Chính sách ‘thịnh vượng chung’ của ông Tập Cận Bình buộc Phố Wall tính toán lại rủi ro kinh doanh

Nhàđầutư
Sau khi chi tiết cho khẩu hiệu chính trị mới “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình được công bố cách đây một tuần, các nhà đầu tư ở Phố Wall nhận ra rằng đất nước đông dân nhất thế giới này có thể đang đi trên một con đường rất khác so với trước đây.
KIM NGÂN
24, Tháng 10, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Sau khi chi tiết cho khẩu hiệu chính trị mới “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình được công bố cách đây một tuần, các nhà đầu tư ở Phố Wall nhận ra rằng đất nước đông dân nhất thế giới này có thể đang đi trên một con đường rất khác so với trước đây.

Tap

Chủ tịch Tập Cận Bình, ngày 9/10/2021. Ảnh: Reuters

Thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo và mở rộng đáng kể tầng lớp trung lưu là những trụ cột chính của chính sách này. Lần đầu tiên, mốc thời gian cho chương trình được công khai: "Tiến bộ thực chất và đáng kể" hướng tới sự thịnh vượng chung vào năm 2035.

Leland Miller, CEO của China Beige Book, một công ty chuyên tư vấn đầu tư vào Trung Quốc, bình luận: “Luật chơi đã thay đổi”.

Taylor Loeb, nhà phân tích của Trivium, cơ quan chuyên tư vấn các vấn đề chính trị, kinh tế của Trung Quốc, cho biết thay đổi sẽ không diễn ra ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra trong một thời gian dài. “Đây sẽ là một quá trình rất dài, chứ không phải là một vụ nổ lớn”.

Các trụ cột của nỗ lực ‘thịnh vượng chung’ lần đầu tiên được công bố vào tuần trước trên tạp chí Qiushi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó trích dẫn các chi tiết từ bài phát biểu của ông Tập Cận Bình hồi tháng 8. Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo nguy cơ bất bình đẳng thu nhập, kêu gọi phân phối của cải theo kiểu “hình quả ô liu” và đặt mục tiêu đạt được “sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người” vào giữa thế kỷ 21. 

"Hình quả ô liu" là cấu trúc mà phần lớn người dân là tầng lớp trung lưu, với hai đầu thuôn nhọn đại diện cho những người rất giàu và người nghèo.

“Ở một số quốc gia, khoảng cách giàu nghèo và sự sụp đổ của tầng lớp trung lưu làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong xã hội, phân cực chính trị và chủ nghĩa dân túy, để lại bài học sâu sắc cho thế giới”, ông Tập nói.

Mặc dù không có số liệu cụ thể nào được trích dẫn để xác định thế nào là sự “thịnh vượng chung”, kế hoạch của ông Tập tập trung vào việc hỗ trợ những người Trung Quốc có thu nhập thấp hơn bằng các chương trình trợ giúp xã hội, trợ cấp nhà ở và các chính sách hạn chế người giàu và “sự giàu có không công bằng”. Các chính sách như vậy gồm kế hoạch đánh thuế bất động sản trên toàn quốc - vốn đã vấp phải sự phản đối - đánh vào sự giàu có từ gian lận và trốn thuế. 

Ông Tập cũng kêu gọi tăng cường phúc lợi công cộng và từ thiện, khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Scott Kennedy, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói: “Chúng tôi thấy, từng bước một, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống và chính sách, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại khẳng định lại quyền lực của mình, nhưng gây phương hại cho thị trường”.

Các nhà đầu tư ở các hãng công nghệ Trung Quốc khổng lồ như Alibaba và Didi, hay tập đoàn Giáo dục & Công nghệ Phương Đông Mới, đã chứng kiến cổ phiếu của họ sụt giảm mạnh và các cổ đông đã mất hàng tỷ USD do các cuộc “trấn áp” mới đây của Bắc Kinh.

Ông Kennedy cho biết khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc quy mô nhỏ hơn có xu hướng giảm và động lực của các doanh nhân đầu tư vào Trung Quốc sẽ ít đi khi vai trò của nhà nước trên thị trường tăng lên. “Họ có thể rơi vào cảnh nghèo chung nếu nhà nước đi quá xa”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số công ty Mỹ vẫn tăng đầu tư vào Trung Quốc mà không hề nản lòng. BlackRock, hãng trở thành công ty nước ngoài đầu tiên điều hành một quỹ tương hỗ sở hữu 100% vốn ở Trung Quốc năm nay, khuyến nghị các nhà đầu tư tăng đầu tư tài chính vào thị trường Trung Quốc gấp ba lần.

Các công ty như BlackRock, với hiện diện lớn ở Trung Quốc, có thể không nao núng trước chủ trương “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình, nhưng Miller của China Beige Book cho biết thời kỳ các công ty thâm nhập thị trường Trung Quốc mà không lăn tăn gì đã qua rồi.

Thuật ngữ “thịnh vượng chung” được ông Mao Trạch Đông sử dụng trong những năm 1950 và được ông Đặng Tiểu Bình sử dụng khi tiến hành cải cách khu vực tư nhân vào những năm 1980 - những cải cách đã thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong những thập kỷ sau đó.

Vào thời điểm đó, ông Đặng Tiểu Bình nói rằng một số người và một số vùng của đất nước là đối tượng cần trở nên giàu có trước tiên để thúc đẩy tăng trưởng như một phương tiện cho sự thịnh vượng chung. Tuy nhiên, bốn thập kỷ sau, sự tăng trưởng đó dẫn đến khoảng cách thành thị-nông thôn, giàu-nghèo nghiêm trọng hơn.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc có mục tiêu đạt được tiến bộ vững chắc trong phân phối các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục trên khắp đất nước vào năm 2035, và những vùng nông thôn nghèo hơn là nơi cần có nhiều cải thiện nhất.

Loeb của Trivium cho biết đây không phải là dấu chấm hết cho cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, mà là sự chuyển hướng sang các cơ hội khác. “Cơ hội mới có thể tập trung ở các khu vực nông thôn và phục hồi kinh tế”, ông nói, lưu ý rằng các công ty công nghệ nông nghiệp phương Tây có thể là đối tượng hưởng lợi từ chính sách “thịnh vượng chung”.

Tuy nhiên, các rào cản chính trị đối với dòng vốn vẫn còn, làm mất đi giá trị của các cơ hội đầu tư mới đối với một số công ty Mỹ. Aaron Magenheim, CEO của công ty tư vấn nông nghiệp AgTech Insight cho biết: “Kế hoạch đó sẽ không tạo khác biệt nếu Trung Quốc không thu hút được các nhà đầu tư hoặc công ty khởi nghiệp đến đầu tư”.

Xét cho cùng, đó có thể là kết thúc của một kỷ nguyên cải cách - trong đó kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc và hàng triệu người trở nên giàu có - và là sự khởi đầu của một kỷ nguyên khác, trong đó các thành phần xã hội trong chính sách của đảng gắn trực tiếp hơn với cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Loeb nhắc lại lời ông Tập Cận Bình: “Chúng ta đã thực hiện một quá trình cải cách đáng kinh ngạc, lớn lao. Người dân đã trở nên giàu có. Chúng ta đã đưa ra lời hứa này cách đây 45 năm với người dân Trung Quốc. Đã đến lúc thực hiện lời hứa đó”.

(Theo Nikkei Asia)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ