Chế biến chế tạo là trụ đỡ, GDP 6 tháng tăng 5,64%

Nhàđầutư
Dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến mức tăng trưởng kinh tế quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2021 chưa được như kỳ vọng.
MY ANH
29, Tháng 06, 2021 | 09:56

Nhàđầutư
Dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến mức tăng trưởng kinh tế quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2021 chưa được như kỳ vọng.

E7CC917F-31AE-44CC-8E73-0799D4CB7D2E

Họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: AT

Công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội tại buổi họp báo sáng 29/6, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Riêng quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thống kê, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

"Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%", bà Hương cho biết.

Vị Tổng Cục trưởng cũng đánh giá, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021; ngành lâm nghiệp tăng 3,98%; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh.

Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.

Trước bối cảnh trên, để đạt được các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra, Tổng cục Thống kê đề xuất cần kiên định thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Để đạt được điều này, cần nhanh chóng triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bị COVID-19, với chính sách hỗ trợ đơn giản, hiệu quả và nhanh nhất có thể.

Bà Nguyễn Thị Hương cũng lưu ý, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt thận trọng, phù hợp với diễn biến trong nước và quốc tế nhằm kiểm soát lạm phát.

Để thúc tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, vị Tổng cục trưởng cho rằng, phải tăng cường đầu tư công bằng cách tháo gỡ những vướng mắc thể chế, chủ động thu hút FDI, chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương hoạt động quảng bá kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số.

"Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tại, hạn chế tối đa thiẹt hại tới sản xuất và cuộc sống người dân", bà Hương nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ