Chủ thương hiệu 'heo ăn chay': 'Chúng tôi khác HAGL'

Nhàđầutư
"Tôi không biết HAGL hay công ty chăn nuôi khác lên sàn chứng khoán vì mục đích gì, còn BAF lên sàn chứng khoán để đại chúng hoá, huy động các nguồn lực tốt nhất để phát triển, không có ý định hoặc chủ trương lên sàn để bán vốn chủ sở hữu", ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF Việt Nam nói.
LIÊN THƯỢNG
10, Tháng 05, 2023 | 16:06

Nhàđầutư
"Tôi không biết HAGL hay công ty chăn nuôi khác lên sàn chứng khoán vì mục đích gì, còn BAF lên sàn chứng khoán để đại chúng hoá, huy động các nguồn lực tốt nhất để phát triển, không có ý định hoặc chủ trương lên sàn để bán vốn chủ sở hữu", ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF Việt Nam nói.

IMG_20230510_161916

Ban lãnh đạo BAF trả lời cổ đông. Ảnh: Liên Thượng

Ngày 10/5, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm 2023, với tất cả tờ trình được thông qua.

Mục tiêu năm 2023 lãi 301 tỷ đồng

Theo đó, năm 2022, doanh thu của BAF đạt 7.083 tỷ đồng, vượt 19,08% kế hoạch năm (5950 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này giảm tới 32,1% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi sau thuế 2022 của công ty này đạt hơn 287 tỷ đồng, giảm 10,6% so với số lãi ròng hơn 321 tỷ đồng công ty này đạt được năm 2021. Trong năm 2022, công ty BaF cũng đã tiến hành phát hành lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng, để huy động vốn đầu tư.

Theo bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BAF, kết quả kinh doanh năm 2022 gặp nhiều khó khăn do tác động vĩ mô của nền kinh tế thời kỳ hậu COVID-19, nền kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao, giá cả leo thang... Cùng với đó là sự chuyển dịch cơ cấu với việc giảm tỉ trọng mảng nông sản và mở rộng đầu tư kinh doanh mảng chăn nuôi.

"Doanh thu thuần cả năm 2022 đạt 7.083 tỷ đồng, chủ yếu đến từ doanh thu bán nông sản và hoạt động chăn nuôi. Sản lượng heo bán ra trong năm 2022 đạt hơn 303.500 con, tăng gần gấp đôi so với năm 2021 (hơn 155.180 con) đã thúc đẩy doanh thu mảng chăn nuôi tăng 79,9%, đạt 1.372 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu năm 2022 có sự chuyển dich với doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng lên, chiếm tỷ trọng 19,4% trong cơ cấu tổng doanh thu; Doanh thu hoạt động kinh doanh nông sản giảm nhưng biên lợi nhuận gộp đạt 2,7% tăng so với năm 2021 (đạt 2,2%). Đây được xem là tín hiệu tích cực cho định hướng chiến lược của BAF trong tương lai", bà Bùi Hương Giang cho biết.

Đồng thời, lợi nhuận gộp cả năm 2022 tăng 7,8% so với năm 2021, trong đó, lợi nhuận gộp đến từ hoạt động chăn nuôi tăng 37,2%. 

"Biên lợi nhuận gộp hoạt động chăn nuôi giảm, do giá heo hơi và nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi gặp nhiều biến động cùng với việc các trại mới đi vào hoạt động chưa đều đàn, trong khi định phí sản xuất vẫn phát sinh", bà Bùi Hương Giang nêu nguyên nhân.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo BAF cho biết, trong năm 2023, công ty này đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất toàn công ty là hơn 7.525 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Cơ cấu lợi nhuận chủ yếu 192,03 tỷ đồng từ hoạt động chăn nuôi, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận 45,4 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng lợi nhuận; và hoạt động kinh doanh nông sản dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng lợi nhuận.

Đồng thời, BAF dự kiến sẽ chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với trị giá khoảng 17%, tương ứng với khoảng 24.000 cổ phiếu có giá trị khoảng 24,930 tỷ đồng.

Ngoài ra, cổ đông của công ty cũng thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 47,677% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 68,4 triệu cổ phiếu mới để huy động 684,26 tỷ đồng.

Cùng ngày, các cổ đông của BAF Việt Nam đã đồng ý bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Tân làm thành viên HĐQT thay thế  ông Phan Ngọc Ấn, người đã có đơn xin từ nhiệm từ ngày 11/4. 

Ông Nguyễn Duy Tân sinh năm 1975 tại Lai Châu, thuộc nhóm cổ đông CTCP Siba Holdings, đại diện 40,48% vốn điều lệ BAF.

Theo tìm hiểu, ông Phan Ngọc Ấn sinh năm 1976 và đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT BaF Việt Nam từ tháng 3/2021 tới nay. Ban lãnh đạo của BAF cũng cho biết, thời gian tới, một đại diện của quỹ IFC sẽ tham gia vào HĐQT của BAF.

BAF lên sàn để mở rộng quy mô sản xuất

Trả lời câu hỏi cổ đông về việc vì sao ban lãnh đạo công ty tự tin về kế hoạch phát hành cổ phiếu và huy động vốn ở thời điểm hiện tại, trong khi những công ty cùng ngành chăn nuôi khác như Dabaco, HAGL lên sàn và vẫn thua lỗ, ông Trương Sỹ Bá cho biết, BAF lên sàn để huy động vốn mở rộng và phát triển sản xuất, khác với HAGL.

"Tôi không biết HAGL, Dabaco và những công ty chăn nuôi khác lên sàn chứng khoán vì mục đích gì, còn BAF lên sàn chứng khoán để đại chúng hoá, huy động các nguồn lực tốt nhất để phát triển, không có ý định hoặc chủ trương lên sàn để bán vốn chủ sở hữu. Tôi khẳng định, BAF lên sàn với mục tiêu phát triển, huy động nguồn vốn đại chúng để mở rộng quy mô sản xuất", ông Bá nhấn mạnh và cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là chuyện bình thường đối với các công ty startup mới lên sàn.

"BAF là công ty startup từ 2017. Tầm nhìn đến 2030 chúng tôi sẽ sở hữu 6 triệu con heo thương phẩm, 4 triệu con heo liên kết với nông dân, cùng với đó là hơn 10 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên khắp cả nước, 130 trang trại, với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả tiền đều để dồn vào đầu tư sản xuất... Chúng ta sẽ xoay vòng chậm nhất đến hết 2026 sẽ bắt đầu tái đầu tư bằng chính lợi nhuận mang về. Chính vì vậy công ty chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt", ông Bá giải thích.

Mặt khác, người đứng đầu HĐQT BAF Việt Nam cho biết, BAF xác định chiến lược không cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, mà cạnh tranh với những nhà chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến Việt Nam từ năm 2019. Đây là thách thức của cả ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất của chăn nuôi là an toàn sinh học, phải bảo vệ được tổng đàn trước những yếu tố khách quan, để luôn giữ được giá bình quân thị trường thì không bao giờ thất bại. Chính vì không giữ được tổng đàn nên hiện tại, các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 50% thị phần, thay vì 70% như trước. Trong tương lai, họ chỉ còn 20, 30%. Đây là cơ hội cho ngành chăn nuôi thương hiệu, công nghiệp", ông Trương Sỹ Bá nói về định hướng sắp tới của BAF.

BAF được biết đến là chủ sở hữu thương hiệu "heo ăn chay", ra mắt thị trường hồi tháng 10 năm ngoái. Thương hiệu này được phân phối ra thị trường thông qua chuỗi siêu thị Siba Food. BaF lên sàn cuối năm 2021 và là thành viên trực thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn Tân Long.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ