Bất động sản công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 'đón sóng' đầu tư

Nhàđầutư
Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng được hoàn thiện, đây là điều kiện để các địa phương trong vùng đẩy mạnh thu hút đầu tư. Để đón đầu làn sóng đầu tư mới, bất động sản (BĐS) công nghiệp tại vùng này "rộn ràng" chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường.
AN HÒA
16, Tháng 05, 2023 | 13:12

Nhàđầutư
Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng được hoàn thiện, đây là điều kiện để các địa phương trong vùng đẩy mạnh thu hút đầu tư. Để đón đầu làn sóng đầu tư mới, bất động sản (BĐS) công nghiệp tại vùng này "rộn ràng" chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường.

KCN VSIP

Dự án KCN VSIP Cần Thơ có tổng mức đầu tư khoảng 160 triệu USD, được UBND TP. Cần Thơ trao Giấy CNĐT vào tháng 10/2022, dự kiến dự án này sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 6/2023 này. Ảnh An Hòa

Sắp khởi công 2 khu công nghiệp "khủng"

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, hiện nay địa phương đang phối hợp cùng nhà đầu tư khu công nghiệp (KCN) VSIP Cần Thơ hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư để tiến tới khởi công xây dựng dự án này vào tháng 6/2023 để kịp đưa dự án đi vào hoạt động trong năm 2024.

Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, dự án KCN VSIP Cần Thơ vừa được cấp thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường và thông qua Quy hoạch chi tiết 1/2000. Hiện dự án này đang thực hiện chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

KCN VSIP Cần Thơ được UBND TP. Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 25/10/2022. Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, với diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha với tổng vốn đầu tư 3.718 tỷ đồng, tương đương gần 160 triệu USD. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất.

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long, chủ đầu tư dự án KCN Gilimex Vĩnh Long cũng đang phối hợp cùng địa phương hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự kiến trong quý IV, KCN Gilimex Vĩnh Long giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thi công cơ sở hạ tầng, để đến quý IV/2028 dự án sẽ đi vào hoạt động.

Dự án KCN Gilimex Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Dự án có quy mô 400ha tại huyện Bình Tân. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 255ha, giai đoạn 2 diện tích 145ha; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.600 tỷ đồng.

Cũng theo Ban quản lý các KCN Vĩnh Long, KCN Gilimex Vĩnh Long là dự án KCN có quy mô lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long hiện nay. Dự án này được xây dựng tại vị trí đắc địa gần cảng, sân bay kết nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Gilimex Vĩnh Long là một Công ty thành viên của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL).

Gilimex được thành lập và năm 1982, là một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất sản phẩm may tại Việt Nam. Gilimex niêm yết trên HoSE từ năm 2002. Hiện Gilemex có khoảng 15 công ty con và 2 công ty liên kết.

Riêng mảng BĐS công nghiệp, Gilimex sở hữu 4 công ty, bao gồm Gilimex Vĩnh Long; Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex; Công ty TNHH MTV Bất động sản Gia Định và Công ty TNHH MTV Kho vận Gilimex.

kcn

Tỉnh Sóc Trăng và nhiều địa phương khác tại vùng ĐBSCL đã đưa vào quy hoạch, mời gọi đầu tư  hàng loạt Khu, Cụm công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư mới. 

BĐS công nghiệp sẽ dẫn dắt thị trường

Với quan điểm tạo ra công ăn việc làm để thu hút người đến ở làm ăn sinh sống, BĐS công nghiệp dẫn dắt thị trường BĐS, các địa phương tại khu vực ĐBSCL đều xác định BĐS công nghiệp là lĩnh vực đầu tư quan trọng và đang nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, địa phương được xem là cửa ngõ phía Đông của vùng, thuận lợi giao thương hàng hải; có 4 tuyến Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60, kết nối thông suốt với TP. HCM và các tỉnh trong khu vực.

Tỉnh Trà Vinh được Chính phủ quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Định An với diện tích trên 39.000ha đã và đang được đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng để mời gọi đầu tư.

Tỉnh Trà Vinh hiện có KCN Long Đức với diện tích 100 ha đã lấp đầy. Để đáp ứng nhu cầu thuê đất công nghiệp cho nhà đầu tư, địa phương đã quy hoạch, mời gọi đầu tư vào KCN Cổ Chiên (200 ha), KCN Cầu Quan (giai đoạn 1: 120ha), 16 cụm công nghiệp trong đó có 4 cụm công nghiệp đã thành lập.

"Định hướng phát triển công nghiệp của địa phương chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng quy trình sản xuất sạch hơn; sản xuất và phân phối điện, tập trung vào lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.

Để tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch, Tỉnh cũng đã ban hành và triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp; hợp tác xã; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp", người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh cho biết.

Với mong muốn đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào địa phương, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, bên cạnh việc mở rộng 2 KCN hiện hữu là An Hiệp và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng đang đẩy mạnh mời gọi đầu tư hàng loạt Khu, Cụm công nghiệp khác.

Cụ thể Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sẽ thu hút được nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: KCN Đại Ngãi (200 ha), KCN Sông Hậu (286 ha) và KCN Mỹ Thanh (217 ha).

Mặt khác, Tỉnh cũng đang quy hoạch phát triển 3 KCN mới: KCN Trần Đề 2 (400 ha), KCN Ngã Năm (300 ha), KCN Khánh Hòa (350 ha) và lập đề án nghiên cứu, thành lập khu kinh tế ven biển với quy mô dự kiến 30.000 ha trong giai đoạn 2021 - 2030.

KCN Tran De

Tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng KCN Trần Đề sẽ nhanh chóng được lấp đầy khi cảng nước sâu Trần Đề được đầu tư xây dựng. Ảnh An Hòa

Riêng năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và sớm thu hút, triển khai các dự án thứ cấp; kêu gọi đầu tư đối với các cụm công nghiệp Ngã Năm, Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025.

"Trong định hướng phát triển công nghiệp, địa phương xác định phát triển Khu, Cụm công nghiệp theo trục hành lang kinh tế ven sông Hậu và ven biển, ở những địa điểm có lợi thế về giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội sẵn có.

Đồng thời, địa phương cũng định hướng thu hút các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, những ngành thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường. Riêng KCN ven biển (Trần Đề) địa phương định hướng sẽ thu hút thêm ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển", ông Nghiệp thông tin thêm.

Ngoài các địa phương nêu trên thì nhiều địa phương khác trong vùng ĐBSCL như: Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp..., cũng đang tập trung thu hút nhà đầu tư phát triển các Khu, Cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất để đáp ứng làn sóng đầu tư mới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ