Chuyển đổi số: Động lực phục hồi và phát triển hậu COVID

GS.TS NGUYỄN XUÂN THẮNG
08:24 30/01/2022

Dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự kiến nhưng rồi sẽ qua đi, còn chuyển đổi số đã và đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sẽ trở thành một xu hướng bao trùm, không thể thiếu của phục hồi kinh tế sau đại dịch, là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

chuyen-doi-so-1457

Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang số hóa mọi quy trình từ quản lý, vận hành đến sản xuất kinh doanh. Danh Lam/TTXVN

Trong nguy có cơ

Trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn thì vẫn có những ngành tìm thấy cơ hội để phát triển.

Cơ hội đó phần nhiều có được từ chuyển đổi số. Nếu như đại dịch COVID-19 là thách thức đối với nhân loại 100 năm mới xảy ra một lần thì chuyển đổi số mang lại cơ hội thay đổi cho nhân loại chưa từng có tiền lệ trong khoảng 100 năm nay.

Công nghệ 4.0 khởi nguồn và hội tụ những nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số; đại dịch là một cú sốc lớn, nhưng đúng là “trong nguy có cơ”, đây lại là một sức ép tích cực vì việc vượt qua đại dịch đã góp phần đẩy nhanh quá trình đó. Đại dịch đã làm thay đổi thói quen, chuyển đổi trạng thái của người dân trong mua sắm và tiêu dùng từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.

Thích ứng với yêu cầu giãn cách xã hội, các dịch vụ giao nhận cung cấp lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu tận tay người tiêu dùng đã phát triển mạnh. Những phương thức giao dịch như internet banking, mobile banking, ví điện tử và việc không dùng tiền mặt giờ đây đã trở nên khá phổ biến. Những dịch vụ và công nghệ đó đã ra đời từ lâu, nhưng rõ ràng thị hiếu và thói quen của người dân vốn không dễ thay đổi trước đây đã đổi mới rất nhanh trong bối cảnh có sự bùng phát của dịch COVID-19.

Muốn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, dứt khoát chúng ta phải dựa vào công nghệ. “5K + vaccine + công nghệ + thuốc đặc trị + ý thức của người dân” là tấm lá chắn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Công nghệ dựa trên nền tảng chuyển đổi số đã đem đến những sự hỗ trợ cần thiết cho người dân theo phương châm: sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất có thể. Ví dụ, khi các bệnh viện trở nên quá tải, người dân đã có thể sử dụng các ứng dụng di động thông minh để nhận tư vấn trực tuyến, hoặc đặt lịch hẹn với bác sỹ, nhân viên y tế đến chăm sóc, phát thuốc điều trị tại nhà.

Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong môi trường an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, khắc phục khó khăn để bứt phá. Doanh nghiệp nào tiếp cận được nhiều khách hàng qua nền tảng trực tuyến sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã bị tổn thương nặng nề; và chuyển đổi số, do vậy, không chỉ là liều thuốc để chữa lành các vết thương đó mà còn là đòn bẩy để phục hồi và tăng trưởng. Có những công nghệ chỉ vài năm trước chúng ta tưởng ở rất xa xôi, nhưng giờ đây doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm chủ.

Chuyển đổi số giúp đẩy nhanh xây dựng một nhà nước kiến tạo và nền hành chính công hiệu quả, giảm thủ tục trung gian và sự phiền nhiễu để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Cùng với việc vận hành cơ sở dữ liệu công dân, các dịch vụ công trực tuyến không chỉ đem đến sự tiện lợi cho người dân mà còn giúp tăng cường minh bạch hoá và hạn chế tiêu cực, lãng phí. Những thủ tục như thuế, hải quan trước đây nếu làm trực tiếp phải chờ hàng ngày, thì nay triển khai qua mạng chỉ phải chờ có vài chục phút hoặc đôi khi chỉ là một cú nhấp chuột.

3 xu hướng của tương lai

Thứ nhất, về tương lai của các hoạt động kinh tế.

Nhận thức về sức khoẻ, an toàn, nhu cầu về sự tiện lợi trong đại dịch cùng với quá trình chuyển đổi số đã thúc đẩy sự tăng nhanh của các ngành kinh tế “không tiếp xúc”, tác động đến việc làm và tạo ra diện mạo mới cho sự phân bổ không gian phát triển, nguồn lực và cách thức quản trị các hoạt động kinh tế-xã hội trong tương lai.

Bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội đã đặt ra yêu cầu chuyển từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” hoặc “không chạm”. Số liệu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho thấy, 56% người tiêu dùng được khảo sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ mua bán qua mạng kể cả khi tình hình dịch bệnh đã lắng xuống.

Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2020-2025 dự báo sẽ đạt 29%/năm; và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử cả nước sẽ đạt 57 tỷ đô-la Mỹ. Những dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế, bảo hiểm sẽ có quy mô thị trường lớn nhất; và các dịch vụ tài chính, sức khoẻ, tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất.

Nền kinh tế thế giới đang bước vào quá trình dịch vụ hóa rất nhanh và kèm theo đó là số hoá dịch vụ. Công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ trực tiếp thúc đẩy các ngành dịch vụ khác nhau, hình thành nhiều ngành dịch vụ kết nối và dịch vụ mới.

Ngay ở cả những nước đang phát triển, dưới tác động của quá trình chuyển đổi số, tỷ trọng của công nghiệp chế tạo vốn là xương sống của công nghiệp hóa theo phương thức truyền thống trong GDP và tỷ trọng của lao động cổ xanh trên thị trường lao động có xu hướng giảm để nhường chỗ cho dịch vụ có giá trị cao và lao động cổ trắng với các kỹ năng hiện đại của thế kỷ 21.

Điều này đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm của công nghiệp hóa, đặt ra cách tiếp cận và lộ trình công nghiệp hoá rút ngắn dựa vào đẩy nhanh chuyển đổi số ở các nước đi sau.

Thứ hai, về tương lai của việc làm.

Cùng với những áp lực về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông trong di chuyển và việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian có dịch, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số đã thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa cho người lao động. Đây không phải là một phản ứng tạm thời mà sẽ là xu hướng dài hạn của giai đoạn sau đại dịch.

Ước tính khoảng 20-25% lực lượng lao động của các nước phát triển có thể làm việc từ xa 3-5 ngày/tuần mà vẫn đảm bảo năng suất. Điều này cũng không là ngoại lệ giành cho các nước đang phát triển trong quá trình tăng tốc chuyển đổi số. Mô hình làm việc từ xa phát huy hiệu quả cao đối với lao động có kỹ năng chuyên môn được kết nối trực tuyến.

Đối với nhiều công việc khác, chúng ta đang thấy có những hình thức kết hợp linh hoạt khác nhau, như người lao động chỉ làm việc trực tiếp từ 1-2 ngày trong tuần, còn lại là làm việc tại nhà. Ứng phó với sự chuyển đổi phương pháp tổ chức công việc trong đại dịch, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ chỗ bị động, lúng túng nay đã nhận ra ưu và nhược điểm của mô hình làm việc mới, có thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý và vận hành qua các nền tảng công nghệ.

Ở cấp độ quốc gia, làm việc từ xa và linh hoạt cũng là một phương thức tận dụng tối đa tài năng và trí tuệ khi các nguồn lực quý giá này có thể được chia sẻ hiệu quả trong nền kinh tế - xã hội, giúp từng cá nhân phát huy tối đa lợi thế quy mô cho kiến thức và kỹ năng của mình.

Thứ ba, về tương lai của không gian phát triển.

Sự thay đổi của việc làm kéo theo sự thay đổi trong tổ chức và phân bố các không gian phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các đô thị, các trung tâm phát triển đang là động lực quan trọng của phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Để thấy rõ hơn xu hướng này, chúng ta hãy xem xét cơ cấu nhân lực của các công ty trong các ngành dịch vụ có giá trị cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Cơ cấu này gồm ba nhóm: nhóm tuyến đầu (là những nhân viên giao dịch), tuyến giữa (là những nhân viên vận hành) và tuyến cuối (là những cán bộ quản lý, các chuyên gia phân tích, dự báo…).

Nhóm tuyến đầu phải tiếp xúc khách hàng trực tiếp nên phải sống ở các đô thị lớn để di chuyển thuận lợi. Nhóm thứ hai có thể làm việc kết hợp giữa phương thức trực tiếp và trực tuyến.

Còn nhóm thứ ba có thể làm việc tại bất cứ nơi đâu. Hai nhóm sau, thường là những người có ý tưởng và kỹ năng nên có thu nhập cao, bắt đầu có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các siêu đô thị đến những thành phố có quy mô vừa và nhỏ, có hạ tầng kết nối tốt, dịch vụ xã hội và môi trường sinh thái có chất lượng cao hơn.

Cần nắm bắt được xu hướng này để dự đoán trúng tương lai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá để tư duy lại về các quy hoạch, về hoàn thiện thể chế, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp và thúc đẩy liên kết vùng kinh tế-xã hội chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Chúng ta đã chứng kiến những dòng người rời bỏ các thành phố lớn trong thời gian dịch bệnh.

Tuy nhiên, một ví dụ cụ thể là, thành phố Hồ Chí Minh với định hướng trở thành một trung tâm tài chính của khu vực và thế giới, thì trong tương lai, không nhất thiết mọi người dân làm việc trong thành phố đều sẽ sinh sống tại đây.

Những người làm việc ở tuyến cuối hay tuyến giữa có thể sống ở những tỉnh thành lân cận với giá sinh hoạt rẻ hơn do một tháng họ chỉ cần đến công ty vài ngày. Để giảm tải sức ép cho các đô thị lớn, chúng ta cần xây dựng các đô thị vệ tinh đáng sống cỡ vừa và nhỏ, phát triển hệ thống giao thông kết nối cấp vùng và cấp quốc gia cùng các hệ sinh thái và hạ tầng xã hội có chất lượng cao.

Doanh nghiệp phải là chủ thể tiên phong

Việt Nam cần nhận diện đúng, nhanh chóng bắt nhịp được với ba xu hướng: hoạt động kinh tế không tiếp xúc, làm việc từ xa và giải nén dân cư cho các đô thị lớn, nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình. Sự tương tác giữa ba xu hướng nói trên rõ ràng dựa trên nền tảng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ các yếu tố công nghệ, thể chế và con người; đồng bộ giữa các địa phương, giữa trung ương với địa phương; giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; giữa chính phủ, người dân và doanh nghiệp, để không tạo ra những điểm nghẽn hay sự đứt gãy, gián đoạn ở một khâu nào đó có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của toàn hệ thống.

Thay đổi nhận thức, thói quen vẫn là khó khăn và thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số. Với chính phủ số, lãnh đạo các cấp chính quyền phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị phát triển; chỉ đạo và ban hành quyết sách dựa trên những phân tích về dữ liệu, có tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo tình huống và dự liệu được các kịch bản để có hành động phù hợp; phải quyết đoán vượt qua những rào cản, bỏ lại những hành trang cố hữu nặng nề đôi khi còn là nghịch lý của sự phát triển.

Chuyển đổi số không phải là một khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào; nó đòi hỏi đổi mới tư duy đi kèm với quyết tâm hành động. Các doanh nghiệp phải là những chủ thể tiên phong đổi mới cách thức quản trị, tích hợp dữ liệu thông minh, tích cực khai thác cơ sở dữ liệu lớn, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến để phát triển.

Phải dám thay đổi là yêu cầu cấp bách đối với những doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa biết chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì và làm thế nào để thực thi hiệu quả. Các doanh nghiệp này đang đứng trước rủi ro cao đến từ lựa chọn sai chiến lược và đưa ra các sản phẩm không phù hợp với xu hướng thay đổi rất nhanh của thị trường cùng với những rủi ro về pháp lý, công nghệ, tài chính và sự gian lận.

Đó là chưa kể, những khó khăn của thời kỳ hậu COVID có thể sẽ gia tăng khi sức mua của thị trường và “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu do thiếu nguồn lực để bắt đầu lại sản xuất kinh doanh, nối lại hệ sinh thái và thậm chí phải “khởi nghiệp lại”.

Trên tất cả, yếu tố con người phải giữ vai trò quyết định. Người dân cần được đặt vào trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao trùm chính là không để ai bị bỏ lại offline, tất cả cần được kết nối số.

Chuyển đổi số phụ thuộc vào thế hệ tương lai của đất nước, đòi hỏi giới trẻ phải có tư duy nhạy bén, sáng tạo, không ngừng học hỏi để trau dồi các kỹ năng của thế kỷ 21, phải có khát vọng vươn lên và luôn hướng tới những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của cộng đồng, vì sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc, của đất nước.

  • Cùng chuyên mục
[Café Cuối tuần] Đóng cửa chợ – cú sốc cần thiết để thanh lọc và hội nhập

[Café Cuối tuần] Đóng cửa chợ – cú sốc cần thiết để thanh lọc và hội nhập

Việc hàng loạt gian hàng tại các chợ trung tâm TP.HCM như Bến Thành, Saigon Square hay An Đông đồng loạt đóng cửa những ngày qua có thể gây choáng váng với một vài người.

Sự kiện - 14/06/2025 10:33

Đại tá Hồ Song Ân làm Giám đốc Công an tỉnh  Quảng Ngãi

Đại tá Hồ Song Ân làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi

Đại tá Hồ Song Ân được Bộ trưởng Bộ Công an điều động giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Sự kiện - 14/06/2025 06:45

Đại tá Đinh Việt Dũng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Đại tá Đinh Việt Dũng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Đại tá Đinh Việt Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình vừa được Bộ Công an điều động nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Sự kiện - 13/06/2025 19:30

Ông Trương Việt Dũng làm Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Ông Trương Việt Dũng làm Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Sự kiện - 13/06/2025 12:55

Sun PhuQuoc Airways sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2025

Sun PhuQuoc Airways sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2025

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Mặt trời Phú Quốc.

Sự kiện - 12/06/2025 14:41

Từ ngày 12/6, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố

Từ ngày 12/6, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Cả nước còn 34 tỉnh, thành phố.

Sự kiện - 12/06/2025 11:31

Hai ông lớn hàng không, vũ trụ Pháp muốn tăng hiện diện ở Việt Nam

Hai ông lớn hàng không, vũ trụ Pháp muốn tăng hiện diện ở Việt Nam

Cả hai tập đoàn Airbus và Safran đều đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, có nhiều hợp đồng với các hãng hàng không trong nước.

Sự kiện - 12/06/2025 06:45

Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao Á - Âu

Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao Á - Âu

Diễn đàn Hợp tác đầu tư công nghiệp Á - Âu nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp châu Âu, Trung Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp chính yếu.

Sự kiện - 11/06/2025 19:10

34 tỉnh, thành dự kiến hoạt động từ 1/7/2025 có tên như thế nào?

34 tỉnh, thành dự kiến hoạt động từ 1/7/2025 có tên như thế nào?

Cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Sự kiện - 11/06/2025 14:07

Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Diễn đàn Hợp tác đầu tư công nghiệp Á - Âu

Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Diễn đàn Hợp tác đầu tư công nghiệp Á - Âu

Hôm nay 11/6, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác đầu tư công nghiệp Á – Âu nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp châu Âu, Trung Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự kiện - 11/06/2025 06:45

Việt Nam, Pháp ký thỏa thuận về năng lượng, khoáng sản

Việt Nam, Pháp ký thỏa thuận về năng lượng, khoáng sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hợp tác giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Sự kiện - 11/06/2025 06:44

Nữ Phó Chủ tịch Vingroup: VinFast hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp trong nước

Nữ Phó Chủ tịch Vingroup: VinFast hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp trong nước

Để đạt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đạt 80% vào năm 2026, VinFast sẽ mở rộng chuỗi cung ứng nội địa, với các điều kiện hỗ trợ đặc biệt dành cho các doanh nghiệp trong nước.

Sự kiện - 10/06/2025 10:13

Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân tăng giá bất động sản

Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân tăng giá bất động sản

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương làm rõ ngay các nguyên nhân làm tăng cơ cấu giá bất động sản; khẩn trương có phương án giảm các thành tố làm tăng giá, tăng khả năng tiếp cận bất động sản nhiều hơn và tăng nguồn cung.

Sự kiện - 10/06/2025 08:25

'Báo chí Hà Tĩnh cần xác lập vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện'

'Báo chí Hà Tĩnh cần xác lập vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện'

Sáng 9/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Sự kiện - 09/06/2025 14:36

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng tham gia, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác về biển

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng tham gia, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác về biển

Nhân dịp tham dự tham dự Hội nghị UNOC 3 tại Nice, Cộng hòa Pháp, nhận lời mời của Hoàng thân Monaco Albert II, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh tại Công quốc Monaco.

Sự kiện - 09/06/2025 07:06

Đầu tháng 7 sẽ công bố sáp nhập Quảng Nam và TP. Đà Nẵng

Đầu tháng 7 sẽ công bố sáp nhập Quảng Nam và TP. Đà Nẵng

Thông tin được công bố tại Hội nghị giữa Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để cho ý kiến về xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ TP. Đà Nẵng mới, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra vào ngày 6/6.

Sự kiện - 08/06/2025 10:53