Chủ tịch Đà Nẵng: ‘Không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau’

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
THÀNH VÂN
24, Tháng 09, 2021 | 13:55

Nhàđầutư
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Sáng 24/9, Thành ủy và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận các ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. 

Hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, với việc áp dụng các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.

“Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho chúng tôi, những lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở, suy nghĩ”, ông Chinh cho hay.

Theo ông Chinh, TP. Đà Nẵng xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển. Do đó, thành phố muốn lắng nghe các tâm tư, chia sẻ cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng. 

hoi-nghi

Sáng 24/9, Thành ủy và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”. 

“Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của quý đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để thành phố có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ quan Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép”, ông Chinh nói.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Với sự đồng lòng và quyết tâm cao của hai bên, Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, dù là khó khăn nhất, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng ở các lĩnh vực phần mềm, vận tải, logistics đã kiến nghị các vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ ngay và đề xuất nhiều giải pháp để doanh nghiệp sớm được trở lại hoạt động. Trong đó, các vấn đề doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ như tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, chính sách đất đai, tài chính, người lao động… 

phat-bieu-doanh-nghiep

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị các vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ tài chính

Ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên các doanh nghiệp phần mềm và sớm có cơ chế thẻ xanh COVID-19 để các doanh nghiệp sớm đi làm offline trở lại, để nâng cao năng suất lao động và phát triển đội ngũ nhân sự; sớm có cơ chế thẻ xanh vaccine cho chuyên gia, thương gia quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp.

Đồng thời, xem xét thay thế mô hình sản xuất 3 tại chỗ khi bùng phát dịch bằng các phương án khác hợp lý hơn nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch; hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để các doanh nghiệp khó khăn có thể duy trì hoạt động; có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho doanh nghiệp…

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân TP. Đà Nẵng mong muốn thành phố kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành cụ thể hóa Nghị Quyết 105, 68 thực tế và nhanh gọn hiệu quả. Xử lý ngay những vướng mắc cộng đồng doanh nghiệp, các bên liên quan đã được phản ánh. Đồng thời sử dụng tối ưu nguồn vaccine chủ động để tối đa hóa việc tiêm vaccine kể cả cho trẻ nhỏ để người lao động trở lại làm việc.

Bà Phương cũng đề nghị TP. Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ các vướng mắc về đất đai liên quan các quyết định của Thanh tra Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đà Nẵng, doanh nghiệp mong muốn được sớm chuyển sang trạng thái “bình thường mới” qua việc tăng cường đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.

“Về hỗ trợ thuế, đơn vị kiến nghị thành phố đề xuất với Trung ương giảm thuế đồng bộ cho các doanh nghiệp, chứ không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cũng chỉ mang tính tạm thời. Để có thể phục hồi bền vững, doanh nghiệp kiến nghị thành phố cần tác động với Trung ương có giải pháp nhằm tăng cường lưu thông hàng hóa, tăng sức mua thị trường nội địa...”, ông Nhựt nêu ý kiến.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ