Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét chi 347.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế

Nhàđầutư
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025.
MY ANH
04, Tháng 01, 2022 | 10:55

Nhàđầutư
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Empty

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội.

Ưu tiên giảm thuế, phát triển hạ tầng

Sáng nay (4/1), tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53.150 tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113.850 tỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài (ngân sách Nhà nước) NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, giải pháp tài khóa sẽ có tổng quy mô là 291.000 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 240.000 tỷ đồng, bao gồm giảm thuế, phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng và chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển 176.000 tỷ đồng.

Với số tiền chi đầu tư phát triển, bên cạnh chi phòng, chống dịch; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, số tiền này sẽ tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng chi hơn 103.164 tỷ đồng.

"Về giải pháp tiền tệ, sẽ sử dụng khoảng 46.000 tỷ từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; theo dõi sát tình hình, sẵn sàng bán can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp phát hành trái phiếu chính phủ ngoại tệ trong nước tác động tới thị trường ngoại hối", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong chương trình, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết, phạm vi cần tác động ngay, thời gian thực hiện ngắn, căn cứ tình hình thực tiễn, Chính phủ đã nghiên cứu, đánh giá và trình Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng 3 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình. 

Theo đó, thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín.

Cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép. 

Phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh của một số địa phương có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/dự án đường cao tốc đi qua địa bàn theo hình thức đầu tư công; Bộ Giao thông vận tải thực hiện các đoạn tuyến/dự án còn lại theo quy định.

"Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức triển khai; huy động sự vào cuộc, tham gia giám sát ngay từ đầu của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện sau khi kết thúc thời hạn áp dụng chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh

Báo cáo thẩm tra tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng.

vu-hong-thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội.

"Cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Uỷ ban Kinh tế cũng thống nhất việc chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế, bên cạnh đó, đề nghị xem xét việc sử dụng hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5% đến 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Đa số ý kiến cũng thống nhất với tờ trình về tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay; bổ sung giải pháp đầu tư phát triển con người, cơ chế huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động đầu tư nâng cao năng lực y tế.

"Về đề nghị áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn thuộc Chương trình: Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền trên cơ sở quy định hiện hành. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ