Bất động sản Quảng Nam có còn hợp ‘khẩu vị’ với nhà đầu tư?

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện dự án, song gặp nhiều rào cản, trong đó vướng mắc lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
15, Tháng 11, 2021 | 11:10

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện dự án, song gặp nhiều rào cản, trong đó vướng mắc lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là do giải phóng mặt bằng.

Không có mặt bằng triển khai dự án

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hiện nay nhiều chủ đầu tư bất động sản có tiềm lực muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động. Song nhiều dự án phải chờ nhiều năm vẫn chưa có quỹ đất sạch bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện, khiến dự án phải kéo dài, chậm tiến độ. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều dự án bất động sản hiện nay đang trục trặc về thời gian đầu tư, nguyên nhân chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng.

Đại diện một doanh nghiệp đang phát triển dự án đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho biết, vấn đề hiện nay hầu hết các doanh nghiệp phát triển dự án trên địa bàn tỉnh gặp phải là không có mặt bằng sạch để thi công dự án. Nhiều doanh nghiệp có tiền, tiềm lực muốn triển khai nhanh dự án để đi vào hoạt động nhưng vẫn không thể thực hiện được, nguyên nhân chính là vướng mặt bằng.

Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, nhà nước phải thực hiện thu hồi đất bàn giao cho nhà đầu tư đối với phần đất còn lại, nhà đầu tư đã thương lượng tự thỏa thuận được 90-95% diện tích của dự án. Để đảm bảo cho nhà đầu tư thực hiện được dự án theo đúng quy hoạch được duyệt đồng thời đảm bảo mặt bằng giá bồi thường giải phóng mặt bằng đúng theo quy định.

“Trong trường hợp nhà đầu tư không được hỗ trợ về chính sách bồi thường thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giải phóng bồi thường đối với phần diện tích còn lại thì sẽ ảnh hưởng đến: Quyền lợi của các hộ đã giải phóng mặt bằng; giá bồi thường trên địa bàn sẽ bị phá vỡ (theo hướng tăng giá) làm ảnh hưởng đến các dự án lân cận và các dự án đầu tư công; tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư sẽ bị kéo dài”, người này phân tích. 

bds

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở Quảng Nam triển khai dự án gặp khó trong giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, một chủ đầu tư khác đang thực hiện nhiều dự bất động sản tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) cho rằng, nhiều dự án của đơn vị đang triển khai đã kéo dài 3-4 năm nay nhưng vẫn đang gặp bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch để thi công dự án.

“Chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như các đơn vị liên quan xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho cho chủ đầu tư. Đồng thời, địa phương cũng cần có phương án bồi thường phù hợp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, người này nói.

Trong khi đó, ông Hưng, đại diện chủ đầu tư một dự án bất động sản trên địa bàn Quảng Nam cho rằng, đối với vấn đề giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào rất nhiều vào Cơ quan chuyên trách như Trung tâm phát triển quỹ đất. Do đó, cần sự chủ động, quyết liệt và trách nhiệm của Cơ quan chuyên trách cũng như của chính quyền địa phương từ cấp xã, phường cho đến thành phố, tỉnh nhằm vận động người dân hoặc thực thi các quy định của pháp luật để sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư tiến hành triển khai dự án.

Trước đó, trao đổi với Nhadautu.vn liên quan đến nhiều dự án lớn trên địa bàn chậm tiến độ, trong đó có nhiều dự án bất động sản, đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, hiện nay các vướng mắc khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tương đối thuận lợi nhờ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng mới ra đời. Hiện các dự án chỉ có vướng nhất là công tác giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai. “Các dự án gặp khó khăn, vướng mắc, tỉnh sẽ làm việc với nhà đầu tư để tập trung tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Thanh nói.

bach-dat-an-1552-0952

Một dự án bất động sản của Công ty CP Bách Đạt An tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Văn Dũng.

Chủ đầu tư yếu kém

Quảng Nam là một trong những tỉnh thành ở miền Trung có tốc độ phát triển đô thị cao nhất, nhì. Đặc biệt là khu vực thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), chỉ trong thời gian ngắn, địa phương này đã có hàng trăm dự án bất động sản phát triển. Đáng tiếc, khu vực này cũng thường xuyên xảy ra nhiều tình trạng tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư. Việc nhiều khách hàng bỏ tiền mua bất động sản ở các khu dự án đô thị, tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện đúng như những gì đã cam kết diễn ra ở nhiều dự án.

Đơn cử, đã nhiều năm qua, hàng trăm người mua đất tại các dự án như Khu Đô thị 7B mở rộng, Hera Complex Riverside tại Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư cũng hết sức khốn khổ, dù đã đưa nhau ra tòa nhưng đến nay, khách hàng vẫn chưa đòi được sổ đỏ.

Bà Nguyễn Thị Tâm (ở Hội An, tỉnh Quảng Nam) khách hàng mua đất tại dự án Bách Đạt 1 vào năm 2017 với giá 550 triệu đồng/lô cho biết, suốt 4 năm qua đã ăn ngủ không yên, vợ chồng luôn cãi vã về việc mua đất. Cứ tưởng phiên toà phúc thẩm diễn ra ngày 8/5/2020 sẽ mở ra cơ hội để đòi lại quyền lợi nhưng thật sự không như mong đợi. Người dân đã kêu cứu khắp mọi nơi về vụ việc chủ đầu tư dự án Bách Đạt 1 không thực hiện nghĩa vụ giao đất và sổ đỏ cho khách hàng dù đã nộp 95% số tiền.

Theo bà Tâm, dù đã hơn 1 năm, những gì bản án phúc thẩm tuyên vẫn gần như nằm im bất động và quyền lợi của hàng trăm khách hàng mua đất suốt chừng ấy thời gian vẫn dậm chân tại chỗ. Đặc biệt, đối với dự án Bách Đạt 1 đã được UBND tỉnh Quảng Nam giao đất đợt 1 tại quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 22/1/2021, đủ điều kiện triển khai thi công xây dựng trên phần diện tích được giao, tuy nhiên Công ty Bách Đạt An không thiện chí trong việc thi hành án.

“Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo sớm giải quyết triệt để, đảm bảo nhu cầu lợi ích cho người dân, yêu cầu chủ đầu tư giao đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian sớm nhất”, bà Tâm cho hay. 

Hay mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định huỷ 185 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nợ tiền sử dụng đất đã cấp cho Công ty TNHH Chí Thành tại Khu đô thị số 6 và Khu đô thị số 11 thuộc Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Việc huỷ 185 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 khu đô thị này khiến nhiều người dân mua đất tại đây hoang mang.

Liên quan đến phát triển các dự án bất động sản tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang vừa có công văn yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn và các Sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. 

Theo đó, việc này nhằm tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót (nếu có) trong quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư các khu dân cư, khu đô thị tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

“Nội dung rà soát bao gồm: thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất, giao đất, xác định mức thu tiền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiến độ đầu tư xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng...”, công văn nêu rõ.

Có thể thấy, việc chính quyền tỉnh Quảng Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản là điều đáng mừng nhằm thúc đẩy phát triển mạnh về hạ tầng đô thị, kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc trao dự án cho các nhà đầu tư yếu kém, không thực hiện đúng cam kết đề ra đã khiến thị trường bất động sản ở thị xã Điện Bàn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung không bền vững, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư sau này. 

Từ những vướng mắc, khó khăn đối với nhà đầu tư như vậy liệu tương lai có các nhà đầu tư dám “mạo hiểm” đặt chân đến tỉnh Quảng Nam nữa hay không?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ