[Café cuối tuần] Phía sau 'cơn mưa tiền thưởng'

Nhàđầutư
Sau ánh hào quang của những tấm huy chương có mấy vận động viên giữ mãi được thời đỉnh cao. Những “cơn mưa tiền thưởng” nếu có cũng khó mà tưới tắm, trang trải hết cho những năm tháng trở về đời thường sau khi giải nghệ nếu họ không có kế sinh nhai.
QUANG DÂN
14, Tháng 12, 2019 | 07:00

Nhàđầutư
Sau ánh hào quang của những tấm huy chương có mấy vận động viên giữ mãi được thời đỉnh cao. Những “cơn mưa tiền thưởng” nếu có cũng khó mà tưới tắm, trang trải hết cho những năm tháng trở về đời thường sau khi giải nghệ nếu họ không có kế sinh nhai.

Tại SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam có số lượng thành viên đông kỷ lục, lên tới 856 người. Các vận động viên (VĐV) tham dự 43/56 môn và phân môn của Đại hội với 530 bộ huy chương.

Mục tiêu của thể thao Việt Nam là lọt Top 3 toàn đoàn và giành 65-70 huy chương vàng (HCV). Tuy nhiên, chúng ta đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu khi đoạt tổng cộng 98 HCV, 85 huy chương bạc (HCB) và 103 huy chương đồng (HCĐ) và xếp thứ 2 trên Bảng tổng sắp huy chương, chỉ sau đoàn chủ nhà Philippines, xếp trên cả đoàn Thái Lan.

Về nước với hai chiếc cúp vô địch SEA Games 30, các tuyển thủ bóng đá nam và nữ Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tổ chức gặp mặt và mở tiệc chúc mừng tại Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam với thành tích lần thứ 6 lên ngôi tại SEA Games được cam kết thưởng hơn 18 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền thưởng của U22 Việt Nam được các doanh nghiệp, cá nhân cam kết trao tặng hiện đã lên tới hơn 13 tỷ đồng.

Nguyen-Thi-Oanh

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 3 HCV tại SEA Games 30 

Không chỉ đội tuyển bóng đá nam - nữ xứng đáng được biểu dương, khen thưởng mà những VĐV xuất sắc khác sau SEA Games 30 cũng cần sự quan tâm cả về tinh thần và vật chất từ cộng đồng cũng như các "mạnh thường quân". 

Câu chuyện về VĐV nhỏ bé Nguyễn Thị Oanh trên mạng xã hội khiến cho bao người đọc vẫn thấy xót xa. Chỉ nặng 46kg nhưng Oanh đăng ký thi 3 nội dung chạy thì đoạt HVC cả 3; thậm chí Oanh còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung cuối cùng khi sức đã cạn kiệt.

Trong buổi sáng, Oanh chạy 5.000m về nhất. Được nghỉ vài tiếng, lại chạy tiếp cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật. Oanh cán đích cũng là lúc em ngã xuống đường chạy vì kiệt sức, người co giật. Trả lời phòng vấn, Oanh nói mà như khóc “cám ơn các thầy đã giúp em chịu đựng được như thế này”. Sau đó, một mình Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV môn điền kinh - môn thể thao bản lề Olympic, nhiều hơn số HCV của 200 con người ở các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ cộng lại. Dù vậy, nhưng sau SEA Games 30, "cô gái vàng" Nguyễn Thị Oanh lại tiếp tục về bán giày online. 

Hay như Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, người đã được vinh danh với giải thưởng "Mega Athlete" dành cho vận động viên nữ xuất sắc nhất với 6 HCV và 2 HCB tại SEA Games 30. Khi trả lời phỏng vấn sau khi thi đấu, Ánh Viên đã khóc trước những câu hỏi về thành tích. "Tôi vẫn còn một số nội dung vào ngày mai, và sẽ cố gắng hơn nữa", Ánh Viên dùng tay lau nước mắt nói.

VĐV Phạm Thị Thu Trang giành HCV cho điền kinh Việt Nam ở nội dung đi bộ 10.000m của nữ tại SEA Games 30. Thu Trang chỉ là tân binh, giành vé tới SEA Games vào phút chót nhờ thế chỗ VĐV Phạm Thị Bích Hà. Nhưng ít người biết rằng, Thu Trang vẫn chạy grab 2 tiếng/ngày sau giờ tập luyện để kiếm tiền gửi về hỗ trợ gia đình ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội).

Liệu rồi sau ánh hào quang của những tấm huy chương, tương lai sắp tới của các cô gái vàng như Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Thu Trang... sẽ thế nào khi họ quay về với thực tại cuộc sống đang bủa vây những khó khăn? 

Những phút giây đứng trên bục vinh quang để nhận huy chương và hát Quốc ca giữa đấu trường quốc tế thường qua rất mau. Nhưng những gian truân, nhọc nhằn, gian khó mà nhiều VĐV đang phải đánh đổi mỗi ngày lại là quãng thời gian rất dài.

Còn nhớ, vào một ngày tháng 9/2013, VĐV Trần Xuân Hiền, VĐV bơi lội người Quảng Bình từng giành HCB ở SEA Games 2001 tử vong vì tai nạn giao thông khi đang trên đường mưu sinh để nuôi vợ và hai con thơ với những khó khăn của cuộc sống đời thường; Vũ Bích Hường, người đầu tiên mang lại tấm HCV danh giá cho điền kinh Việt Nam trên đường chạy vượt rào 100m tại SEA Games 1995, đang phải chống chọi với bệnh tật và nguy cơ không còn mái nhà để ở...

Ngay cả với những cầu thủ bóng đá nữ, mức lương bèo bọt, không hợp đồng đắt giá, cuộc sống của các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số trở nên vô cùng khó khăn sau khi họ treo giày về với gia đình.

Chuyện về thủ thành nổi tiếng của bóng đá nữ Việt Nam - Kim Hồng chắc nhiều người còn nhớ. Kim Hồng từng phải đi bán bánh mì để kiếm sống. Hay cựu tiền vệ Quách Thanh Mai, người từng vô địch SEA Games 22 trên sân nhà cùng ĐT Việt Nam từng đi phụ gia đình sửa chữa xe máy sau khi chia tay bóng đá. Rồi cựu tiền đạo Bùi Tuyết Mai của đội Hà Nội thì đi bán mỹ phẩm để có thêm thu nhập. Và thực tế, còn nhiều tuyển thủ nữ khác cũng đang phải mưu sinh đầy nhọc nhằn...

Sau khi giải nghệ, chỉ có khoảng 10% VĐV có việc làm, số đông còn lại đều phải vất vả mưu sinh bằng đủ các nghề. Không ít VĐV khi giã từ sàn đấu mang theo chấn thương bên mình, sức khỏe suy giảm nhưng không được chữa trị, hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, chính sách đãi ngộ cho VĐV hiện còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến cho nghề VĐV vẫn  bị coi là một trong những “nghề bạc bẽo”.

Dẫu biết, để có huy chương, là phải có đắng cay, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Dẫu biết chẳng có con đường nào chỉ "trải hoa hồng" và người tham gia thể thao đỉnh cao cũng vậy. Nhưng cái giá mà nhiều VĐV Việt Nam đang phải đánh đổi nhiều quá.

Thật may, sau khi đoạt chức vô địch SEA Games 30, một tổ chức giáo dục đã mời các tuyển thủ nữ đi học với mức học bổng tương đương 90% học phí từ bậc trung cấp nghề cho đến cử nhân.

Cùng đó, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho biết sẽ nhận bảo trợ nghề nghiệp cho các cầu thủ nữ đội tuyển Quốc gia Việt Nam cũng như các VĐV tham gia SEA Games 30 sau khi giải nghệ trên cơ sở nguyện vọng và địa bàn sinh sống của mỗi người.

So với các kỳ trước, tại kỳ SEA Games 30 lần này, số tiền thưởng dành cho các VĐV có huy chương tăng lên đáng kể. Nhưng vẫn mong, Nhà nước và cộng đồng, đặc biệt là các nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp có nhiều chính sách, hành động thiết thực hơn nữa để đảm bảo "cuộc sống tương lai" cho VĐV sau khi họ giải nghệ. Có như vậy, họ mới càng yên tâm tập luyện, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, mang về nhiều vinh quang hơn nữa cho Tổ quốc mến yêu của mình.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ