[CAFÉ cuối tuần] Chết dở vì thông tư!

Nhàđầutư
Chết dở là chưa chết thật sự theo nghĩa đen, nhưng là một tình trạng nguy hiểm, dở khóc dở cười, khổ sở và có thể dẫn đến “chết thật”. Thông tư là một dạng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn nghị định, do cấp bộ và bộ trưởng ký ban hành.
NGUYỄN THÀNH PHONG
03, Tháng 11, 2018 | 06:37

Nhàđầutư
Chết dở là chưa chết thật sự theo nghĩa đen, nhưng là một tình trạng nguy hiểm, dở khóc dở cười, khổ sở và có thể dẫn đến “chết thật”. Thông tư là một dạng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn nghị định, do cấp bộ và bộ trưởng ký ban hành.

chet-do-vi-thong-tu

Nhiều doanh nghiệp và người dân kêu trời vì thông tư, quy chế, quy định…

Thực tế ở ta, muốn thực hiện đúng luật định, phải căn cứ vào sự hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật là nghị định do Chính phủ ban hành cùng một hệ thống các thông tư, quy định, quy chế và một số dạng quy phạm pháp luật khác do cấp bộ, bộ trưởng và các pháp nhân hành pháp, tư pháp khác ban hành. Luật thì thường là ở dạng phổ quát, còn văn bản dưới luật là cụ thể, diễn giải, hướng dẫn. Hệ thống văn bản này nhiều khi rất lạc hậu so với thực tế, ôm đồm và phức tạp, rắc rối, thậm chí có thể “lái”, có thể dẫn đến “xa” luật, “phá” luật”.

Ở ta, đã có nhiều chuyện “chết dở” vì nghị định, thông tư, quy định, quy chế rồi, kể ra khó mà hết: “Khổ vì thông tư”, “Thông tư to hơn nghị định”, “Thông tư sống, nghị định chết”, “Nghị định ít, thông tư nhiều”… Trong đó, đã có chuyện nhiều doanh nghiệp và người dân kêu trời vì thông tư, quy chế, quy định… trong đủ các lĩnh vực của đời sống và kinh doanh…

Tại kỳ họp mới đây, mấy chuyện “chết dở” vì các loại văn bản quy phạm pháp luật này lại nóng lên, càng cho thấy rõ điều đó.

Đó là chuyện anh thợ điện bán 100 đô cho cửa hàng vàng bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ. Nếu chiểu theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì việc xử phạt là đúng. Bất cứ ai có hành vi này, theo quy định của Nghị định 96, đều phải đối mặt với mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Biết quy định rồi thì thấy, chỉ có hạng “tôm tép”, vì may mắn nào đó mà có chút ngoại tệ vãng lai, kiểu được tặng, cho, biếu, lớ ngớ đi bán mới dễ dính phạt, còn hạng “cá to” có vài ngàn, chục, trăm ngàn đô trở lên thì “khôn” lắm, dính sao được? Một quy định mà chỉ nhằm vào được đối tượng vãng lai lớ ngớ thì sao có được chế tài răn đe và xử phạt nhằm giữ nghiêm phép nước?

Chuyện thứ hai là quy định bán dâm “bốn lần” áp dụng cho sinh viên ngành sư phạm. Một quy định ôm đồm, ngáo ngơ, không thực tế đến mức… buồn cười. Quy định này đã ban hành, giờ đem ra sửa đổi, chắc chưa dẫn đến tình trạng “chết dở” của nhiều người, nhưng thật sự đã đẩy vị bộ trưởng “đội sổ” tín nhiệm thấp của Quốc hội lún sâu thêm trong tình trạng “chết dở” về uy tín và câu hỏi nghi ngờ về sự trung thực, trách nhiệm và năng lực quản lý ngành của ông.

Câu chuyện thứ ba là chuyện Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT được nêu ra khá gay gắt tại nghị trường Quốc hội. Vị bộ trưởng Bộ GTVT cũng vừa bị sếp sát ngay sau vị trí đội sổ tín nhiệm thấp của Quốc hội. Đã có chuyện doanh nghiệp BOT kiến nghị khá lâu rồi về việc tại thông tư này, Bộ GTVT đã “quên” việc đề cập mức phí cho hạng mục hầm đường bộ, dù hầm đường bộ có tổng mức đầu tư lớn hơn nhiều, nhưng lại chỉ được thu mức phí bằng mức của đường bộ thông thường, nếu không được sửa đổi, thì các hầm đường bộ sẽ vỡ phương án tài chính, nguồn thu không đủ hoàn vốn theo hợp đồng dự án. Cùng với đó là thông tin các hầm đường bộ trọng điểm như Đèo Cả, Hải Vân có thể đóng cửa, Hầm đường bộ Cù Mông đang triển khai quyết liệt sớm đưa vào sử dụng sẽ đình lại, trả cho Bộ GTVT.

Đây chính là câu chuyện điển hình doanh nghiệp “chết dở” vì thông tư, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia “chết dở” vì thông tư và tình trạng “chết dở” có nguy cơ nhãn tiền chuyển nhanh sang “chết thật”. Câu chuyện này rất lớn, liên quan đến nhiều vấn đề rất lớn. Đã có nhiều bài báo phân tích rất sắc bén xung quanh vấn đề này, cho đây chính là món nợ cơ chế của Bộ GTVT, là điểm “nghẽn” chính sách, là sự "ùn tắc" đáng ngạc nhiên ở ngay trụ sở Bộ GTVT...

Trong ba câu chuyện “chết dở” trên, thì hai chuyện sau là liên quan đến hai vị bộ trưởng đội sổ tín nhiệm. Rõ ràng hai vị ấy đã thiếu bao quát, thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đến vai trò “kiến tạo”, thực thi chưa đúng với chủ trương của người đứng đầu Chính phủ hiện nay. Quốc hội có số phiếu đội sổ tín nhiệm thấp cho hai vị ấy là chuẩn.

Ba câu chuyện “chết dở” trên còn cho thấy thực trạng của đội ngũ tham mưu của các bộ ngành trong việc đề ra chính sách pháp luật hiện nay là còn ở tình trạng rất trì trệ, lẽo đẽo chạy theo thực tế phát triển, năng lực chưa cao nhưng lại ôm đồm và bao việc… Các bộ trưởng muốn nâng cao năng lực và uy tín của mình thì phải có một đội ngũ tham mưu giúp việc đủ năng lực và có tinh thần trách nhiệm cao. Làm thế nào để đạt được điều ấy, vẫn là một câu hỏi dài…

Tại diễn đàn Quốc hội, và không chỉ lần này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nêu vấn đề về việc có những chủ trương, chính sách pháp luật chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến lợi ích và sự phát triển của người dân, của doanh nghiệp, thì phải nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp…

Cũng đã có ngay những động thái tích cực để hy vọng tháo gỡ, sửa đổi, hủy bỏ những bất hợp lý đến phí lý trong mấy câu chuyện “chết dở” nói trên.

Hy vọng là mọi chuyện sẽ diễn tiến nhanh hơn, nút thắt sẽ sớm được gỡ bỏ để giảm thiểu hệ lụy.

Và còn hy vọng lớn hơn nữa là sẽ càng ngày, xã hội, người dân và doanh nghiệp, càng ít phải chứng kiến và “va chạm” với những lạc hậu, phi lý như đã nói ở trên.

Uy tín “kiến tạo” của Chính phủ sẽ càng ngày càng được nâng cao thực sự hơn, có sức thuyết phục thực tế hơn, chính là từ vấn đề này!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ