Ba thập kỷ thăng trầm của Nam Cường Group

Nhàđầutư
Hai thập kỷ đầu tiên ghi nhận sự phát triển thần tốc của Nam Cường Group. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam một thời loay hoay với khối tài sản đất vàng và dần bị nhiều đối thủ vượt mặt.
HUY NGỌC
01, Tháng 08, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Hai thập kỷ đầu tiên ghi nhận sự phát triển thần tốc của Nam Cường Group. Tuy nhiên từ năm 2010 đến nay, tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam một thời loay hoay với khối tài sản đất vàng và dần bị nhiều đối thủ vượt mặt.

NDT - 2 thap ky len xuong cua Nam Cuong Group

Dự án Anland Lakeview thuộc KĐT Dương Nội phân khu A. Ảnh Nam Cường Group.

Câu chuyện của cố doanh nhân Trần Văn Cường (1958 – 2010) – người sáng lập Tập đoàn Nam Cường là trường hợp đem đến nhiều cảm hứng.

Ông Cường sinh năm 1958 tại một vùng quê ở Nam Định, là người thứ con thứ 3 trong gia đình 10 anh em. Trong những năm tháng nghèo khó lênh đênh cùng gia đình với nghề sông nước, ông Cường không có điều kiện để học hành bài bản. Mới hết lớp 6 phổ thông, ông phải nghỉ học cùng bố mẹ lao động vất vả kiếm sống. Sau đó, ở những năm tuổi 20, với tấm bằng thuyền trưởng, ông là chỉ huy con tàu số 889 vận chuyển phân đạm trên các tuyến sông phía Bắc.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) là mốc đánh dấu quan trọng cho thời kỳ Đổi Mới. Nắm bắt cơ hội này, năm 1989, ông Cường thành lập và giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổ hợp dịch vụ Vận tải – Vật tư nông nghiệp và Xây dựng Xuân Thuỷ. Đây cũng là tiền thân của Nam Cường Group sau này.

Đến năm 1994, HTX chuyển đổi thành Công ty TNHH Nam Cường và bổ sung ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu phân đạm và các thiết bị vật tư nông nghiệp.

Không chỉ có vai trò sáng lập Nam Cường Group, vị doanh nhân "Thành Nam" còn có ảnh hưởng quan trọng xuyên suốt quá trình hoạt động của tập đoàn. Điều này thể hiện qua quỹ đất “khủng” hơn 2.500ha mà Nam Cường gom góp được trong thập niên đầu của năm 2000.

Trong năm 2003, Nam Cường đã khởi công hạ tầng loạt dự án tại Nam Định và Hải Dương, gồm: Khu Đô thị Phía Đông quy mô 138ha và Khu Đô thị phía Tây diện tích quy hoạch 595ha tại TP. Hải Dương; Khu ĐTM Mỹ Trung 191,5ha, Khu ĐTM Hòa Vượng 55,4ha và Khu ĐTM Thống Nhất 63,9ha tại TP. Nam Định. 

Tại Hà Nội, năm 2008, Nam Cường Group xây dựng tuyến trục phía Bắc Hà Đông có chiều dài 5,1 km, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Đổi lại, Nam Cường Group được Hà Nội giao giao khu đất có diện tích gần 200ha để thực hiện khu đô thị Dương Nội.

Cũng trong năm 2008, Nam Cường Group còn hướng đến quỹ đất hàng ngàn ha khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Thực hiện dự án này, Nam Cường Group sẽ được giao quỹ đất hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha; và Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) quy mô 750ha. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng được giao làm chủ đầu tư hai dự án khu đô thị làm vốn đối ứng là Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội), quy mô 922 ha và Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ, TP. Hà Nội) quy mô 507ha theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường Group buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên vì không phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chủ động chủ động trả lại dự án Khu đô thị Thạch Thất cho TP. Hà Nội.

Năm 2009, Nam Cường Group liên danh cùng Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) tham gia dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài, tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng. Với việc tham gia dự án này, Nam Cường Group được giao 46,1 ha (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) và phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang.

Ngoài lĩnh vực mũi nhọn là địa ốc, Nam Cường Group cũng tham gia đầu tư BOT giao thông khi góp 55% vốn tại Công ty TNHH BOT Đường 188 – chủ đầu tư dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh), tổng chiều dài 14,74 km.

Tiềm lực của Nam Cường Group còn được thể hiện qua số vốn điều lệ 16.006 tỷ đồng (công bố năm 2008) – con số rất lớn ở thời điểm đó, và thậm chí vẫn đứng hàng top các doanh nghiệp quy mô lớn Việt Nam hiện tại.

Loay hoay với “đất vàng”

Sau khi người sáng lập Trần Văn Cường qua đời, vợ ông - bà Lê Thị Thúy Ngà đã trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất nắm 94% vốn tập đoàn (tính đến năm 2016), trong khi ái nữ Trần Ngọc Quỳnh sở hữu 3%. Vị trí Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật được nắm bởi ông Trần Văn Nghĩa (SN 1970) - em trai thứ 9 của ông Trần Văn Cường. 

Sự ra đi của ông Cường đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của Nam Cường Group, nhất là khi đây cũng là giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Vốn điều lệ Nam Cường Group tại thời điểm tháng 11/2021 đã giảm về 4.050 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với thời điểm năm 2008.

Nếu ở hai thập niên đầu Nam Cường Group phát triển thần tốc và nắm trong tay quỹ “đất vàng” tiềm năng, thì kể từ thập niên thứ ba trở đi lại là câu chuyện trái ngược hoàn toàn. Nam Cường Group loay hoay trong việc triển khai các dự án và dần bị các đối thủ “sinh sau đẻ muộn” như VinGroup, SunGroup… bỏ lại rất xa.

Đơn cử, với dự án KĐT Dương Nội, kể từ thời điểm ký phê duyệt lần đầu vào tháng 12/2007 (tức gần 15 năm), nhưng nhiều hạng mục vẫn chưa được hoàn thiện. Thậm chí, Nam Cường Group còn phải bán dự án thành phần cho các nhà đầu tư thứ cấp, như bán 3 tòa H, J, K khối CT7 cho Cen Invest hay chuyển nhượng tòa A, B, C khối HH2 cho Xuân Mai Corp.

Liên quan tới Khu ĐTM Dương Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận số 39//KL-TTr ngày 17/5/2022 và chỉ ra nhiều sai phạm, như: Số lượng biệt thự liền kề tại tại quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng với bản vẽ đóng dấu thẩm định của Sở Xây dựng Hà Tây; công trình trụ sở văn phòng cao 27 tầng được xác định tăng thêm 2 tầng so với số tầng cao trung bình theo điều chỉnh QHCT được duyệt là 25 tầng….

Hay, tại Nam Định, 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung (Tây Bắc TP. Nam Định) được UBND tỉnh này giao cho Nam Cường Group làm chủ đầu tư và thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, dự kiến hoàn thành trong 2-3 năm sau đó. Tuy nhiên, ngoài Khu đô thị Hòa Vượng được triển khai thì Khu đô thị Thống Nhất và Mỹ Trung lại chậm tiến độ hơn chục năm.

Ngoài ra, tháng 6 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết Nam Cường Group nằm trong danh sách thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội). 

Việc không thể triển khai tốt các dự án có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến Nam Cường Group chưa thể mở rộng thêm quỹ đất. Từ năm 2010 đến nay, website tập đoàn cho thấy họ chỉ có thêm 1 dự án mới là Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) quy mô 32,32ha.

Hiện tại, Nam Cường Group đang tìm kiếm cơ hội, thực hiện đầu tư dự án ở khu vực miền Bắc, miền Trung.

Cụ thể, Nam Cường Group tháng 1/2021 đã đề xuất lập quy hoạch chuỗi du lịch xuyên suốt các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Tại huyện Yên Minh, phạm vi nghiên cứu của đồ án khoảng 7.000ha với ranh giới là toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Du Già. Tại huyện Mèo Vạc, đồ án sẽ tập trung xây dựng Khu du lịch sông Nho Quế với phạm vi nghiên cứu khoảng 1.500ha.

Ngoài ra, tập đoàn cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Phú Yên ở lĩnh vực khu phức hợp nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp; chuỗi tổ hợp nghỉ dưỡng khoáng nóng; dịch vụ nghỉ dưỡng và dưỡng lão tại tỉnh Phú Yên.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ