Chủ tịch DIC Corp 'khoe' quỹ đất 10.000ha, làm 50 năm không hết

Nhàđầutư
Chủ trương của DIC Corp trong năm 2022 là bán các dự án nhỏ, không có hiệu quả kinh doanh, và tập trung vào các đại dự án. Đoàn Chủ tịch kỳ vọng công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm trong quý IV/2022.
HUY NGỌC
13, Tháng 10, 2022 | 13:11

Nhàđầutư
Chủ trương của DIC Corp trong năm 2022 là bán các dự án nhỏ, không có hiệu quả kinh doanh, và tập trung vào các đại dự án. Đoàn Chủ tịch kỳ vọng công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm trong quý IV/2022.

NDT - CT tra loi co dong DIC

Ông Nguyễn Thiện Tuấn trả lời các cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 lần 2. Ảnh: Huy Ngọc.

Cơ sở nào để DIG hoàn thành kế hoạch năm?

Ngày 12/10, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Việt Nam (HoSE: DIG – DIC Corp) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2022 với tất cả các tờ trình được thông qua.

Một trong các nội dung đáng chú ý được Đoàn Chủ tịch chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường là DIC Corp sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2022 là 1.900 tỷ đồng.

Như đã biết, lũy kế nửa đầu năm 2022 ghi nhận lãi công ty chỉ đạt vỏn vẹn hơn 190 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa lãi trước thuế DIC Corp 2 kỳ BCTC còn lại của năm 2022 (quý III và quý IV) phải là hơn 1.700 tỷ đồng để đạt chỉ tiêu năm.

Ông Hà Văn Tăng – thành viên HĐQT DIC Corp cho biết doanh nghiệp dự kiến sẽ tính toán chuyển nhượng một loạt tài sản kinh doanh không hiệu quả.

“Khoản thu về sẽ tương đối lớn. Song song với việc chuyển nhượng, chúng tôi cũng đã hoàn thành chủ trương mở bán dự án DIC ở Hậu Giang, dự kiến tuần sau sẽ chính thức tổ chức lễ bán hàng. Doanh thu đợt 1 dự kiến là 800 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận khoảng 23-25%. Tuy vậy, do đã nộp tiền thuê sử dụng đất dự án này từ trước nên tỷ suất sinh lợi sẽ tốt hơn con số kể trên”, ông Tăng nói.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT DIC Corp cho biết chủ trương công ty là bán một số dự án nhỏ, kinh doanh không hiệu quả và tập trung các dự án lớn. “Một số dự án ở Hậu Giang, Nam Vĩnh Yên, Hà Nam dự kiến sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho các cổ đông”, ông Tuấn cung cấp thông tin.

Định hướng phát triển DIC Corp trong 5 – 10 năm tới

Trước câu hỏi của nhiều cổ đông kế hoạch chiến lược phát triển DIC Corp trong tầm nhìn 5 – 10 năm tới, ông Tuấn cho biết hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở, đất ở, đất khu công nghiệp… chiếm 80% doanh thu. Lĩnh vực thứ 2 DIC Corp hướng tới là du lịch do đã có kinh nghiệm đầu tư ở lĩnh vực này.

“Lợi nhuận từ bất động sản sẽ đổ vào lĩnh vực du lịch, DIC Corp sẽ đầu tư các khách sạn theo tiêu chuẩn 5 sao ở các tỉnh thành suốt đất nước, ở các tỉnh hẻo lánh thì chấp nhận đầu tư khách sạn 4 sao. Thậm chí, chúng tôi còn muốn đầu tư ra nước ngoài”, ông Tuấn nói.

Một lĩnh vực nữa DIC Corp muốn đầu tư là tham gia các dự án PPP. Ông Tuấn cho biết công ty đã nghiên cứu đoạn PPP từ Phú Túc đi Dầu Giây, tổng chiều dài khoảng 60km, DIC Corp đang đề nghị Nhà nước tài trợ 30% đoạn đường, thu phí dự kiến từ 19 – 20 năm. Công ty cũng đang nghiên cứu đoạn từ Bà Rịa sang Vũng Tàu, tổng chiều dài 15km…

“Các dự án của DIC có quy mô trên dưới 10.000ha, đất bồi thường trên dưới 1.000ha, làm 50 năm nữa cũng chưa hết”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn khẳng định.

Chia sẻ thêm về định hướng kinh doanh, Thành viên HĐQT ông Hà Văn Tăng cho biết DIC Corp chủ trương đầu tư các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng thuận lợi. Công ty sẽ đóng vai trò là chủ đầu tư cấp 1, thực hiện bồi thường, xác định nghiệp vụ tài chính, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản… và mời các nhà đầu tư cấp 2 cùng DIC Corp phát triển.

“Như vậy, DIC Corp sẽ có thể triển khai đồng bộ các dự án; huy động được nguồn lực các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hiện thực hóa quy hoạch dự án; ba là có thể dánh giá lại tài sản góp vốn, các cơ hội thay thế, qua đó có thể giảm bớt các rủi ro, giảm chia sẻ nguồn vốn tập trung đầu tư. Dự án Đại Phước là một minh chứng điển hình”, ông Tăng nói.

Ông cũng cho biết, DIC Corp chủ trương thời gian tới sẽ đẩy mạnh thực hiện M&A các dự án địa ốc. “Thời gian qua, lãi suất cho vay tăng, cơ hội triển khai các dự án khó hơn, đặc biệt quy định mới về việc dự án sẽ bị thu hồi nếu không thể triển khai, chủ đầu tư sẽ không được bồi hoàn chi phí. Nhà đầu tư không có năng lực sẽ gặp khó khăn. Do đó, DIC Corp sẽ tập trung M&A các dự án bất động sản có quy mô, dĩ nhiên là phải đảm bảo pháp lý chuẩn mực”, ông Tăng nói.

Bên cạnh đó, DIC sẽ tập trung nguồn thu từ các lĩnh vực để tham gia đấu giá đất ở các tỉnh kêu gọi đầu tư. Ông Tăng đánh giá đây là cơ hội tốt để có mặt bằng và điều kiện để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, mở bán hàng. Như vậy, sẽ tránh được trường hợp như nhiều dự án chỉ còn vài chục m2 đất mà vẫn không được giao đất với lý do đất không liền mạch. Ngoài ra, cứ hàng tháng 11 là DIC Corp sẽ có các kế hoạch cho năm sau và rà soát kế hoạch 5 năm định kỳ, HĐQT sẽ căn cứ diễn biến thị trường để phát triển thêm các lĩnh vực hiệu quả.

Dự án Long Tân

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, lũy kế thực hiện là 156,15ha/331ha với tổng kinh phí 1.324,476 tỷ đồng. Dự kiến đầu năm 2023 sẽ được giao đất đợt 1 khoảng 82,11ha, đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, do nhiều biến động về thị trường, định hướng phát triển kinh tế xã hội tại địa phương… dẫn tới chi phí thực tế thực hiện dự án tăng cao. Do đó, các cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc tăng tổng mức đầu tư sau thuế dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Long Tân lên gần 15.712 tỷ đồng.

Cụ thể, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 780 tỷ đồng; tiền sử dụng đất phải nộp tăng 1.294,2 tỷ đồng; chi phí thực hiện Kè chống sạt lở bờ sông tăng 473,9 tỷ đồng; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật do điều chỉnh theo công suất đàu tư mới nhất hơn 297 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm tại ĐHĐCĐ bất thường, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn cho biết quá trình đền bù, bồi thường gặp nhiều khó khăn. “Nhiều lô đất đã qua vài đời chủ, bộ phận đền bù của công ty phải xuống tận Cà Mau, Vĩnh Long để xác minh, đền bù vì sợ kiện cáo sau này. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ giải quyết nhanh công tác đền bù dự án”.

Với tiềm năng đó, ông Tuấn khẳng định trong 3 năm tới cổ đông sẽ được thụ hưởng lợi ích từ các dự án.

Ông cũng cho biết việc huy động trái phiếu, cổ phiếu nhằm có vốn đối ứng giải phóng mặt bằng dự án Long Tân. Hiện tại, DIC Corp có hơn 2.000 tỷ gửi NH, 1.500 tỷ phát hành trái phiếu nhưng không dùng được vì phải có vốn đối ứng doanh nghiệp là 44%.

“Tức là nếu doanh nghiệp giải ngân 4 đồng, thì ngân hàng giải ngân 6 đồng. Do đó chúng ta phải có vốn đối ứng. Ví dụ, chúng ta đang gửi tại Vietinbank trên 380 tỷ, nhưng ko dùng được vì DIC Corp cũng đang vay ngân hàng này để nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, DIC Corp cũng có khoản vay 990 tỷ với Agribank nhưng chưa được giải ngân”, ông Tuấn nói.

Từ đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải phát hành thành công 1.500 tỷ đồng cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ông cho biết trong trường hợp không phát hành hết, HĐQT sẽ phân phối số cổ phiếu còn lại cho những ai có nhu cầu, ưu tiên các cổ đông hiện hữu, và sau đó là các tổ chức/cá nhân bên ngoài. "Bản thân tôi hy vọng cổ đông sẽ mua hết", ông Tuấn nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ