[CAFÉ cuối tuần] Người Sài Gòn mưu sinh

Nhàđầutư
Mỗi năm tôi thường về Sài Gòn vài ba lần, vào dịp mùa đông. Khi người Hà Nội đang co ro trong cái giá lạnh từ phương Bắc tràn về, đóng kín cửa nhìn ra đường thì người Sài Gòn vẫn náo nhiệt như ngày hội...
PHAN THẾ HẢI
22, Tháng 12, 2018 | 06:46

Nhàđầutư
Mỗi năm tôi thường về Sài Gòn vài ba lần, vào dịp mùa đông. Khi người Hà Nội đang co ro trong cái giá lạnh từ phương Bắc tràn về, đóng kín cửa nhìn ra đường thì người Sài Gòn vẫn náo nhiệt như ngày hội...

muu-sinh-o-sai-gon

Cực nhọc nghề mót sắt mưu sinh giữa Sài Gòn (Ảnh: Zing.vn)

Xuống sân bay, lấy một chiếc taxi về khách sạn ở trung tâm rồi từ đó tự mình khám phá thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông” thấy bao điều thú vị.

Để tiện cho việc ngắm phố phường, thi thoảng tôi lựa chọn cách di chuyển bằng cách gọi một cuốc xe lai làm vài vòng quanh trung tâm thành phố. Khám phá đầu tiên chính là người lái xe đấy. Điều ngạc nhiên là hầu hết những người làm xe lai lại là người Sài Gòn chính hiệu. Rằng em quê ở đây, em sinh ra ở đây, nhà em ở hẻm… quận Nhất, quận 3 hoặc Tân Bình...

Anh Cường, tuổi ngoài sáu chục, có thâm niên trong nghề ngót nửa thế kỷ tâm sự: Hồi mới giải phóng, anh chạy xe lai bằng… xe đạp. Khi xe đạp lạc hậu, xe máy trở nên phổ biến anh đổi phương tiện. Anh đã trải qua một đời vợ rồi chia tay, hiện sống độc thân. Anh khá hài lòng với đời sống hiện tại vì ít phụ thuộc vào người khác. Sáng sớm ngủ dậy, ăn sáng, café xong anh dắt xe ra góc đường, chạy vài ba cuốc, tới giờ ăn trưa xong về nhà làm một giấc. Buổi chiều nếu thích chạy thêm dăm cuốc nữa, mỗi ngày kiếm dăm ba trăm, đủ tiền ăn nhậu. Sống khỏe!

Theo một báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, lực lượng lao động tự do ở thành phố như trường hợp của anh Cường chiếm tỷ lệ khá cao, tới hàng trăm ngàn. Cùng với nghề chạy xe ôm là nghề thu gom phế liệu, dọn vệ sinh và bán hàng rong. Một bộ phận nhỏ trong số đó là người từ các tỉnh miền Tây còn hầu hết là dân gốc Sài Gòn. Lực lượng này không đòi hỏi trình độ văn hóa, tay nghề và kỷ luật lao động nên thích hợp với bản tính hồn nhiên của người bản địa.

Trong một lần lang thang đi bộ ở đường Hàm Nghi gần với nút giao cắt với đường Hồ Tùng Mậu, tôi bắt gặp một chàng trung niên bệ vệ, đẹp trai với chiếc tủ nhôm kính đứng bán nước ép trái cây. Không khỏi tò mò, tôi dừng lại quan sát thấy anh gọt trái cây, cho vào máy ép thao tác nhanh gọn, thuần thục như nghệ sỹ múa.

Hỏi thăm biết anh tên Bằng, người gốc Hoa. Theo gia phả thì đời cụ kỵ của anh là từ Quảng Đông, thời nhà Thanh loạn lạc phiêu dạt về lập nghiệp ở miền đất này. Anh tâm sự: Trước đây anh có một chân bốc xếp, xuất hàng ở kho siêu thị Parkson, nhưng rồi siêu thị này đổi chủ nên anh mất việc, anh làm thủ tục nghỉ hưu sớm. Một người hàng xóm lâm bệnh hiểm nghèo đã nhượng lại cho anh chiếc tủ này. Chỗ đặt tủ hàng là của ba người. Từ sáng sớm đến 11h sáng là của người khác chuyên bán quà sáng. Anh chỉ được bán từ 11h sáng tới 2h chiều, sau giờ đó lại là của người khác.

Làm vậy thu nhập thế nào? Anh cho biết: Mỗi ngày, tùy lúc đắt lúc ế, anh thu độ trên dưới vài triệu. Trừ giá vốn độ dăm trăm, lấy công làm lãi mỗi ngày anh có hơn triệu. Vất vả nhưng có đồng ra đồng vào.

Cũng là người bán hàng quà ven đường như chị Quyên ở Quận Tân Bình lại có mức thu nhập hẻo hơn. Nhà chị ở trong con hẻm sát đường Huỳnh Văn Nghệ, nơi ngụ cư của hầu hết người ngoại tỉnh, hầu hết là từ Bắc vào. Quán nhà chị bán đủ thứ, từ hàng bách hóa, gói bimbim, rượu quốc lủi cho tới thẻ điện thoại, trà mạn xứ Bắc và cả café pha sẵn. Chị bảo: ấm trà Bắc loại thường thu 10 ngàn. Ly café 12 ngàn. Bán được mỗi món chị lãi vài ngàn. Chịu khó nhặt nhạnh, cái quán ấy cũng đủ nuôi sống gia đình 5 miệng ăn. Thi thoảng nhà có việc, chị phải vay mượn rồi trả dần.

So với những tỉnh lẻ, người Sài Gòn có nhiều cách để mưu sinh. Dẫu rằng so với những nghề khác làm việc trong các tòa cao ốc sang trọng, họ có thu nhập thấp hơn nhưng vẫn có thể sống khỏe.

Điều đáng lo ngại là những người lao động tự do thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hầu hết họ làm việc không có hợp đồng và tất nhiên họ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích khi xảy ra tai nạn hay tranh chấp.

Bên cạnh một Sài Gòn của những người lao động tự do là một Sài Gòn khác của những người thành đạt, sang trọng. Nguyễn Thanh Vân, một cử nhân Ngân hàng tốt nghiệp loại ưu từ Hà Nội, qua nhiều vòng thi tuyển hiện đang làm việc cho một ngân hàng thương mại nước ngoài. Cùng với thu nhập chính độ 2 ngàn đô mỗi tháng, cô còn tham gia sàn chứng khoán và có thêm một số khoản thu nhập ngoài lương. Là một cô gái trẻ, chưa lập gia đình nhưng cô đã kịp mua cho mình một căn hộ hạng sang trong khu đô thị của tập đoàn Đất Xanh. Mỗi năm cô giành thời gian nghỉ phép đi chơi một số nước để mở mang tầm nhìn. Gặp tôi, cô tiết lộ: cháu đã thay hai cuốn hộ chiếu rồi chú à. Mỗi lần xuất cảnh, đóng dấu thị thực vào một trang, vậy mà cuộc phiêu lưu của cô đã hết hai cuốn!

Trường hợp của Thanh Vân chưa phải đã là gì ghê gớm, nhiều người về Sài Gòn lập nghiệp, họ không chọn cách làm thuê mà là làm chủ. Sau khi đã lựa chọn được mặt hàng, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, họ thành lập doanh nghiệp riêng rồi thuê người làm. Phan Thanh Tùng, chàng trai xứ Nghệ sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế đã vào Sài Gòn, thoạt đầu làm thuê cho siêu thị Nguyễn Kim rồi khi đã tích lũy được kinh nghiệm, vốn liếng, anh ra ngoài mở quán café. Mở một quán thành công, nguồn thu tốt, anh thuê thêm địa điểm, mở quán mới. Sau 5 năm, hiện chuỗi café của anh đã có gần chục quán với mức thu nhập hàng tháng gần hai trăm triệu. Ngồi với tôi ở quán Café Sỏi Đá trên đường Ngô Thời Nhiệm, anh tâm sự: Mỗi tuần em phải giành hai buổi để training cho nhân viên và duy trì chế độ KPI. Hơi vất vả chút nhưng thu nhập rất ổn.

Lang thang trên đường Nguyễn Huệ người ta dễ dàng nhìn thấy Tòa tháp Bitexco Financial hình búp sen nổi bật lên không trung soi bóng xuống sông Sài Gòn. Hỏi thăm được biết ông chủ của tập đoàn Bitexco là Vũ Quang Hội, doanh nhân này sinh năm 1963 và trưởng thành từ quê lúa Thái Bình.

Sài Gòn người ta cũng nhận thấy sự nổi bật của The Landmark 81 ven sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh. Đây là tòa nhà chọc trời trong tổ hợp dự án Vinhomes Tân Cảng mà ông chủ của nó là Phạm Nhật Vượng, một doanh nhân gốc Hà Tĩnh. Và cũng không thể không nhắc đến khu đô thị Đại Quang Minh to đẹp, hoành tráng ở quận 2 mà ông chủ của nó là Trần Bá Dương, một người gốc Huế.

Là trung tâm kinh tế lớn, năng động, thành phố này đã tạo ra vô vàn cơ hội để mưu sinh. Những người Sài Gòn bản địa vốn được thừa hưởng những ưu đãi từ thiên nhiên của miền đất này nên họ thường hài lòng với cuộc sống hiện tại. Điều này giải thích vì sao những người thành đạt, tạo nên sức sống mới cho thành phố hầu hết là những người ngoại tỉnh. Những đại lộ lớn mang tên các danh nhân như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phan Đăng Lưu… hầu hết là những người ngoại tỉnh.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ một câu trong tiểu thuyết lừng danh: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Colleen Mc Cullough: “Có lẽ những gì quý giá nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại…”

Đất Sài Gòn hiền hòa và bình yên, không hạn hán, không bão lũ nên những người gốc Gài Gòn dễ bằng lòng với cuộc sống hiện tại và phải nhờ đến những người ngoại tỉnh đến để tạo nên sự phát triển rực rỡ của thành phố như ngày hôm nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ