Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được hiện thực hoá

Nhàđầutư
Về vấn đề đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng có sự không thống nhất giữa các Bộ, ngành trong tính toán số lượng điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, việc cắt giảm này chưa được hiện thực hóa ở cấp độ thực thi.
KHÁNH AN
04, Tháng 07, 2019 | 15:41

Nhàđầutư
Về vấn đề đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng có sự không thống nhất giữa các Bộ, ngành trong tính toán số lượng điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, việc cắt giảm này chưa được hiện thực hóa ở cấp độ thực thi.

Không thống nhất trong cách tính toán số lượng điều kiện kinh doanh

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 4/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư ( KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, các Bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018.

Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ (tháng 5 năm 2019), các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu).

Tuy vậy, qua nghiên cứu rà soát và làm việc trực tiếp với một số Bộ, ngành cho thấy có sự khác biệt về cách tính toán số lượng điều kiện kinh doanh.

Nếu chia theo cấp độ (điều kiện kinh doanh cấp độ chung; điều kiện kinh doanh con; điều kiện kinh doanh cháu, chắt) hay nói một cách hình tượng là rà soát ở cấp độ "cây, cành, lá", một số ít Bộ có thể rà soát ở cấp độ điều kiện kinh doanh chung (trong đó có thể gồm nhiều điều kiện kinh doanh nhỏ - cấp độ cây).

Một số Bộ khác tính đến điều kiện kinh doanh con (ở cấp độ nhỏ hơn - cấp độ cành), trong khi có Bộ tính đến điều kiện kinh doanh cháu (ở cấp độ nhỏ hơn nữa - cấp độ lá). Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) cũng đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành.

Trong đó, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh trung bình đạt 32% . Chỉ có 2 Bộ vượt mức yêu cầu là Bộ NN&PTNT (73%) và Bộ Y tế (55%). Ngoài ra, có 2 Bộ về cơ bản đạt yêu cầu, gồm: Công thương (47%); Xây dựng (44%). 3 Bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt từ 31-40% là LĐ-TB&XH (40%); TN&MT (38%); GTVT (36%)...

nguyen-chi-dung-1309

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rẳng, phương pháp kiểm đếm của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính tới “điều kiện kinh doanh con – cấp độ cành”, chứ chưa bao quát được đến hết tới “điều kiện kinh doanh cháu, chắt,… - cấp độ lá”. Có thể có trường hợp, một số Bộ chỉ rà soát điều kiện kinh doanh ở cấp độ chung (cấp độ cây), chứ chưa rà soát tới điều kiện kinh doanh con, cháu, chắt (cấp độ cành, lá).

Cũng có một số rất ít Bộ rà soát sâu tới cấp độ cháu, chắt (cấp độ lá). Tuy nhiên, đa số các Bộ, ngành rà soát tới điều kiện kinh doanh con (cấp độ cành) như cách rà soát của Viện.

Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh rằng, trong phương pháp kiểm đếm của một số Bộ thì điều kiện kinh doanh sửa đổi (có thể chỉ là sửa câu chữ, cách diễn đạt, hoặc không tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp,…) nhưng vẫn được tính vào tỷ lệ điều kiện kinh doanh bãi bỏ, đơn giản hoá.

“Vì vậy, kết quả đánh giá độc lập của Viện có thể có sự khác biệt so với kết quả báo cáo của các Bộ. Tuy nhiên, kết quả nêu trên cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách và cần nỗ lực cải cách thực chất hơn nữa về điều kiện kinh doanh.” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần có hướng dẫn

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, trong những tháng đầu năm 2019, Bộ này đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại phụ lục kèm theo Luật Đầu tư.

Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật Đầu tư (đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.

Tuy vậy, có một số Bộ đề xuất sửa đổi riêng từng Nghị định, nhưng đến nay vẫn còn Nghị định chưa được ban hành. Ngoài ra, theo kế hoạch rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số Bộ còn đề xuất kế hoạch sửa các luật liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Bộ chưa nhận được thông tin rõ ràng về nội dung cũng như tiến độ sửa đổi các luật như đề xuất của các Bộ.

Vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý rất cần có sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện giữa các Bộ, ngành.

toan-canh-1347

Cuộc họp trực tuyến của Chính phủ và các địa phương sáng 4/7. Ảnh: VGP.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được thực thi.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết trong năm 2018, Thủ tướng giao cho các Bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh. Dù vậy, vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết thêm hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát quá trình thực thi những cải cách này.

Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh.

Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như chưa được hiện thực hoá ở cấp độ thực thi.

Do đó, các Bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để đảm bảo các cải cách về điều kiện kinh doanh được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy cải cách thực chất về điều kiện kinh doanh.

Giải pháp đầu tiên là yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, giám sát sát sao việc triển khai thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh đã được ban hành; đảm bảo thực thi nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp thực thi.

Thứ hai, đăng tải đầy đủ các điều kiện kinh doanh hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý trên trang thông tin điện tử của Bộ, ngành (hoàn thành trước 10/7/2019). Rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng.

Tiếp đó là yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương cập nhật thông tin về các cải cách điều kiện kinh doanh được thực thi ở cấp địa phương; đảm bảo các cơ quan, đơn vị liên quan nắm rõ và thực thi hiệu quả những cải cách này.

Cùng với đó yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh.

Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ