[CAFÉ Cuối tuần] Hai biểu tượng tỷ đô trên phố Láng Hạ

Nhàđầutư
Phố Láng Hạ, cung đường đắt giá bậc nhất thủ đô, là nơi tọa lạc của hai doanh nghiệp có giá trị tỷ đô của Việt Nam. Một bên là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam - PVN, còn bên kia là ngân hàng thương mại tư lớn nhất sàn chứng khoán - VPBank.
HỒ MAI
21, Tháng 10, 2017 | 12:14

Nhàđầutư
Phố Láng Hạ, cung đường đắt giá bậc nhất thủ đô, là nơi tọa lạc của hai doanh nghiệp có giá trị tỷ đô của Việt Nam. Một bên là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam - PVN, còn bên kia là ngân hàng thương mại tư lớn nhất sàn chứng khoán - VPBank.

VPBank-PVN3

Hai tòa nhà VPBank và PVN nằm đối diện trên đường Láng Hạ. 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trước đây từng đặt trụ sở tại số 8 Lê Thái Tổ, cạnh hồ Hoàn Kiếm. Khu đất này được cho là đồng sở hữu giữa VPBank và Tập đoàn Bảo Việt. Sau đó, VPBank tiếp tục chuyển trụ sở về địa chỉ 72 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, VPBank một lần nữa công bố quyết định di dời trụ sở về khu “đất vàng” 89 Láng Hạ, nằm ở vị trí đắc địa vào loại bậc nhất Hà Nội (ngã tư Thái Hà - Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng).

Khu đất 89 Láng Hạ trước đây từng được dự kiến là nơi xây tòa tháp làm trụ sở của Tập đoàn FPT. Được khởi công năm 2009, cao ốc này ban đầu còn được dự kiến hoàn thành vào ngày 13/9/2010, nhân kỷ niệm 22 năm thành lập FPT, nhưng tiếc rằng “tổ ấm” đẳng cấp sau nhiều năm chờ đợi của FPT mới chỉ hoàn thành phần móng nhú lên khỏi mặt đất đã phải nằm “đắp chiếu” nhiều năm và sau đó được chuyển nhượng sang chủ mới.

Một vài thông tin ít ỏi từ FPT tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2011 diễn giải, sở dĩ FPT quyết định chuyển nhượng vì xét thấy đầu tư không hiệu quả. Tuy nhiên, chi tiết thương vụ hợp đồng không được công bố.

VP bank

Mô hình dự án 89 Láng Hạ theo thiết kế ban đầu là trụ sở của FPT (trái) và tòa VPBank hiện tại.

Một số nguồn tin cho rằng, để tiếp quản khu đất 89 Láng Hạ đã thi công xong tầng hầm, VPBank đã thay đổi thiết kế so với ban đầu. Thiết kế ban đầu của “cao ốc FPT” có hình trụ tròn do Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự đảm nhận. Vấn đề ở chỗ tòa nhà này nằm đối diện với một tòa nhà có thiết kế "ngoác" ra hai bên như “hàm cá mập” là trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (số 18 Láng Hạ). Do vậy, VPBank đã thay đổi thiết kế sao cho tòa nhà trở nên “góc cạnh” hơn, để tránh bị “cá mập” nuốt theo quan niệm “cá lớn nuốt cá bé”.

Tòa nhà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam - PVN) là tòa nhà mà PVN mua lại của một tập đoàn xây dựng khác từ năm 2008. Trụ sở của PVN từng được xem là một trong 20 công trình kiến trúc thời kì đổi mới. Tuy nhiên, về phong thuỷ nhiều người từng chê tòa PVN khi nằm ở thế đất hình "móng ngựa" và dựa lưng vào hồ Thành Công. 

PVN 13

Tòa PVN nằm "dựa lưng" vào hồ Thành Công. Ảnh: Zing.vn

Nằm đối diện nhau tại cung đường đắt giá bậc nhất thủ đô, cả PVN và VPBank đều đang là hai doanh nghiệp có giá trị tỷ USD.

Chính thức niêm yết cổ phiếu VPB trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ ngày 17/8/2017, giá trị thị trường của VPBank tính đến hết phiên giao dịch ngày 21/10 đạt hơn 61.000 tỷ đồng (tương đương khoảng gần 3 tỷ USD), bỏ xa các ngân hàng còn lại có cùng quy mô như ACB, MBBank hay Sacombank và chỉ xếp sau ba ngân hàng TMCP nhà nước Vietcombank, BIDV, Vietinbank.

Trong năm 2016, VPBank có mức lãi sau thuế gần 3.900 tỷ đồng, dẫn đầu các nhà băng thương mại cổ phần và chỉ bằng khoảng 70% so với các ông lớn quốc doanh. Tuy nhiên, nếu xét về khả năng tạo lợi nhuận thì ngân hàng này lại dẫn đầu.

Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của VPBank là quanh 27 - 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác. 

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng là mức cao nhất. Tổng hợp số liệu từ báo cáo năm 2016 cho thấy ROA của ngân hàng này khoảng 1,7%.

Với kết quả kinh doanh đạt được sau quý II/2017, VPBank đã trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ tư tại thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau BIDV, Vietcombank và Vietinbank, trong khi tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thấp hơn nhiều lần.

Dù vậy, đi kèm với những con số tạo lợi nhuận lạc quan, VPBank cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với mặt bằng chung. 

Nhưng cũng không phủ nhận rằng, VPBank đã tự đề ra chiến lược để chuyển đổi và trở thành ngân hàng bán lẻ đứng đầu về hiệu quả hoạt động với những “trái ngọt” sau 5 năm theo đuổi chiến lược bán lẻ. VPBank đã thực hiện chuyển giao mảng cho vay tiêu dùng sang một công ty con là FE Credit. FE Credit được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank khi đã đóng góp một nửa lợi nhuận cho ngân hàng trong hai năm qua.

Về phần PVN, hiện tập đoàn này đang trực tiếp nắm giữ cổ phần của 11 doanh nghiệp thành viên đang niêm yết và hầu hết số này là những doanh nghiệp thành viên chủ chốt như PVGas (GAS), PV Drilling (PVD), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), PTSC (PVS)… Đáng kể nhất là PVN đang sở hữu 95,7% cổ phần tại PVGas – doanh nghiệp có vốn hóa hơn 135.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 5 tỷ USD).

Kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác vào năm 1986 tại mỏ Bạch Hổ, trải qua gần ba thập kỷ, PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh của quốc gia. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, đại gia dầu khí của Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng, có thể nói là khó khăn nhất kể từ khi thành lập.

PVN đang phải đối mặt với hàng loạt bê bối nhân sự cấp cao trong các đại án kinh tế; kết quả kinh doanh sụt giảm; nhiều dự án thua lỗ cùng các khoản đầu tư kém hiệu quả. Trong 12 dự án yếu kém ngành công thương, PVN chiếm nhiều nhất với 5 dự án. 

Dù vậy, PVN hiện vẫn là tập đoàn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam và là “gã khổng lồ” số 1 trong ngành dầu khí, trong khi ngân hàng tư nhân VPBank đang rượt đuổi sát nút các nhà băng lớn như Vietinbank, BIDV về giá trị thị trường.

Với những khó khăn mà PVN đang trải qua, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng những lời hứa sẽ sớm thành hiện thực. Ít nhất là việc thoái vốn, cổ phần hóa những doanh nghiệp mạnh trong hệ thống các công ty con của PVN như PV Oil, BSR, PV Power đã thất hẹn nhiều lần. Cả 3 doanh nghiệp này đều nằm trong kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào giai đoạn cuối năm nay của PVN.

Hai toà tháp vẫn hàng ngày vừa đồng hành vừa đối diện nhau trên phố Láng Hạ có thể coi  như hai biểu tượng cho khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực tư tuy "xây dựng" sau nhưng vươn lên mạnh mẽ, trong khi khu vực công có nền tảng từ trước nhưng đang "cơn đau" tái cơ cấu. 

TỪ KHÓA:
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ