Sâm Ngọc Linh và bài toán phát triển công nghiệp: Bài 1-Đối đầu với nạn đội lốt, làm giả

Nhàđầutư
Sâm Ngọc Linh được coi là một 'đặc sản' của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và được công nhận là một 'Sản phẩm Quốc gia'. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay sâm Ngọc Linh giả đang được rao bán tràn lan, ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm đặc biệt này, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
08, Tháng 03, 2021 | 07:29

Nhàđầutư
Sâm Ngọc Linh được coi là một 'đặc sản' của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và được công nhận là một 'Sản phẩm Quốc gia'. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay sâm Ngọc Linh giả đang được rao bán tràn lan, ảnh hưởng đến thương hiệu của sản phẩm đặc biệt này, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

LTS: Sâm Ngọc Linh phân bổ ở vùng núi cao thuộc các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ngoài giá trị bổ dưỡng cao, sâm Ngọc Linh còn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ như thần dược. Năm 2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ sung vào danh mục các 'Sản phẩm Quốc gia'.

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh núi Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê ở đới độ cao 1.800 thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào. Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.

Có thể nói cả nước chỉ có 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 3 huyện với 9 xã là Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum) là có sâm Ngọc Linh. Đã có nhiều kiểm nghiệm về việc di thực giống sâm Ngọc Linh, nhưng khi đem trồng ở các vùng khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng, cây sâm vẫn không phát triển. Như vậy có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.

*****

Được phát hiện lần đầu tiên tại núi Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam và Kon Tum), sâm Ngọc Linh được xem là dược liệu cực quý, giá trị 'đắt hơn vàng'.

SamNL1-Thanh Van

Giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh cho khách tham quan tại một phiên chợ sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh Thành Vân

Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y Tế, sâm Ngọc Linh có số lượng 52 Saponin cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới. Saponin là một loại hợp chất gọi là Ginsenoside được biết đến là một trong những thành phần hóa học của các loại thảo mộc rất có lợi cho sức khỏe của con người.

Chính vì vậy, nhiều người đã nhảy vào kinh doanh 'mượn tên Sâm Ngọc Linh' với đủ mọi chiêu trò khác nhau.

'Đội lốt' thương hiệu sâm Ngọc Linh

Đầu tháng 3 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đăk Tô phát hiện vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh (Kon Tum) từ các tỉnh phía Bắc đưa vào huyện.

Sau một thời gian theo dõi, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 thùng xốp để ven đường, bên ngoài ghi hoa phong lan Đăk Tô, không có địa chỉ người gửi, người nhận. Số hàng trên được gửi từ xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc vào thả dọc trên đường.

Kiểm tra 3 thùng xốp trên, lực lượng chức năng phát hiện có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ, còn lại là các củ nhỏ. 

Theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, sau 2 tháng mật phục, theo dõi, nắm quy luật hoạt động, Đội Quản lý thị trường số 2 và Công an huyện Đăk Tô mới phát hiện, tổ chức thu giữ số hàng trên.

“Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô, "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng”, ông Phúc thông tin.

Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc (rất giống sâm Ngọc Linh) từ các tỉnh ngoài miền Bắc để đưa vào địa bàn Kom Tum, Quảng Nam "đội lốt" sâm Ngọc Linh bán cho người tiêu dùng. Việc làm trên ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Trước đó, vào đầu tháng 2, Đội Quản lý thị trường số 2 cũng đã phát hiện 7 thùng rượu với 112 chai rượu giả thương hiệu sâm Ngọc Linh. Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, đựng trong hộp mang nhãn hiệu rượu lá sâm Ngọc Linh, địa chỉ sản xuất là tại số 426/31, đường Hùng Vương, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Mở rộng điều tra vụ việc, ngày 5/2, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam kiểm tra cơ sở trên thì phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lực lượng Quản lý thị trường 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã lập biên bản tạm giữ số rượu và tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Vàng thau lẫn lộn !

sam-tren-mang

Sâm Ngọc Linh được rao bán nhiều trên mạng xã hội. 

Trong khi đó, không khó để tìm thông tin về việc rao bán sâm Ngọc Linh, hiện nay trên thị trường mạng xã hội chỉ cần gõ cụm từ “Sâm Ngọc Linh” thì hàng loạt người bán từ cửa hàng cho đến online chào bán với quảng cáo chung là “sâm thật, nguồn gốc từ vùng núi Ngọc Linh”.

Chủ gian hàng đảm bảo 100% sâm thật, thu mua từ người dân tộc thiểu số. Họ rao bán 1kg sâm Ngọc Linh với nhiều loại giá khác nhau và đặc biệt là giao hàng đến tận nơi trên toàn quốc. Tuy nhiên, chất lượng thì không phải ai cũng có thể kiểm chứng.

Một người tên H.N (ở Hà Nội) đăng tải trên trang cá nhân cho biết, cung cấp tất cả các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như: sâm Ngọc Linh tươi; sâm Ngọc Linh ngâm mật, sâm Ngọc Linh ngâm rượu, lá sâm Ngọc Linh… Người này rao bán với nhiều giá khác nhau, như: loại 2 củ/1 lạng (100 gr) sâm Ngọc Linh với giá 14,5 triệu đồng (145 triệu đồng/kg); 3 củ/1 lạng (100gr) sâm Ngọc Linh với giá 12 triệu đồng (120 triệu đồng/kg); 4 củ/ 1 lạng (100gr) sâm Ngọc Linh với giá 10,5 triệu đồng (105 triệu đồng/kg)…

Ông Lưu Văn Lục, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng sâm Ngọc Linh giả đang là một trong những vấn đề nhức nhối. Làm mất đi giá trị thương hiệu của loài sâm quý hiếm này, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh về mặt hàng này.  

Theo ông Lục, trên thị trường hiện có tất cả các loại sâm Ngọc Linh từ loại 1 đến các loại sâm thấp hơn, dường như cần bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, trên thực tế khi một khách hàng cần khoảng 2kg sâm Ngọc Linh thì khách đó phải chờ ít nhất vài ngày, hoặc 1 tuần để đợi đơn vị thu gom. Nếu có đơn vị kinh doanh đáp ứng ngay nhu cầu lớn của khách thì ta cần phải xem xét lại.

“Vì sâm Ngọc Linh chỉ ở những nơi đặc biệt (chỉ ở vùng núi Ngọc Linh) nên lượng sâm rất là ít. Những sản phẩm được rao bán ở trên mạng họ đều có thể chứng minh được cho khách hàng từ kiểm định đến nguồn gốc. Cho nên, người tiêu dùng trước khi mua sâm cần phải có kiến thức cơ bản về sâm Ngọc Linh và đặc biệt hãy là người tiêu dùng thông minh”, ông Lục cảnh báo.

Bên cạnh mặt hàng sâm Ngọc Linh củ không biết đâu mà lần về chất lượng, giá cả, thật giả... thì rượu sâm Ngọc Linh trên thị trường cũng 'đại loạn'. Sâm Ngọc Linh rất quý hiếm, nhưng tìm mua rượu sâm này lại quá dễ. Rất nhiều trang web, cửa hàng tại các trang rao bán rượu sâm Ngọc Linh ngâm nguyên củ hoặc chiết xuất với nguồn cung dồi dào.

Những người am hiểu về sâm Ngọc Linh khẳng định, khá nhiều rượu sâm Ngọc Linh trên thị trường hiện nay chất lượng rất kém, giả tràn lan. Hiện có một số loại sâm, cây khác hình dáng giống sâm Ngọc Linh đưa từ các tỉnh phía Bắc mang lên vùng Ngọc Linh để trà trộn, dễ tiêu thụ và trục lợi bất chính.

Ông Ngụy Đình Phúc, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Kon Tum)  khuyến cáo: “Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo” nên thời gian qua nhiều tư thương đã lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh. Người tiêu dùng khi mua sâm Ngọc Linh cần lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc và giấy tờ hợp lệ”.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên thị trường sâm Ngọc Linh hàng giả rất nhiều. Các đối tượng thường sử dụng loại tam thất để làm giả sâm Ngọc Linh vì hình dáng 2 loại này rất giống.

“Muốn mua sâm Ngọc Linh chính hiệu, khách hàng hãy đến các phiên chợ sâm định kỳ của huyện Nam Trà My. Tại đây, sâm Ngọc Linh đã được tổ kiểm định kiểm tra từng củ trước khi đưa vào bán. Nếu phát hiện hành vi giả sâm trong chợ thì chính quyền chịu trách nhiệm”, ông Bửu nói.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ