Cần hơn 70.000 tỷ đồng cho Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến 2030

Nhàđầutư
Nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045 là 70.600 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương 5.746 tỷ đồng, vốn ngân sách các địa phương 5.000 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 60.154 tỷ đồng.
THÀNH VÂN
16, Tháng 06, 2022 | 17:05

Nhàđầutư
Nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045 là 70.600 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương 5.746 tỷ đồng, vốn ngân sách các địa phương 5.000 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 60.154 tỷ đồng.

Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam

Theo báo cáo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam (còn gọi là sâm Ngọc Linh) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Tổng cục Lâm nghiệp, sâm Việt Nam là loại dược liệu quý, hiếm.

Hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích 6.000ha. Một số doanh nghiệp đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ.

Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vũng tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đến năm 2030, có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh. 

Đồng thời, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tại 4 tỉnh với diện tích 27.000ha. Sản lượng khai thác sâm đạt 500-700 tấn đảm bảo chất lượng được phân cấp rõ ràng.

Thời gian thực hiện chương trình giai đoạn 1 từ năm 2022 đến hết 2030, giai đoạn 2 từ năm 2031 đến 2045 tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển các loài sâm như Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu.  

sam-ngoc-linh

Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là gần 15.600 ha. Ảnh: Thành Vân.

Theo ước tính của Tổng cục Lâm nghiệp, nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045 là 70.600 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương 5.746 tỷ đồng, vốn ngân sách các địa phương 5.000 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 60.154 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội thảo "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045" được tổ chức tại Quảng Nam, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển chủ yếu là Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000 ha. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp trên cả nước tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước với mặt hàng sâm.

Theo ông Bảo, để thực hiện đầu tư phát triển chương trình sâm cần theo từng bước vững chắc, hiệu quả, gắn việc đầu tư phát triển với bảo tồn. Đồng thời, triển khai Chương trình phải đồng bộ từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

"Trong thời gian tới, cần tạo thương hiệu sâm Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới, phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam phải bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia có giá trị. Đặc biệt, tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến sâm", ông Bảo nhấn mạnh. 

Ông Bảo cho biết thêm, việc nuôi trồng, phát triển sâm trong môi trường rừng phải đảm bảo không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm đa dạng sinh học khu rừng, phù hợp với điều kiện sinh thái của cây sâm. 

sam

Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh cho rằng, cần bảo tồn nguồn gen giống gốc sâm Ngọc Linh bản địa không bị lai tạp. Ảnh: Thành Vân.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành sâm. Hiện nay đã có doanh nghiệp đầu xây dựng nhà máy biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh dược liệu tại huyện Nam Trà My, dự kiến đưa hoạt động vào cuối năm 2022.

"Trong tương lai, Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Qua đó, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc, tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh và trung tâm kiểm định chất lượng giống sâm Quốc gia", ông Tích cho biết.

Ông Tích kiến nghị các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh. Đồng thời, có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh, hỗ xây dựng tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận thị trường thế giới.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT có hướng dẫn lập hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục CITES). Việc bình tuyển, công nhận giống cây sâm Ngọc Linh về phân định rõ là cây trồng nông nghiệp hay lâm nghiệp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh cho rằng, khi được gọi là "quốc bảo", cây sâm Ngọc Linh không còn chỉ là một đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của ngành nông nghiệp nữa, mà nó phải trở thành một đối tượng đặc biệt, được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt. 

Thế nhưng, hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ đang được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một "quốc bảo" mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học tinh hoa đất trời nước Nam và vô vàn câu chuyện văn hóa gắn với sự sinh tồn của giống cây dược liệu vô cùng quý giá này.

Vì vậy, cần bảo tồn nguồn gen giống gốc sâm Ngọc Linh bản địa không bị lai tạp. Trước khi mở rộng vùng trồng mở rộng vùng chỉ dân địa lý của cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng một hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho cây sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt, nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ Sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội để giá trị được nâng cao hơn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong những năm qua, dù ít dù nhiều thì nước ta đã hình thành được quy trình công nghệ để phát triển cây sâm Ngọc Linh, thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, chế biến và tạo nên những sản phẩm có giá trị.

"Việc xây dựng Chương trình phát triển sâm Việt Nam không phải dễ, do đó, đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tới đây phải đi thực tiễn ở các địa phương khảo sát chi tiết các vấn đề như giống, thu hoạch, chế biến, bảo quản để đưa vào các tiểu dự án, hợp phần. Về nguồn vốn, chính sách phải sát, phải thật, không bày ra nhiều, dài trải", ông Doanh đề nghị. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu phải hình thành nhóm hoạt động gồm các đơn vị của Bộ NN&PTNT và mời cả Bộ Y tế tham gia. Thêm nữa là phải tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự đồng thuận, ủng hộ, và xây dựng chương trình mang tính khả thì để trình Thủ tướng phê duyệt.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ