang tăng mạnh. Quý III thường không phải là giai đoạn cao điểm nhưng các quốc gia vẫn đang phải đẩy mạnh thu mua do lo ngại giá Urê sẽ tiếp tục tăng cao.

Với thị trường trong nước, Chứng khoán BIDV cho biết giá Urê giảm về mức thấp 9.000 – 9.500 đồng/kg, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, song đã tăng 15% tính từ cuối tháng 6 nhờ giá thế giới tăng và nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng. Giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm để bắt kịp đà tăng của giá thế giới. Nhu cầu tiêu thụ cũng cải thiện nhờ nhu cầu trong vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, giá phân bón giảm về mức thấp trong khi giá gạo neo ở mức cao đã cải thiện khả năng chi trả của người dân.

Ngoài ra, giá phân bón phục hồi cũng có thể giúp doanh nghiệp hưởng lợi nhờ đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho giá cao. Trong báo cáo thăm doanh nghiệp gần đây, Chứng khoán KB cho biết lãnh đạo Đạm Phú Mỹ thông tin đã tiêu thụ hết hàng tồn kho giá cao trong nửa đầu năm. Công ty sẽ giảm thiểu áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong nửa cuối năm và cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp.

Đạm Phú Mỹ cũng thông tin các nhà máy phân bón Việt Nam đang có công suất khoảng 2,6 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu trong nước khoảng 2,2 triệu tấn/năm. Do vậy, về dài hạn, doanh nghiệp định hướng đẩy mạnh xuất khẩu hơn.

Xuất khẩu phân bón Việt Nam 7 tháng đầu năm giảm 15% về khối lượng và giảm 45,8% về kim ngạch với lần lượt 942.576 tấn và 391 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu Campuchia thị phần 36%, Maylaysia với 6%.

Chứng khoán BIDV kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm so với mức nền thấp nửa đầu năm nhờ Ai Cập – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất Urê và Ấn Độ - thị trường nhập khẩu phân bón lớn trên thế giới có động thái tăng nhập khẩu cho mùa vụ cuối năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ