Quảng Nam trình Chính phủ chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh

Nhàđầutư
Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là loài sâm đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng chương trình quốc gia với mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam.
THÀNH VÂN
11, Tháng 06, 2021 | 21:27

Nhàđầutư
Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là loài sâm đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng chương trình quốc gia với mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045. 

Theo đó, sâm Ngọc Linh là một trong 10 loài thuộc chi Panax được phát hiện lần đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum năm 1985. Đây là loài sâm đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, là một nguồn gen quý hiếm có giá trị rất cao được xếp ngang hàng với các loại sâm quý trên thế giới. Trong sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin khá cao, đặc biệt là nhóm dammaran với các hợp chất saponoside đại diện chính là MR2, Rb1 và Rg1. Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định.

Trong khi Hồng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 loại sâm thượng hạng trên thế giới, nhưng chỉ chứa khoảng 25 loại saponin (sâm tươi), hoặc 32 loại saponin (sâm khô) khác nhau. 

IMG_0641

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường kiểm tra quá trình ươm giống sâm Ngọc Linh.

Nhận thức được giá trị của sâm Ngọc Linh, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Trên cơ sở đó, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương để phát triển cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm. Bên cạnh đó, Quảng Nam xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. 

Tuy nhiên, để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian đến, ngang tầm với ngành sản xuất sâm Hàn Quốc, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan chủ trì xây dựng và trình phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045. 

Mục đích của chương trình là phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp sản xuất sâm đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm Việt Nam.

sam-ngoc-linh

Cây giống sâm Ngọc Linh được chăm sóc rất kỹ trước khi đưa ra môi trường tự nhiên. 

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Quảng Nam từ năm 2025 – 2030 sẽ trở thành Trung tâm giống Sâm Ngọc Linh Quốc gia. Hằng năm sản xuất ra được 5 – 10 triệu cây/năm giống Sâm Ngọc Linh, trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô, để cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh sẽ có 50 – 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm, đón từ 5 – 10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 – 4.000 USD/năm. Đến năm 2045, đưa nước Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất Sâm của Hàn Quốc; hằng năm sản xuất ra được từ 500 – 1.000 tấn.

Được biết, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua vào năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam khoảng 16.000 ha, đến nay diện tích thực tế trồng được gần 10.000 ha và gần 20 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm.

Ngoài ra, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đặt hàng, khuyến khích thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh. Qua đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ