Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: TP.HCM sẽ đẩy mạnh 'gỡ khó', hỗ trợ hoạt động đầu tư

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, thời gian sắp tới, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể, chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đầu tư để hạn chế khó khăn.
LÝ TUẤN
08, Tháng 12, 2020 | 11:57

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, thời gian sắp tới, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể, chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đầu tư để hạn chế khó khăn.

Sáng 8/12, nhiều cử tri, đại biểu đã có nhiều câu hỏi xoay quanh những vấn đề bất cập trên địa bàn TP.HCM, như việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ doang nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè… đã được đưa ra ở phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX.

Theo đó, trả lời về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp được đại biểu đưa ra tại kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ đẩy mạnh khảo sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Phong, phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và đây cũng là nhóm bị tác động rất nặng nề. Trước tình trạng đó, thành phố đã phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, xử lý gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp, và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cùng các chuyên gia kinh tế có định hướng, giải pháp cho gói hỗ trợ mới như hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% cho các nhóm ngành dịch vụ gặp khó khăn và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm sớm. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho nhóm khó khăn.

Ngoài ra, TP.HCM cũng tiếp tục rà soát, hỗ trợ người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn…

IMG_5198

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 13%, doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, còn lại là vốn doanh nghiệp nước ngoài.

Do đó, thành phố quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xem là giải pháp tăng cầu của thành phố, rất quan trọng. Song song với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì thành phố sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư.

"Việc cải thiện môi trường đầu tư hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. TP.HCM đã chọn chủ đề năm 2021 là cải thiện môi trường đầu tư. Đây 1 vấn đề đòi hỏi, băn khoăn của thành phố. Làm gì, làm như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư?", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Để giải quyết được câu hỏi trên, ông Phong cho rằng, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, những nơi nào có doanh nghiệp phản ánh thì người đứng đầu phải là người chịu trách nhiệm. Cuối cùng cao nhất là Chủ tịch UBND TP.HCM chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về vấn đề đó.

Mặt khác, thành phố sẽ thành lập tổ công tác để tháo gỡ, vướng mắc đề xuất đầu tư của doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư.

Đáng chú ý, tại phiên chất vấn, trả lời về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đã triển khai, tập trung nguồn lực để đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như cầu Phú Hữu, Phạm Văn Đồng, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn, cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Phạm Văn Trị, hầm chui An Sương, hầm chui Mỹ Thủy… Điều này góp phần kéo giảm ùn tắc tại nhiều khu vực như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, do gặp khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng còn chậm nên tiến độ nhiều dự án chậm, giảm hiệu quả, đội vốn.

“Hiện nguồn vốn đầu tư cho giao thông đều tập trung vào đầu tư công. Mà đầu tư công phải qua rất nhiều khâu. Trong khi đó, phần lớn các dự án giao thông hiện nay trên địa bàn thành phố là thực hiện theo phương thức BT. Thời gian qua nhiều dự án BT phải dừng thời gian khá dài và giờ thì không làm BT được nữa”, ông Phong lý giải.

Bên cạnh đó, nói về công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin, thời gian sắp tới, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể, chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đầu tư để hạn chế khó khăn, cũng như yêu cầu chủ đầu tư quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng.

“Đặc biệt, thành phố sẽ chọn những đơn vị thi công có kinh nghiệm để chấn chỉnh chất lượng công trình. Triển khai kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố, trong đó, bao gồm các giải pháp chấn chỉnh giao thông đường bộ, giải pháp về vốn, giải phóng mặt bằng và nhiều giải pháp khác”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Đối với vấn đề lấn chiếm vỉa hè, trả lời tại kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay, Thành ủy TP.HCM đã có chị thị số 11, chỉ thị 12 về an toàn lòng lề đường giao thông, lấn chiếm vỉa hè, bước đầu có đạt được kết quả nhất định.

Theo ông Phong, vấn đề vỉa hè là cuộc vận động cần phải có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Một mình chính quyền thì dọn dẹp đến đâu lại tái lập lại tình trạng như cũ nên phải có sự vận động vai trò của từng chi bộ, khu phố, phường xã thế nào mới đạt được kết quả.

"Tôi là Trưởng ban An toàn giao thông của TP.HCM, cứ 6 tháng đều có cuộc họp sơ kết đánh giá, nhắc nhở lưu ý đến địa phương, đơn vị phải quan tâm đến công tác vỉa hè, lề đường. Giao quận huyện xây dựng tuyến vỉa hè mẫu, phải có cam kết thi đua. Và 6 tháng đều có xem xét kết quả. Trong thực tế, đơn vị làm tốt thì khen, làm không tốt thì góp ý phê bình, kiểm điểm", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ