Có nên 'mở' cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện?

Nhàđầutư
Trong năm 2019, nhiều nhà máy phát điện phải giảm phát tới 60% công suất vì hệ thống truyền tải không theo kịp. Trước thực tế này, bài toán xã hội hoá đầu tư theo hình thức PPP với đường dây truyền tải điện được đặt ra.
NGUYỄN THOAN
27, Tháng 11, 2019 | 16:21

Nhàđầutư
Trong năm 2019, nhiều nhà máy phát điện phải giảm phát tới 60% công suất vì hệ thống truyền tải không theo kịp. Trước thực tế này, bài toán xã hội hoá đầu tư theo hình thức PPP với đường dây truyền tải điện được đặt ra.

Sáng nay(27/11), Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn”. Nổi bật lên trong nội dung hội thảo là đề xuất nhìn nhận lại quy định “nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện”.

hoi-thao-nang-luong

hội thảo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn”

Cụ thể, Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải....”. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về “hoạt động truyền tải” bao gồm cả hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải hay chỉ bao gồm hoạt động quản lý, vận hành các thiết bị, tài sản truyền tải.

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội vào ngày 7/11/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ý kiến, "Luật Điện lực có nêu Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư. Phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cái này".

Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu đầu tư phát triển nguồn lưới điện hiện nay ở nước ta rất lớn. Sơ bộ đánh giá, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD/1 năm, trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện. Việc huy động vốn được cho là khó khăn và chính là nguyên nhân chậm trễ của nhiều dự án.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc giải phóng công suất, nguồn điện tái tạo ở nhiều địa phương hiện nay còn rất khó khăn do việc đầu tư đường dây truyền tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ. Đây cũng là một hạn chế cần phải tìm rõ nguyên nhân. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện than và khí ngày càng ngày càng lớn nên Việt Nam hiện đang nhập than làm nhiên liệu.

Cũng tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội về vấn đề quy hoạch điện năng lượng tái tạo và những vướng mắc trong giải toả công suất. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong năm tới.

Theo kế hoach, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư này, EVN khó lòng đáp ứng được áp lực về tài chính. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải.

Nên hiểu thế nào về "độc quyền truyền tải"?

Chia sẻ thực tiễn doanh nghiệp đang gặp phải để thấy rõ nhu cầu bức thiết trong việc xã hội hoá truyền tải điện, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, do đường dây truyền tải không đủ công suất đáp ứng nhu cầu cung cấp điện của các doanh nghiệp trong tỉnh, nên đã gây thiệt hại lớn cho nguồn thu của tỉnh với con số thiệt hại lên tới 500 tỷ đồng.

Theo đó, ông Hậu đề xuất cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia vào khâu đầu tư truyền tải điện. “Điểm nghẽn hiện tại của Ninh Thuận chính là đường dây truyền tải điện, trạm điều hoà đường dây 500kV. Tỉnh đề xuất các dự án truyền tải điện ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP, các nhà đầu tư sẽ bỏ vốn để xây dựng hệ thống truyền tải, sau đó chuyển giao cho tập đoàn EVN quản lý”, ông Hậu nói.

Cùng với đó, ông Hậu cho biết, hiện nay đã có nhà đầu tư xin được tham gia đầu tư hệ thống truyền tải với cam kết xây dựng xong trong vòng 6-8 tháng để tháo gỡ nút thắt truyền tải điện của Ninh Thuận.

Chia sẻ với những “bức xúc” từ phía doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đồng thuận với các nhà đầu tư có mong muốn chung tay với Tập đoàn để xây dựng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải chính, truyền tải quốc gia thì vẫn phải do EVN đảm nhận, còn các điểm đấu nối từ hệ thống chính tới các nhà máy thì có thể do tư nhân làm.

Ông Tài Anh ví von hệ thống truyền tải như một chiếc xương cá, EVN sẽ làm hệ thống xương sống, là cột trụ, còn các công ty tư nhân có thể tham gia vào những nhánh xương nhỏ, 2 bên xương sống.

Phó Tổng giám đốc EVN cũng chia sẻ thêm, đến tháng 6/2020 Tập đoàn và Bộ Công thương sẽ hoàn tất các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt. Và về mặt nguyên tắc thì muốn làm gì cũng phải dựa trên quy hoạch chung của lưới điện quốc gia.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng cho rằng, chúng ta chỉ nên tư nhân hoá hệ thống truyền tải từ điểm đấu nối tới nhà máy phát điện như lâu nay chúng ta vẫn làm. Còn việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia thì "không ai có thể và nên được làm ngoài EVN".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25155.00 25161.00 25461.00
EUR 26745.00 26852.00 28057.00
GBP 31052.00 31239.00 32222.00
HKD 3181.00 3194.00 3300.00
CHF 27405.00 27515.00 28381.00
JPY 159.98 160.62 168.02
AUD 16385.00 16451.00 16959.00
SGD 18381.00 18455.00 19010.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18134.00 18207.00 18750.00
NZD   14961.00 15469.00
KRW   17.80 19.47
DKK   3592.00 3726.00
SEK   2290.00 2379.00
NOK   2277.00 2368.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ