Chuyện tăng vốn của VietCapital Bank

Nhàđầutư
Vốn điều lệ đúng bằng mức pháp định 3.000 tỷ đồng đã được VietCapital Bank duy trì từ năm 2011 đến nay.
NGHI ĐIỀN
04, Tháng 06, 2018 | 15:25

Nhàđầutư
Vốn điều lệ đúng bằng mức pháp định 3.000 tỷ đồng đã được VietCapital Bank duy trì từ năm 2011 đến nay.

vietcapital-bank

 VietCapital Bank vẫn chưa thể tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2016

Với tổng tài sản 36.978 tỷ đồng tới cuối tháng 1/2018, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank - VCCB) là nhà băng "bé hạt tiêu" nhất trên thị trường xét ở khía cạnh này. Nguyên nhân chính là vốn điều lệ đúng bằng mức pháp định 3.000 tỷ đồng khiến VCCB khó lòng mở rộng quy mô hoạt động, mua sắm công nghệ, tuyển dụng nhân sự, vốn rất cần thiết trong bối cảnh thị trường "buôn tiền" cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Tăng vốn gần như là điều kiện bắt buộc với các ngân hàng thương mại để mở rộng quy mô, cải thiện năng lực và đáp ứng chuẩn Basel II. 

Tuy vậy, VCCB gần như không có động thái nào về việc tăng vốn. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua cũng không đề cập đến nội dung này.

Trên thực tế, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của VCCB đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, thông qua phát hành 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1. Tuy nhiên một báo cáo của VCCB gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giữa năm 2017 cho biết Ngân hàng chưa thể tiến hành tăng vốn vì nhu cầu góp vốn mới của cổ đông lớn và các cổ đông khác là không khả quan; phương án tăng vốn điều lệ trình Ngân hàng Nhà nước theo đó không thể hoàn thành.

Mức vốn 3.000 tỷ đồng được duy trì trong suốt 7 năm qua. Trong quá khứ, VCCB từng khá "chật vật" để đạt được con số này. 

VCCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Gia Định được thành lập năm 1992 ở TP.HCM. Giai đoạn 2007-2011, Gia Định Bank liên tục phải tăng vốn để đáp ứng đuy định về vốn điều lệ (tối thiểu 3.000 tỷ đồng), cơ cấu cổ đông theo đó liên tiếp thay đổi.

Sau các đợt tăng vốn từ 322,6 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong hai năm 2007-2008, Vietcombank cùng công ty quản lý quỹ của mình nắm tới 34,1% vốn của Gia Định Bank (trong đó Vietcombank 15,1%, VCBF 19%), hai cổ đông lớn còn lại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, 7,1%) và Nam Á Bank (5,2%).

Tuy nhiên Vietcombank cũng như Saigonbank không gắn bó lâu với Gia Định Bank. Sau đợt tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng trong các năm 2010-2011, hai ngân hàng "quốc doanh" này đã thoái hết vốn cho các nhà đầu tư mới. Cổ đông lớn nhất của Gia Định Bank vào lúc này là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (13,62%), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tín Phát (12,2%) và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (8,16%). 

Tổng cộng, ba cổ đông kể trên tới cuối năm 2011 sở hữu 33,98% vốn của Gia Định Bank. Tỷ lệ này có thời điểm lên tới 42,76% (cuối năm 2010). 

Cùng với sự xuất hiện của chủ sở hữu mới, các vị trí trong ban quản trị và điều hành cũng được thay thế. Cuối năm 2011, Gia Định Bank được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank). Cái tên Bản Việt trước đó được biết đến nhiều với CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) - một trong những công ty chứng khoán quy mô nhất thị trường. Nhiều lãnh đạo từ VCSC cũng nhanh chóng kiêm nhiệm nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại VCCB.

Năm 2011, năm đầu tiên hoạt động với dàn lãnh đạo mới, tên gọi mới, tổng tài sản của VCCB tăng gấp đôi lên 16.968 tỷ đồng. Trong đó, chứng khoán đầu tư tăng nhanh hơn 4.300 tỷ đồng lên 5.774 tỷ đồng, thông qua các hợp đồng mua trái phiếu chính phủ, kỳ phiếu ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm 400 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH TM DV Đầu tư Đại Phát, 300 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Chứng khoán Bản Việt, 250 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Chứng khoán Beta hay 50,7 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Bất động sản Bản Việt.

Hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu mua của 4 doanh nghiệp kể trên đều không có tài sản đảm bảo. 

Các khoản phải thu cũng tăng gần 1.100 tỷ đồng lên 1.167 tỷ đồng. Trong đó hơn 600 tỷ đồng dành để mua hai lô đất 419 Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân) và 245/61B Hoà Bình (Q. Tân Phú), 245 tỷ đồng tạm ứng mua trái phiếu tại CTCP Chứng khoán Bản Việt, 111 tỷ đồng phải thu CTCP Chứng khoán Bản Việt từ hợp đồng bán cổ phiếu chưa niêm yết và 100 tỷ đồng tạm ứng mua trái phiếu tại CTCP Chứng khoán Beta.

Các khoản phải thu hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp tương tự được duy trì nhiều năm sau đó và chiếm tỷ lệ tương đối trong cơ cấu tổng tài sản của VCCB. Đồng thời, nhà băng này cũng ghi nhận sự chuyển dịch đáng chú ý trong cơ cấu khách hàng, mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp bất động sản.

Tỷ trọng cho vay theo ngành xây dựng, bất động sản của VCCB tăng nhanh từ 28,34% cuối năm 2010 lên 53% cuối năm 2015 trước khi giảm về 43% cùng kỳ 2016, cao nhất trong số 35 ngân hàng thương mại đang hoạt động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ