Thông tư 23 của Bộ KH&CN: Nên bỏ vì kìm nén doanh nghiệp phát triển

Nhàđầutư
Đó là khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khi trao đổi với Nhadautu.vn liên quan đến việc Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 23 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
THỦY TIÊN - ANH TRÚC
26, Tháng 09, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Đó là khẳng định của GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) khi trao đổi với Nhadautu.vn liên quan đến việc Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 23 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

GS-TSKH-Nguyen-Mai

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài khẳng định: "Tốt nhất nên bỏ Thông tư 23" Ảnh: Phong Cầm

Gây ra nhũng nhiễu, tham nhũng

Thông tư 23 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, được Bộ KH&CN ban hành tháng 11/2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016. Sau khi ra đời, thông tư này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của doanh nghiệp (DN) cũng như các hiệp hội DN nước ngoài. Bởi theo các chuyên gia cũng như DN, Thông tư 23 hạn chế sự phát triển của DN, và đây cũng chính là cơ sở gây ra nhũng nhiễu, tham nhũng.

Tháng 2/2017, Chính phủ có Nghị quyết số 19 giao Bộ KH&CN nghiên cứu sửa đổi bổ sung Thông tư 23. Mới đây, Bộ KH&CN đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23. Dự thảo sửa đổi đã nêu ra hai phương án đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư gồm:

Phương án 1: Thiết bị, dây chuyền công nghệ có tuổi tối đa không quá 20 năm hoặc tuổi thọ còn lại không ít hơn 10 năm.

Phương án 2: Thiết bị, dây chuyền nhập ckhẩu hất lượng còn 75% trở lên.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, cả hai phương án trên đều không khả thi, kìm nén sự phát triển của DN. “Năm 2014, Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng ra đời, ngay lập tức đã gặp phải phản ứng rất gay gắt của các DN cơ khí. Tại rất nhiều cuộc hội thảo, các hiệp hội DN nước ngoài (như Jetro, AmCham) cũng phản đối thông tư này", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Theo GS Nguyễn Mại, các ý kiến cho rằng Thông tư 20 quy định theo hướng quản lý nhà nước chứ không phải là hướng tạo điều kiện cho DN nhập khẩu các thiết bị cần thiết trong từng ngành để phù hợp với điều kiện thực tế của từng DN Việt Nam. Các ý kiến đó được gửi cho Thủ tướng. Sau đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo ngừng Thông tư 20”.

Sau đó, Thông tư 23 ra đời, thay thế Thông tư 20. Thông tư 23 có khảo sát một số nước đưa ra những quy định mới và có sửa đổi so với Thông tư 20. Nhưng về cơ bản vẫn giữ hai cách kiểm soát việc nhập thiết bị cũ.

Vấn đề được quan tâm nhất là làm thế nào để Việt Nam không trở thành bãi rác thải khi nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ của các nước? Để trả lời câu hỏi này, GS.TSKH Nguyễn Mại phân tích: Có nhiều nước “nhăm nhe” đưa các thiết bị, không chỉ thiết bị cũ mà cả các thiết bị mới. Nhiều công trình xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng hiện nay đang bị “đắp chiếu”, các công trình đó không phải nhập khẩu thiết bị cũ mà là mới. Có công trình nhập thiết bị không phù hợp với sản xuất, không đồng bộ hoặc không tạo ra sản phẩm.

GS. Mại lấy ví dụ như nhà máy Gang thép Thái Nguyên, nhập thiết bị mới từ Trung Quốc, hay các nhà máy hóa chất của Tập đoàn Hoá Chất (Vinachem) là do nhập các thiết bị mới nhưng không phù hợp và không sử dụng tốt nên đã gây ra thua lỗ và phải đắp chiếu nhiều năm. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, xử lý.

“Nếu Bộ KH&CN không có cách tiếp cận đúng thì các thông tư sẽ không tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như điều kiện hạn hẹp về vốn của các DN. Bởi vậy, theo tôi cả hai phương án mà Bộ KH&CN đưa ra tại dự thảo Thông tư để thay thế Thông tư 23 cần cân nhắc lại", GS. Mại khẳng định.

Cụ thể, với phương án 1 - phương án thiết bị còn chất lượng 75%, GS Nguyễn Mại cho biết đã nói tại nhiều hội thảo cũng như thông qua thực tế. "Bất kỳ một chuyên gia nào nhìn vào một đống sắt thép mà bảo máy móc còn 70 hay 80% là điều không thể. Hơn nữa, khi nhập về Việt Nam, các thiết bị đang tháo rời mà bảo giám định xem bao nhiêu % là điều không khả thi", ông Mại nói.

GS. Mại cho biết, trong nhiều cuộc hội thảo, ngay cả cơ quan giám định của nước ta cũng khẳng định không ai giám định được chất lượng bao nhiêu %. Quy định 75% chất lượng là một cơ sở để gây ra nhũng nhiễu, tham nhũng. Ví dụ: máy móc chỉ còn lại 50% anh muốn đưa lên 75% thì chỉ làm “luật” là xong. "Nên tôi cho rằng phương án 75% chất lượng máy móc là không khả thi", Chủ tịch VAFIE khẳng định.

Với phương án 2 - phương án thời gian sản xuất là 10 năm hoặc 20 năm, tùy theo loại thiết bị, phương án này thoạt nghe thì rất đúng. "Nhưng thử hỏi, nhiều máy móc cơ khí bình thường, như máy móc nông nghiệp hay máy móc GTVT (xe ủi, xe lăn) thì rõ ràng là ở nước nào đó đang sử dụng, nhưng họ có đưa ra công nghệ cao hơn, họ không sử dụng nữa mà bán rẻ, DN mua về làm được mà bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc gì phải cấm. Cho nên phướng án này tốt hơn phương án 75% nhưng vẫn quá khắt khe”, GS.TSKH Nguyễn Mại bình luận.

Các nước quy định ra sao?

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng không có quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nhưng thử hỏi xem Thái Lan đã thành bãi rác của thế giới chưa? Câu trả lời là chưa.

Từ đó, Chủ tịch VAFIE đề xuất các quy chuẩn về nhập khẩu thiết bị cả mới và cũ theo 3 tiêu chí:

-Tiêu chí thứ nhất: Là phải bảo đảm môi trường. Môi trường có 3 vấn đề chính gồm: Khói, bụi và khí thải nhà kính. Nếu nhà nước đã có điều kiện tiêu chuẩn cho từng loại thì phải quy định rõ. Nếu các thiết bị mới hay cũ mà gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng tới nhà dân xung quanh thì không được phép nhập khẩu.

-Tiêu chí thứ 2: Là tiêu chuẩn rất quan trọng đó là thiết bị cũ hay mới đều phải đảm bảo an toàn lao động. Phải đặt vấn đề an toàn cho người lao động lên hàng đầu. Không vì tham nhập thiết bị cũ, rẻ mà gây ra tai nạn lao động. Thiết bị càng hiện đại người ta càng tôn trọng lao động, nhưng các thiết bị càng cũ, càng xấu là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động.

-Tiêu chí thứ ba: Là hiệu quả sử dụng. Rõ ràng DN đầu tư cần hiệu quả kinh tế, đầu tư ít, lãi nhiều. Còn nhà nước cần hiệu quả kinh tế xã hội và làm thế nào để có các nguồn thu, lợi ích cộng đồng.

Với 3 tiêu chí trên, bắt buộc các DN sau khi nhập khẩu về lắp đặt rồi đưa vào sử dụng phải báo với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Bộ KH&CN, TN&MT để giám sát, cử những chuyên viên có trình độ, đưa các máy móc đến đo đếm chất lượng thiết bị nhập khẩu. Nếu thiết bị cũ nhập khẩu về, lắp đặt xong và vận hành mà đạt cả ba tiêu chí trên thì cho phép nhập khẩu. Nếu không đạt thì quy định một thời gian nào đó để DN phải nâng cấp, bảo trì để đạt yêu cầu. Sau thời gian quy định mà không đạt yêu cầu thì áp dụng chế tài không cho vận hành.

“Tôi chắc chắn rằng không có DN nào dại dột đến mức đổ tiền vào nhập khẩu thiết bị mà không thể vận hành vì tốn vốn, chi phí và cuối cùng là thua lỗ. Năm 2000 tôi có đến Mexico, cơ quan phụ trách đầu tư nước ngoài của Mexico cho biết, nước họ không quản việc nhập thiết bị, dây chuyền cũ. DN phải tự chịu trách nhiệm lấy. Còn nếu khi đưa vào hoạt động mà vi phạm các quy định thì họ có các chế tài xử phạt, nặng nhất là đóng cửa nhà máy. Đây là chính sách rất rạch ròi các quyền của cơ quan nhà nước, đồng thời tôn trọng quyền kinh doanh của DN trong những việc mà pháp luật không cấm”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.

Cũng theo GS Nguyễn Mại, ở nước ta hiện nay không thiếu các quy định, các chế tài và luật. Song, khâu quản lý của nước ta đang tỏ ra yếu kém, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. “Ví dụ như sự cố Fomorsa. Chỉ khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Phản ứng như vậy là rất chậm, dù khắc phục được sự cố nhưng thiệt hại cho nhà nước là rất nhiều. Nếu bộ máy quản lý của chúng ta mạnh thì không việc gì phải sợ hãi việc nhập thiết bị cũ. Bởi vậy, theo ý kiến của tôi, tốt nhất không nên có Thông tư 23. Chúng ta có thể học Thái Lan, những gì tốt của họ chúng ta nên học”, GS.TSKH Nguyễn Mại thẳng thắn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ